Hai bên đã thực sự coi nhau là đối thủ chiến lược toàn cầu và cả sự khác biệt về ý thức hệ.
Liên kết đã kết thúc
Trong một phần tư thế kỷ qua, cách tiếp cận của Mỹ đối với Trung Quốc đã được thiết lập trên một niềm tin vào sự hội tụ. Hội nhập chính trị và kinh tế sẽ không chỉ làm cho Trung Quốc giàu có hơn, mà cũng thúc đẩy đất nước tỉ dân này tự do hơn và dân chủ. Đã có những cuộc khủng hoảng, chẳng hạn như đối mặt với eo biển Đài Loan vào năm 1996 hoặc khủng hoảng về máy bay gián điệp vào năm 2001.
Nhưng giới lãnh đạo Mỹ vẫn duy trì niềm tin rằng, với những ưu đãi đúng đắn, Trung Quốc cuối cùng cũng sẽ tham gia thế giới như một “bên liên quan có trách nhiệm”- một cụm từ được nhà ngoại giao Mỹ Robert Zoellick sử dụng năm 2005. Kỷ nguyên của sự liên kết mở ra trọn vẹn đầu những năm 2000, sau khi Mỹ giúp Trung Quốc trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).
Hôm nay, sự hội tụ đã đến hồi kết thúc, mở đầu bằng một cuộc chiến thương mại. Dù trước đó, tháng 5.2018, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin đã ký thỏa thuận ở Washington, được xem như bước đột phá lớn nhất ngăn chặn chiến tranh thương mại. Trong đó, Trung Quốc sẵn lòng gia tăng đáng kể mua khí hóa lỏng, sản phẩm nông nghiệp, kim loại và máy bay dân dụng từ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Mỹ liên tục thay đổi những đòi hỏi và thực hiện những biện pháp leo thang chiến tranh thương mại khiến cho đối thoại giữa hai nước trở thành bất khả. Hậu quả là cho đến nay, chiến tranh thương mại của Mỹ với Trung Quốc đã đi vào giai đoạn 2 sau khi khởi xướng cuộc chiến tài chính tiền tệ đã làm tiền Trung Quốc (NDT) giảm đi 8% và thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm quanh mức 25% từ tháng 4/18, song hành với việc áp thêm thuế mới 10% trên 200 tỉ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.
Bước tiếp theo được nhiều giới dự báo là Mỹ sẽ áp thuế cao hơn là 25% trên 200 tỉ USD hàng nói trên, và Tổng thống Trump còn tuyên bố sẵn sàng áp thuế vào khối 276 tỉ USD hàng nhập còn lại từ Trung Quốc.
Thay đổi luật chơi
Rõ ràng, đích ngắm của chính quyền Donald Trump không phải là vấn đề thương mại, mà thực sự muốn thay đổi hoàn toàn luật chơi với Bắc Kinh. Mỹ xem Trung Quốc như một đối thủ chiến lược và một kẻ phá luật. Chính quyền Trump cáo buộc Trung Quốc can thiệp vào văn hóa và chính trị của Mỹ, ăn cắp tài sản trí tuệ và thương mại không công bằng, đặc biệt có tham vọng thống trị toàn cầu. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã có bài phát biểu vô cùng gay gắt, cảnh báo rằng Trung Quốc đã tham gia vào một cuộc tấn công “toàn chính phủ” nhắm vào Mỹ.
Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa đều có những chiến lược nhằm vượt qua Trung Quốc đằng sau ý tưởng rằng Hoa Kỳ đang phải đối mặt với một đối thủ chiến lược và ý thức hệ mới.
Ở bờ bên kia, các nhà chiến lược Trung Quốc từ lâu đã nghi ngờ rằng Mỹ đã bí mật muốn ngăn chặn sự nổi lên của Bắc Kinh. Đó là một phần lý do tại sao Trung Quốc tìm cách giảm thiểu sự đối đầu bằng cách “ẩn mình” trong suốt gần nửa thế kỷ qua. Nhưng cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã tạo cơ hội cho con rồng Trung Quốc thức giấc trước sự chao đảo của các nền kinh tế tư bản như Mỹ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ngay lập tức giương ngọn cờ “Giấc mơ Trung Quốc” của một quốc gia sắp đứng vào hàng ngũ cường quốc thế giới.
Cùng với đó là sự mở rộng các hoạt động quân sự, đặc biệt là tham vọng của Trung Quốc tại Biển Đông. Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế thống kê cho thấy, kể từ năm 2014, Trung Quốc đã khai thác các tàu hải quân “với tổng trọng tải lớn hơn toàn bộ lực lượng hải quân Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Hàn Quốc, Tây Ban Nha hoặc Đài Loan”. Mỹ lo sợ rằng thời gian đang ủng hộ Trung Quốc. Nền kinh tế Trung Quốc đang tăng nhanh hơn gấp đôi so với Mỹ và quốc gia đông dân này đang đổ rất nhiều tiền vào công nghệ tiên tiến, như trí thông minh nhân tạo, điện toán lượng tử và công nghệ sinh học.
Mỹ có nhiều cách để loại bỏ Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh toàn cầu. Quốc hội Mỹ vừa thông qua dự luật về chính sách quốc phòng mà một số nhà lập pháp nói là cứng rắn nhất trong lịch sử đối với Trung Quốc, giữa lúc làn sóng đối đầu với Bắc Kinh đang được cả hai đảng ủng hộ. Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng Mỹ (NDAA), vốn được ban hành thường niên, quy định tổng chi tiêu cho quốc phòng của Mỹ trong năm tài khóa tới là 716 tỉ USD, theo Wall Street Journal.
Mặt trận thương mại
Nhưng Mỹ đang tấn công Trung Quốc trên mặt trận khác có uy lực hơn. Mỹ cáo buộc cho rằng các công ty Trung Quốc lợi dụng vai trò như là nhà sản xuất lớn và sàn lắp ráp các sản phẩm điện tử để phục vụ cho mục đích gián điệp. Qua đó, Mỹ đã đạt kết quả trong việc hạn chế sự hiện diện của các công ty như Huawei và ZTE trên thị trường Mỹ.
Tiếp đến, từ đầu tháng 10, bùng ra scandal về việc các nhà sản xuất Trung Quốc cài đặt “chip gián điệp” trong máy chủ mà các công ty lớn của Mỹ sử dụng, kể cả Apple và Amazon. Rồi Lầu Năm Góc tung ra bản báo cáo 150 trang, chỉ tới 300 thứ vật liệu và thành tố sản xuất tại Trung Quốc mà đang có mặt trong dây chuyền hoạt động của tổ hợp công nghiệp quân sự Mỹ…
Các cáo buộc này đã chỉ mặt đặt tên Trung Quốc như một kẻ phá hoại. Bài phát biểu của Phó tổng thống Mỹ Mike Pence cáo buộc “đáp trả lại động thái trả đũa của Tổng thống Mỹ trong cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Bắc Kinh đã theo đuổi một chiến dịch toàn diện để phá hoại sự ủng hộ dành cho Tổng thống Mỹ Trump”. Ông nhấn mạnh: “Tổng thống Mỹ sẽ không lùi bước và người dân Mỹ không dao động. Họ sẽ tiếp tục đứng vững để bảo vệ an ninh và kinh tế của Mỹ trong khi vẫn hy vọng cải thiện quan hệ với Bắc Kinh”.
Chiến tranh thương mại chỉ là một mặt trận nhằm ngăn chặn các thách thức Trung Quốc đặt ra cho chiến lược toàn cầu của Mỹ. Vì lợi ích của nhân loại, Trung Quốc và Mỹ cần phải đi đến một sự hiểu biết và hòa bình. Nhưng bằng cách nào?
Chiến lược của ông Trump có thể coi như một mũi tên trúng hai đích, vừa nhấn mạnh vị thế của Mỹ trên thế giới trong cuộc thương chiến hiện tại với Trung Quốc, vừa nhắm cả vào cuộc bầu cử giữa kỳ tại Mỹ vào tháng 11 sắp tới, cho cử tri Mỹ thấy quyền lực của Đảng Cộng hòa dưới sự lãnh đạo của một nguyên thủ có lập trường và ý thức hệ chính trị rõ ràng, với một lịch trình chính sách cụ thể được thực hiện đúng theo như tuyên bố lúc tranh cử.
Phá vỡ thế cờ
Ông Trump và chính quyền của ông đã có những chiến lược đúng đắn. Đầu tiên là Mỹ cần phải mạnh mẽ trong cách tiếp cận vấn đề Trung Quốc, tăng thêm chi tiêu an ninh quốc gia và tăng cường viện trợ nước ngoài để chống lại “vòi đầu tư” của Trung Quốc đang vươn rộng khắp các lục địa.
Ông Trump cũng đúng khi nước Mỹ mạnh tay điều chỉnh lại hành vi thương mại của Trung Quốc. Bởi vì, hệ thống giao dịch hiện nay không ngăn cản được các công ty do nhà nước Trung Quốc hỗ trợ làm mờ ranh giới giữa lợi ích thương mại và lợi ích quốc gia. Trung Quốc đã sử dụng ảnh hưởng thương mại của các công ty nhà nước để tác động đến chính sách đối ngoại ở Liên minh châu Âu.
Tất nhiên, Trung Quốc sẽ không dễ dàng bị tấn công và ông Tập cũng không dễ dàng từ bỏ giấc mơ Trung Hoa. Tuy nhiên, ông Trump đã sẵn sàng phá vỡ thế cờ này. Bởi vì, Trung Quốc khó ngăn chặn sự phá giá của đồng Nhân dân tệ do ảnh hưởng tâm lý “tẩu tán tài sản” của dân chúng, và nhất là các hãng xưởng muốn chạy ra khỏi Trung Quốc để đầu tư sang các nước khác.
Đồng Nhân dân tệ đã mất giá 8-9% sau hai đợt đầu của cuộc thương chiến, nếu Mỹ đánh tiếp thuế quan 25% lên 200 tỉ hàng nhập Trung Quốc trước cuối năm, đồng tiền này có thể mất giá thêm 10% theo nhiều dự đoán. Và nếu áp thuế lên cả 276 tỉ USD hàng nhập còn lại từ Trung Quốc, đồng tiền của Trung Quốc sẽ đi về đâu?
DKN