Những bệnh nhân tham gia giai đoạn đầu thử nghiệm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 Sputnik V của Nga đã phát triển kháng thể mà không gặp bất cứ phản ứng nghiêm trọng nào.
Các nhà khoa học Nga đã công bố thông tin trên trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới đang chạy đua phát triển và thử nghiệm vaccine, đánh giá tính hiệu quả và mức độ an toàn của chúng.
Trên tạp chí Lancet số ra ngày 4/9, các nhà khoa học Nga công bố báo cáo kết quả hai cuộc thử nghiệm ở quy mô nhỏ với 76 người trong độ tuổi từ 18 đến 60 và có sức khỏe bình thường. Nhóm tham gia thử nghiệm được tiêm 2 mũi vaccine Sputnik V, mỗi mũi cách nhau 21 ngày. Những người tham gia thử nghiệm được theo dõi trong 42 ngày và kết quả là sau 3 tuần đầu tiên, tất cả những người này đều phát triển kháng thể.
Báo cáo khẳng định dữ liệu trên cho thấy vaccine Sputnik V “an toàn, hoàn toàn không gây tổn hại nghiêm trọng tới cơ thể người tình nguyện khỏe mạnh tham gia thử nghiệm”. Trong cuộc thử nghiệm này, toàn bộ người tham gia đều biết họ được tiêm vaccine Sputnik V.
Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh cần tiến hành thêm các cuộc thử nghiệm ở quy mô lớn hơn và trong thời gian dài hơn, bao gồm sử dụng phương pháp so sánh với thử nghiệm bằng thuốc trấn an, để xác định rõ tính an toàn và hiệu quả lâu dài của vaccine Sputnik V trong việc ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Tháng 8, Nga tuyên bố phát triển thành công vaccine phòng COVID-19 có tên là Sputnik V. Tuy nhiên, nhiều nhà khoa học phương Tây cho đến nay vẫn hoài nghi về tính an toàn và hiệu quả của vaccine, cho rằng cần thời gian dài để đánh giá hiệu quả và mức độ an toàn của vaccine phòng COVID-19.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết hiện toàn thế giới có hơn 250 loại vaccine ngừa COVID-19 đang được phát triển và thử nghiệm, trong đó có 7 loại tiềm năng nhất được thử nghiệm lâm sàng trên người ở giai đoạn 3 và cũng là giai đoạn cuối cùng. WHO cho rằng không nên kỳ vọng việc phổ biến vaccine ngừa bệnh COVID-19 trước giữa năm 2021.
Theo Báo Tin tức