Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ hôm 18-8 công bố báo cáo về cáo buộc can thiệp của Nga nhằm vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016, qua đó giúp Tổng thống Donald Trump đắc cử.
Bản báo cáo dài 966 trang, có khả năng là bản báo cáo công khai cuối cùng liên quan đến cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2016, chỉ ra rằng WikiLeaks đóng một vai trò quan trọng trong nỗ lực của Nga nhằm hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông Trump chống lại cựu ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton.
Báo cáo cho thấy Tổng thống Vladimir Putin đã đích thân chỉ đạo các nỗ lực của Nga nhằm tấn công các mạng máy tính và tài khoản liên kết với đảng Dân chủ, làm rò rỉ thông tin gây tổn hại cho bà Clinton khi đó.
Khi được hỏi về bản báo cáo tại một sự kiện ở TP Yuma, bang Arizona, ông Trump nói rằng: “Tôi không biết gì về báo cáo đó. Tôi đã không đọc nó. Tất cả chỉ là một trò lừa bịp”.
Ủy ban Tình báo Thượng viện Mỹ cũng cáo buộc ông Paul Manafort, cựu giám đốc chiến dịch tranh cử của ông Trump, hợp tác với một số nhân vật Nga, gồm nhà tài phiệt Oleg Deripaska và “sĩ quan tình báo Nga” Konstantin Kilimnik trước, trong và cả sau cuộc bầu cử Mỹ năm 2016.
Cơ quan này nhận thấy vai trò và sự gần gũi của ông Manafort với Tổng thống Trump đã tạo cơ hội cho tình báo Nga, cụ thể là “khả năng tiếp cận cấp cao và sẵn sàng chia sẻ thông tin của ông Manafort với các cá nhân có quan hệ chặt chẽ với cơ quan tình báo Nga là một mối đe dọa phản gián nghiêm trọng”.
Cả luật sư của ông Manafort và phía WikiLeaks chưa bình luận gì về thông tin trên.
Hiện chưa rõ báo cáo có thể gây ảnh hưởng gì, nếu có, đối với chiến dịch tranh cử tổng thống hiện tại của ông Trump.
Người phát ngôn chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông Tim Murtaugh, hôm 18-8 cho rằng báo cáo đã chứng minh lập trường của ông rằng không có “sự thông đồng” giữa chiến dịch năm 2016 của ông Trump và Nga.
Trong khi đó, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Biden, ông Andrew Bates, cáo buộc ông Trump đã “dang rộng vòng tay” hoan nghênh sự hỗ trợ của Nga vào năm 2016.
Các cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ của Nga, điều mà Moscow liên tục phủ nhận, đã thúc đẩy cuộc điều tra kéo dài hai năm của Mỹ do cựu công tố viên đặc biệt Robert Mueller dẫn đầu.
Trong một báo cáo được công bố vào năm ngoái, ông Mueller không tìm thấy bằng chứng thuyết phục nào về sự liên kết giữa Nga và chiến dịch tranh cử của ông Trump. Ông Mueller khi đó trích dẫn 10 trường hợp ông Trump có thể đã cố cản trở cuộc điều tra nhưng không cho biết liệu điều này có gây cản trở công lý hay không.
Theo Người Lao Động