Lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành tập trận quy mô lớn gần như đồng thời trên cả 4 vùng biển nhằm đáp trả các hành động của Mỹ ở Biển Đông, Asian Times nhận định.
Hải quân Trung Quốc (PLAN) đang tiến hành tập trận gần như cùng lúc ở 4 biển – động thái được giới quan sát cho là đòn “ăn miếng trả miếng” khi trước đó, Mỹ điều 2 tàu sân bay tập trận ở Biển Đông.
Theo Asian Times, bắt đầu từ tuần trước, PLAN đã tổ chức các cuộc tập trận hải quân quy mô lớn và liên tiếp ở Hoàng Hải, Bột Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Mặc dù không phải diễn ra cùng lúc, nhưng đây là lần đầu tiên Trung Quốc tập trận hải quân gần như đồng thời trên cả 4 vùng biển. Trung Quốc dường như đang muốn phô trương sức mạnh trước Mỹ và các đồng minh trong khu vực, Asian Times nhận xét.
Đầu tháng này, Trung Quốc cũng tiến hành tập trận khá lớn gần đảo Đài Loan, trùng thời điểm Bộ trưởng Y tế Mỹ Alex Azar tới thăm hòn đảo. Sau đó, bản thỏa thuận mua bán chiến đấu cơ F-16 giữa Mỹ và Đài Loan trị giá hàng chục tỷ USD được hoàn tất trong sự phản đối kịch liệt của Bắc Kinh.
Theo thông báo, ở Biển Hoa Đông, quân đội Trung Quốc sẽ tập trận tác chiến trên không trong mọi điều kiện thời tiết. Tập trận bắn đạn thật được tổ chức ở ngoài khơi Liên Vân Cảng, Hoàng Hải.
Tại Bột Hải, hải quân Trung Quốc thực hiện tập trận bảo vệ bờ biển, dự kiến kéo dài đến 30.9.
Theo Asian, nơi Trung Quốc phô trương sức mạnh hải quân nhất qua các cuộc tập trận sẽ là Biển Đông. Trung Quốc sẽ tập trận trên Biển Đông từ ngày 24 – 29.8.
Giới chuyên gia Trung Quốc cho rằng, các cuộc tập trận chỉ là “hoạt động bình thường” và “không có ý khiêu khích”.
“Tôi không nghĩ những cuộc tập trận này nhằm vào bất kỳ nước láng giềng nào của Trung Quốc”, Qi Huaigao – chuyên gia từ Đại học Phục Đán – nhận định.
Tuy nhiên, một số chuyên gia quân sự khác của Trung Quốc cho rằng, những cuộc tập trận quy mô trên cả 4 biển cho thấy tiềm lực quân sự và là động thái thách thức việc Mỹ đưa tàu sân bay ra tập trận ở Biển Đông.
Cùng với đó, Bắc Kinh cũng muốn răn đe Đài Loan và một số đồng minh của Mỹ trong bối cảnh căng thẳng gia tăng gần đây.
Tuần trước, Philippines đã gửi công hàm ngoại giao phản đối việc lực lượng Trung Quốc tịch thu ngư cụ của ngư dân Philippines tại vùng biển gần bãi cạn Scarborough đang tranh chấp.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines sau đó cũng lên tiếng và tuyên bố yêu sách đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông là “hoàn toàn bịa đặt”.
Những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông cũng vấp phải sự phản đối của Malaysia – một đồng minh khác của Mỹ. Trong khi đó, lực lượng phòng vệ Nhật Bản cũng tăng cường hoạt động, sẵn sàng đối phó Trung Quốc ở quần đảo đang tranh chấp Senkaku (Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).
Theo Dân Việt