Cuối cùng, chị Thảo đã nhận ra rằng: “Một cách kỳ lạ, mục đích của chuyến đi đã đạt được, mình đặt được một chân lên con đường hạnh phúc thực sự, mình tìm thấy chính mình.”
Ở độ tuổi 27, là nhân viên thu mua xuất nhập khẩu, có công việc ổn định, cuộc sống ở Sài Gòn nhiều người mong ước, thậm chí có thể trở thành hình mẫu “con nhà người ta” trong truyền thuyết cho người thân vui lòng nhưng chị Thảo Phạm lại có một quyết định khiến ai nấy xung quanh đều bất ngờ.
“Trong khi mọi người đồng trang lứa đã bắt đầu có cuộc sống ổn định và thành tựu nhất định thì mình nhận ra mình bình thường và cũng không bình thường. Bình thường ở chỗ: mình có việc làm tạm gọi là ổn định, mức lương đủ sống, lâu lâu đi tụ tập bạn bè, lâu thật lâu sẽ đi du lịch, thời gian rảnh thì nghe nhạc đọc sách coi phim. Mình đã nghĩ mình cứ sống như vậy thôi, có cuộc sống ổn định.
Nhưng mình thấy mình không ổn một cách không bình thường: mình thấy thiếu. Thiếu nhiệt tình sống, thiếu một cái gì đó để mình chạm đến hạnh phúc, lại còn nghèo và ế. Mơ mộng một cuộc sống tiêu dao như phim kiếm hiệp Trung Quốc và giàu có như phim tình cảm Hàn Quốc, mình đổ lỗi cuộc sống xô bồ ở Việt Nam, và mình muốn đi nước ngoài cơ. Chắc cuộc sống sẽ khác, cuộc sống mình sẽ tốt đẹp hơn. Và bất ngờ mình có cơ hội đó. Đất nước New Zealand dang tay chào đón mình.”
Từ bỏ hiện tại để đi tìm mình
Chị nghỉ việc ở Việt Nam và tham gia chương trình Working Holidays ở New Zealand trong vòng 1 năm. Nghỉ công việc đầu óc và di chuyển tới một quốc gia khác, làm những công việc chân tay. Chị Thảo có những suy nghĩ hoàn toàn mới về cuộc sống hiện tại của mình, có những “được” và “mất” mà chẳng ai hiểu rõ ngoài chị. Trong khi người ngoài cuộc có thể bàn ra tán vào những điều không hay về chị, chị Thảo lại tin vào quyết định của bản thân và tìm được chính mình từ chuyến đi này.
“Khi có trong tay tấm visa, trong mình dâng lên niềm phấn khích cùng nỗi sợ hãi. Một năm, mọi người sẽ đi xa như thế nào, đạt được bao nhiêu thành tựu trong khi mình vô định và hoàn toàn không chắc chắn về bất cứ điều gì. Sẽ ra sao nếu chuyến đi thất bại, mình hết tiền, quay trở về mà không xin được việc hoặc không thể hoà nhập cuộc sống? Chẳng may cái này, ngộ nhỡ cái nọ…
Rồi mình tự dặn lòng một câu thần chú: Không thành công thì cũng thành nhân, thế nào mình cũng khác, không bổ dọc sẽ bổ ngang. Với cả mình cũng đâu có gì để mất. Rồi mình lại sợ bị đánh giá. Chính vì thế mình lên đường trong im lặng. Cũng đã hơn 1 năm trôi qua, nhìn lại đúng là mình phải từ bỏ nhiều thứ để nhận lại được nhiều thứ.”
Chị Thảo kể nhiều hơn về những “được” và “mất” của bản thân trong 1 năm qua:
– “Đầu tiên là từ bỏ công việc có triển vọng để đổi lấy những công việc chân tay nặng nhọc, thứ mà mình dành nhiều năm tháng học hành để tránh khỏi nó. Đã có lần mình trốn vào nhà kho của quầy cà phê để khóc, tự hỏi bản thân mình đang làm cái quái gì ở đây, đang làm gì với cuộc đời mình thế này, sao tự mình chuốc khổ, sao đời mình thê thảm thế… Không dưới một lần mình dò danh sách việc làm mới đăng tuyển trên trang web tìm việc bằng tiếng Anh với những yêu cầu cao vời vợi mà lòng nổi lên sợ hãi làm sao mà mình tìm được việc đây.
Bao nhiêu tự tin của một đứa ăn rồi học, đi làm văn phòng đã bị đập vỡ. Mình giờ chỉ là một đứa nói tiếng Anh lõm bõm với bao nhiêu năm kinh nghiệm đi làm giờ chỉ là đồ bỏ ở đất nước xa lạ này. Tất cả mình tha thiết giờ chỉ là một công việc mà thôi. Cũng từ đó mình học cách yêu lao động và công việc mình có. Không có ai phán xét hay coi thường việc mình đang hái trái cây hay bưng bê, làm công nhân.
Họ chỉ nhìn thấy mình, Tessa đến từ Việt Nam. Họ nhìn sự chăm chỉ cố gắng trong công việc, sự thân thiện vui vẻ mình mang lại và họ đánh giá cao điều đó. Mình biết rằng bản thân có thể làm được nhiều việc, công việc nào cũng đáng quý, điều quan trọng là niềm tin vào bản thân và giá trị mình gán cho công việc.
Mình cũng học về sự bình đẳng. Rằng tất cả mọi người đều khác biệt và đáng được tôn trọng. Từ Âu đến Á, ở đâu cũng có người tốt người xấu, ai cũng có ưu điểm và tật xấu. Khác biệt đáng kể có lẽ là về thể hình và tính linh hoạt. Nhưng chỉ cần quay lại bài học về niềm tin và giá trị bản thân thì mọi khác biệt đó không còn là vấn đề.”
– “Thứ hai, mình phải rời xa những người thân yêu, không chỉ về mặt địa lý. Không còn cơ hội gặp mặt chuyện trò tâm sự, không còn chung chủ đề và những quan tâm với mọi người, mình phải trở nên thực sự độc lập về mặt tinh thần. Có những khi cô đơn và buồn nản nhưng trượt danh sách liên lạc lại chẳng biết phải nói cùng ai. Ai cũng bận rộn và có lo toan riêng của mình. Chênh lệch múi giờ cũng làm cho những tin nhắn gửi đi phải rất lâu mới được hồi đáp, khiến cho nỗi niềm cũng nguội lạnh chẳng còn muốn được tỏ bày.
Mình biết rõ mọi người vẫn luôn yêu quý ủng hộ mình nhưng mình phải học làm quen với những tồn tại đó. Lâu lâu mọi người thấy mình đăng tải những chuyến đi hoặc hình ảnh đẹp, không hẳn do mình vui sướng đâu. Phần nhiều trong số đó được đăng khi tâm trạng mình cực kỳ xuống cấp, cần phải có gì đó khiến mình xao nhãng và cảm thấy tốt đẹp hơn. Rồi mình dần học cách cởi mở và thả lỏng bản thân, trở nên tự tin hơn. Cởi mở để làm quen và tiếp nhận nhiều người đến với cuộc sống của mình.
Khi buồn sẽ nói buồn, vui thì sẽ thể hiện vui, khi có tâm trạng hay suy nghĩ sẽ bày tỏ và thảo luận với bạn bè một cách cởi mở không phán xét. Mình thả lỏng để đón nhận niềm vui đến từ sự bình dị. Mình không còn thổi phồng vấn đề và tự kỷ một mình nữa. Mình đã biết trân trọng và yêu quý những người mình có duyên gặp gỡ và đồng hành, dù nhiều hay ít, thời gian ngắn hay dài. Tất cả đều cho mình một bài học nào đó hay một cách nhìn nhận mới về bản thân. Và dù không còn gắn bó mật thiết thì sự kết nối và tình yêu thương sẽ không mất đi mà sẽ theo mình, trở thành một phần con người mình.”
– “Cuối cùng, mình từ bỏ bản thân để tìm thấy chính mình. Thành thật mà nói, mình đã luôn cảm thấy không hạnh phúc và không cảm thấy thực sự thuộc về nơi nào cả. Đó là một quãng đời đi tìm hạnh phúc từ sự công nhận từ người khác hoặc từ một tình yêu lý tưởng hoặc một nơi phồn hoa đầy mộng ảo. Quyết định đi New Zealand chính là một con đường để tiếp tục tìm kiếm những điều đó mà thôi. Để rồi mình nhận ra không có gì thay đổi.
Mình vẫn thấy mình vật lộn kiếm sống và không hạnh phúc. Có những ngày làm việc 15-16 tiếng, chạy từ chỗ làm này đến nơi làm khác. Lại có những chuỗi ngày thất nghiệp nằm nhà, xót xa khi thấy tiền vẫn chi ra đều. Niềm vui khi thấy tiền trong tài khoản nhiều dần lên từ lâu đã biến mất.
Những bài đăng trên Facebook không còn làm mình cảm thấy khá hơn. Và thực sự cuộc sống ở đây cũng vậy mà thôi. Bầu trời vẫn là bầu trời, cây vẫn xanh nắng vẫn vàng. Người dân cũng đi làm để chi trả sinh hoạt phí. Họ cũng ăn rau thịt cá, đi dạo đọc sách khi có thời gian rảnh. Cuộc sống không hề lung linh khác biệt như mình tưởng tượng khi còn ở Việt Nam. Có chăng là sự tiện lợi và thoải mái khi không bị phán xét – đơn giản chỉ là họ không quan tâm.
Để rồi mình nhận ra là ở đâu, làm gì, với ai không quan trọng. Quan trọng là bạn phải hạnh phúc từ chính bản thân mình. Hạnh phúc để thấy cuộc đời tràn đầy hạnh phúc. Hạnh phúc để mang đến hạnh phúc cho người xung quanh. Vậy làm sao để hạnh phúc? Đơn giản là đừng đi tìm kiếm mỏi mệt, chỉ cần chấp nhận thôi. Chấp nhận mình chính là con người mình vốn là, với đầy khiếm khuyết và điểm yếu. Chấp nhận cuộc sống này là bình thường, rằng hạnh phúc đến từ những điều bình thường. Chấp nhận người khác như họ vốn có, như chấp nhận chính mình, dù có thế nào, chỉ có cần họ ở bên đã là niềm hạnh phúc.”
Ở New Zealand, chị là người “làm hết mình, chơi hết sức”. Chị nỗ lực, chăm chỉ làm việc trong nông trại nhưng cũng không quên làm những điều mà trước đây chưa bao giờ như chơi bungee, nhảy Skydive… cũng như đi du lịch cùng bạn bè.
Và chính chị Thảo đã nhận ra rằng: “Một cách kỳ lạ, mục đích của chuyến đi đã đạt được, mình đặt được một chân lên con đường hạnh phúc thực sự, mình tìm thấy chính mình.”
Hạnh phúc là biết hài lòng với hiện tại
Vậy là, từ một chuyến đi mà khởi điểm chị Thảo còn mang nhiều nỗi băn khoăn về bản thân, đến cuối hành trình, chị đã biết mình là ai và cần gì. Mỗi chúng ta luôn ngước nhìn những người khác với ánh mắt ngưỡng mộ nhưng lại không hề biết có những người cũng đang nhìn chúng ta với ánh mắt thán phục. Cứ hài lòng với chính những gì mình hiện có, chắc chắn hạnh phúc trong tầm tay bạn.
Chị Thảo thú nhận, “Đã có bạn bình luận trên bài đăng của mình rằng bạn ấy ngưỡng mộ cuộc sống của mình. Mình tại đây xin nói rằng, cuộc sống của các bạn mới đáng ngưỡng mộ. Có một nơi mình thuộc về, có người cùng chia sẻ, có người để yêu thương chăm sóc, có vấn đề để giải quyết, có một cuộc sống bình thường… Thực ra những kẻ đi hoài đi mãi là những kẻ luôn trống vắng, cần đi tìm những điều khoả lấp mình mà không biết rằng: biết chấp nhận và tận hưởng những điều bình thường của cuộc sống là tất cả những gì một con người cần.
Câu chuyện ở New Zealand của mình khép lại tại đây. Hành trình của mình không kết thúc mà chỉ là bước sang trang mới, không còn gắn liền với bất kỳ nơi chốn nào. Đó chỉ đơn giản là cuộc sống của mình, trên con đường trở thành phiên bản tốt nhất của bản thân.”
Còn khoảng hơn 2 tháng nữa là chị Thảo hết hạn visa nhưng do tình hình dịch bệnh Covid-19 trên toàn thế giới khá căng thẳng nên việc trở về nước của chị Thảo đang gặp một số khó khăn. Khi được hỏi ý định của chị sau này, chị trả lời mình vẫn đang trên đường tìm hiểu và phát triển bản thân, không nhất thiết phải ở lại New Zealand. Điều quan trọng nhất là chị đã biết mình là ai, mình cần gì và biết hạnh phúc của mình từ đâu mà ra.
PV – Theo Báo Dân Sinh