Thời vua Lê chúa Trịnh có đôi bạn thân thiết làm quan to. Họ không chỉ trừng trị tham quan, chăm lo cuộc sống người dân, mà còn đòi lại được vùng đất màu mỡ giàu có tài nguyên khoáng sản ở biên giới phía Bắc.
Nhưng chẳng mấy ai biết rằng, vào thời trẻ, họ thường nói khích nhau, nhờ đó mà nuôi chí lớn, chăm chỉ đèn sách để trở thành những công thần đầu triều.
Nhờ nói khích nhau mà đều đỗ đạt
Vào thời vua Lê – chúa Trịnh có ông Bùi Sĩ Tiêm quê ở làng Kinh Lũ, huyện Đông Quan (nay là làng Kinh Hào, xã Đông Kinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình), sinh ra trong gia đình nghèo khó. Nhưng nhờ được cha dạy dỗ chu đáo, 4 tuổi Bùi Sĩ Tiêm đã biết đọc sách, 7 tuổi biết làm thơ, 8 tuổi thông hiểu văn bài, 10 tuổi theo học ở Quốc Tử Giám.
Một lần ông đến thăm người bạn của mình là Vũ Công Tể đang giữ một chức quan nhỏ ở vùng Sơn Nam, có lời bàn rằng: “Anh chưa lấy gì làm già, sao không dụng công mà nấu sử sôi kinh thi đỗ làm ông to bà lớn cho thỏa chí nam nhi, mà lại can tâm đi tranh đấu gạo đồng lương với bọn nha lại như thế?”
Bị chê, Vũ Công Tể cảm thấy tức khí lắm, nhưng vẫn mỉm cười tiễn bạn mình về. Năm đó Bùi Sĩ Tiêm đi thi Hương nhưng kém một người là Ngô Tuấn Củng, cảm thấy không phục nên chuẩn bị cho kỳ thì Hương tới, nhưng lại cũng vẫn kém điểm Củng. Vũ Công Tề nhân cơ hội ấy mà nói rằng: “Văn chương Bùi Sĩ Tiêm rỗng tuếch như bụng trống, sao không biết lượng sức mà cứ đòi hơn kém với họ Ngô?”
Bùi Sĩ Tiêm nghe bạn mình khích bác, bèn ra sức học hành, dùi mài kinh sử, trau dồi học lực. Đến năm 1715 thời vua Lê Dụ Tông, ông cùng 3.500 sĩ tử khác tham gia kỳ thi cao nhất là thi Đình. Bùi Sĩ Tiêm là một trong 20 người được chọn vào Sân Rồng, do đích thân Vua sát hạch và kiểm tra, ông đỗ Đệ nhị giáp, Đệ nhất danh Tiến sĩ, chiếm bảng Khôi nguyên và được khắc tên vào bia Tiến sĩ.
Ngày vinh quy Bùi Sĩ Tiêm đi thuyền ngang qua nơi làm việc của Vũ Công Tể rồi cho người đánh trống thùng thùng, đàn sáo vang lừng, dân chúng đổ ra xem và chào đón nườm nượp.
Biết đấy là thyền vinh quy bái tổ của Bùi Sĩ Tiêm muốn khích bác mình, Vũ Công Tề từ đó chăm chỉ đèn sách, đổ mồ hôi sôi nước mắt chuyên cần bất kể ngày đêm.
Ba năm sau (1718), Vũ Công Tề vào đến kỳ thi cao nhất là thi đình, đỗ luôn Thám Hoa, tiếng tăm lẫy lừng. Bùi Sĩ Tiêm nghe tin bạn mình đỗ thì liền đến chúc mừng. Tể gặp lại bạn mình thì mừng rỡ mà nói: “Sự nghiệp khoa danh của đệ muộn màng, đệ biết như vậy nên không dám vội vã. Nhưng cũng chính nhờ có sự khích bác của đại huynh mà đệ mới dốc sức và có kết quả như ngày nay”.
Bùi Sĩ Tiêm cũng cười mà đáp rằng: “Thì tôi cũng sợ quan bác chê cái bụng rỗng như cái trống, nên phải ních cho đầy chữ nghĩa”.
Hai người bạn cùng cười vui vẻ, tiệc rượu kéo dài đến sáng.
Bùi Sĩ Tiêm với bản tấu 10 điều răn
Cũng năm 1718, Bùi Sĩ Tiêm được cử làm Tuần phủ Sơn Tây. Với quyền chức của mình, ông hết lòng lo cho Giang Sơn Xã Tắc, trị các quan lại tham nhũng, lo cho đời sống người dân. Ông được thăng chức Đông Các hiệu thư, rồi thăng Hoàng tín đại phu Thái thường tự khanh, làm việc ở kinh thành.
Mùa đông năm 1729, chúa Trịnh Cương bất ngờ qua đời, Trịnh Giang lên thay suốt ngày ăn chơi vô độ bỏ bê việc triều chính, tăng thêm thuế nhằm phục có tiền xây dựng cung quán phục vụ cho việc ăn chơi của mình, muôn dân ca thán. Các quan đều bị thay đổi, những kẻ mới lên chỉ lo vơ vét của dân.
Bùi Sĩ Tiêm liền dâng biểu tấu trình bày 10 điều thiết yếu, cấp bách đối với thời cuộc.
Trịnh Giang nhận được biểu tấu của Bùi Sĩ Tiêm thì cho ông là phạm thượng, bèn bắt giam, đoạt hết quan chức, rồi đuổi về quê.
Thấy cảnh triều đình quan lại chỉ lo chơi bời, vơ vét của dân, ông chán nản về quê mở trường dạy học, đến năm 1733 thì mất.
Năm 1740, chúa Trịnh Giang bị trời giáng sét đánh gần chết, rồi mắc bệnh “kinh quý” – tinh thần bất định, hay hoảng hốt sợ hãi. Phải xây hầm dưới đất rồi trốn ở dưới đó suốt 20 năm cuối đời. Nhiều người cho rằng Trịnh Giang làm nhiều việc ác nên bị mới bị báo ứng. Năm 1740, chúa Trịnh Doanh lên ngôi, xem lại bản tấu 10 điều thiết yếu của Bùi Sĩ Tiêm, và hiểu đây là những đề nghị rất thiết yếu và quan trọng. Bèn truy tặng ông hàm Tham chính Đại học sĩ, tước Trung Tiết hầu và cấp cho ruộng thờ
Trần Hưng