Đại dịch Covid-19 đã tàn phá không chừa một ai, kể cả những startup kỳ lân, siêu kỳ lân ở Đông Nam Á.
Startup cho thuê xe ô tô Smove trở nên nổi tiếng và dễ dàng sử dụng ngay cả ở một đất nước khá đắt đỏ và có nhiều quy định nghiêm ngặt như Singapore. Với chỉ một động tác quẹt thẻ trả trước, bất kỳ ai cũng có thể lên một chiếc xe đang đậu trên đường, khởi động bằng nút bấm và lái đi với mức phí 1 USD mỗi ¼ giờ.
Khi gã khổng lồ công nghệ Uber và Grab mở rộng trên khắp Đông Nam Á, nhanh chóng và dường như không có ý định dừng lại, nhà sáng lập Tom Lokenvitz của Smove nghĩ rằng anh đã tìm ra cách tận dụng thành công của họ nhằm mang lại thành tựu cho chính mình.
Kết quả là, năm 2015, anh đã đạt được một thỏa thuận cung ứng xe ô tô cho các lái xe Uber, nỗ lực ký những hợp đồng thuê dài hạn để tăng số lượng xe. Thời điểm đó, Grab và Uber vừa mới tham gia vào cuộc chơi và họ cung cấp rất nhiều gói giảm giá mạnh và trợ cấp cho tài xế trong một trận chiến khốc liệt để giành thị phần ở khu vực.
Cú sốc Covid-19
Trong một thời gian, cú đặt cược của Lokenvitz đã thành công. Trong 6 tháng sau khi thỏa thuận với Uber được ký, Smove System đã thăng hoa. Đội xe của họ đã mở rộng lên gấp 10 lần, đội ngũ nhân sự tăng gấp 3 và đã có lúc, họ trở thành công ty lớn nhất trong lĩnh vực này ở châu Á.
Sau đó, công ty đón một cú sốc: Uber bất ngờ vội vã rút khỏi Đông Nam Á vào năm 2018, bán mảng kinh doanh trong khu vực cho Grab. Trong giây phút khủng hoảng khi đối tác sụp đổ, Smove đã buộc phải tái cấu trúc, thỏa thuận lại các điều khoản với nhà cung cấp, đóng cửa văn phòng tại Australia và sa thải nhân viên ở Singapore.
Tuy nhiên đầu năm 2020, Lokenvitz cảm thấy tình hình có một chút cải thiện, họ bắt đầu có thêm một vài hợp đồng cho thuê đắt đỏ và dự định trong tương lai, họ nhắm tới việc mở rộng đội quân và tham gia thị trường mới.
“Tháng 1, 2 chúng tôi đang quay trở lại đường đua. Kế hoạch là huy động vốn vào giữa năm 2020 với những lời nói đầy hứa hẹn: Nhìn này, chúng tôi đã có lãi, chúng tôi có thể mở rộng trở lại”.
Nhưng, khi các ca mắc Covid-19 ở Singapore lập đỉnh vào tháng 5, chính phủ đã áp dụng những biện pháp hạn chế đi lại, và giấc mơ của Smove đột ngột chấm dứt. Doanh thu công ty giảm 85%, khiến ban lãnh đạo buộc phải nghĩ đến chuyện bán bớt tài sản công ty và kết quả là một số bằng sáng chế của công ty mẹ đã được rao bán.
“Chúng tôi giống như một bệnh nhân ốm yếu nhưng đang có dấu hiệu phục hồi. Thế rồi Covid-19 ập đến, với rất ít tiền trong tay, chúng tôi có thể làm gì được? Chúng tôi không có thanh khoản dù có sự hỗ trợ của chính phủ. Con số đó không đủ để giúp chúng tôi vượt qua giai đoạn khó khăn này”.
Những startup ốm yếu vì Covid-19
Điều đáng nói, Smove chỉ là 1 trong số rất nhiều công ty trẻ bị “trọng thương”, “chảy máu” tiền mặt tại Đông Nam Á. Dịch Covid-19 đã thổi 1 làn gió lạnh tới những startup trong khu vực, trong nhiều năm vốn đã được rót hàng tỷ USD đầu tư từ những nhà đầu tư máu mặt gồm cả quỹ 100 tỷ USD của Softbank.
Những vết nứt trong mô hình gọi vốn kể trên đã bị phơi bày: Định giá lao dốc, huy động vốn mạo hiểm đã đạt mức thấp nhất 7 năm và những kỳ lân xem lợi nhuận là mục tiêu sống còn đột ngột buộc phải cắt giảm mạnh chi tiêu và đưa ra những quyết định khó khăn.
Trong tình huống như thế này, sự thu hút của Đông Nam Á như một cỗ máy tăng trưởng đã không còn nữa. Với thị trường đang mở rộng với tỷ lệ 2 chữ số mỗi năm, là quê hương của những kỳ lân đang được nhắm tới trở thành “kỳ lân nhiều sừng” (định giá trên 10 tỷ USD) thì dịch Covid-19 thực sự đã thử thách to lớn với các nhà đầu tư. Đây có thể là một sự thoái trào cho hệ sinh thái startup đang nổi lên trong khu vực – ít nhất cho tới khi đại dịch dưới tầm kiểm soát.
Điều này có thể trở thành một khoảnh khắc mang tính cách mạng, theo Chandra Firmanto – quản lý tại quỹ Indogen Capital. “Các nhà đầu tư hầu như không quan tâm đến các chỉ số kinh tế. Nhiều người trong số họ chỉ nói: Đây là một ngành công nghiệp nóng, rất lớn bởi vì rất, rất dễ huy động tiền”.
Các kỳ lân cũng không tránh được bị “đổ máu”
Tại Jakarta, hiện tượng “đổ máu” đã diễn ra ở một số startup kỳ lân (định giá trên 1 tỷ USD).
Trong năm 2010, một công ty nhỏ bé có tên Gojek – lấy tên từ ojek – một loại xe máy 2 bánh giúp người dân di chuyển qua vùng tắc đường bắt đầu khởi nghiệp như một trung tâm thông tin với một nhóm nhân viên.
Năm 2015, họ đã phát triển một ứng dụng giống Uber và trở thành kỳ lân đầu tiên của đất nước. Năm 2019, họ đã vượt giá trị 10 tỷ USD và đang trên đường trở thành siêu ứng dụng, mở rộng ra mọi thứ từ gọi xe đến thanh toán kỹ thuật số và dọn nhà. Ở một vài khía cạnh, họ đã mở rộng tham vọng thậm chí lớn hơn cả người tiền nhiệm Uber.
Những cái tên như Google, Tencent và Facebook đang là những công ty đầu tư vào đây.
“Bất kỳ thứ gì mà người trung lưu ở Indonesia và xa hơn nữa muốn giao dịch, chúng tôi muốn tập trung nó vào trong 1 ứng dụng duy nhất”, đồng sáng lập Nadiem Makarin nói vào năm 2018.
Tuy nhiên, cuối tháng 6 vừa qua, lượng người dùng hoạt động của công ty đột ngột giảm mạnh, Gojek phải tuyên bố sa thải 9% lực lượng lao động và đóng cửa GoLiffe – một dịch vụ gọi mát xa và dọn nhà cũng như GoFood Festival – cửa hàng thực phẩm vật lý của công ty. Họ cũng đã đóng cửa GoGlam – một dịch vụ đặt làm đẹp và GoFix – dịch vụ sửa đồ gia dụng.
“Điều đó khá sốc”, theo Asri Sulastri – một người từng là đối tác tham gia trên GoClean. Hàng nghìn người như Asri đã phải ngừng kinh doanh khi GoClean bị đóng cửa. “Tôi nghĩ Gojek là một công ty lớn – chắc chắn họ sẽ tiếp tục mở rộng những loại dịch vụ như vậy. Không ngờ cũng có ngày họ phải đóng cửa”.
Traveloka – một startup tương tự Expedia ở Indoensia cũng buộc phải sa thải 100 người – 10% lực lượng lao động vào tháng 4 khi ngành công nghiệp du lịch toàn cầu sụp đổ. Sau khi tái cấu trúc, công ty huy động thêm 250 triệu USD vào tháng 7. Ứng dụng gọi xe Grab vào tháng 4 cũng đã yêu cầu nhân viên tình nguyện nghỉ việc không trả lương hoặc giảm giờ làm để hỗ trợ công ty vượt khó khăn. Tháng 6, họ đã sa thải 360 nhân viên, 5% tổng lực lượng.
“Tôi biết đội ngũ lãnh đạo của Grab – đó chắc chắn là một quyết định vô cùng khó khăn. Nếu không cần thiết, họ sẽ không bao giờ làm. Tôi nghĩ họ không còn lựa chọn nào nữa”, theo Chua Kee Lock – CEO của Vertex Holdings.
Trong khi đó, với những startup nhỏ thiếu tài chính hơn, họ buộc phải đóng cửa. Stoqo Teknologi Indoensia – một nền tảng trực tuyến phổ biến cung cấp thực phẩm tươi cho các cửa hàng vật lý đã chấm dứt hoạt động vào cuối tháng 4 sau khi dịch Covid-19 đã “giảm thu nhập nghiêm trọng”. Một cái tên khác là Airy – một startup khách sạn giá rẻ đã phải ngừng hoạt động vào cuối tháng 5 sau khi “doanh số sụt giảm rất đáng lo ngại và lượng khách hàng yêu cầu hoàn tiền lớn” trong vài tháng.
Sự sụp đổ của chuỗi thực phẩm – khiến những startup nhỏ hơn cũng rơi vào bước đường cùng. Công ty fintech Singapore là FOMO Pay cũng đã cho các nhân viên bán thời gian nghỉ việc và ngừng mở rộng ra nước ngoài khi chứng kiến giao dịch thanh toán kỹ thuật số giảm hơn 50% khi dịch bệnh bùng phát trên khu vực vào tháng 2.
“Khủng hoảng lần này cho thấy rằng mô hình tăng trưởng bất chấp rất dễ sụp đổ. Giá trị và việc tạo ra giá trị phải luôn đi cùng nhau. Sẽ không có sự rủi ro cho những công ty và nhà đầu tư đi tìm kiếm tốc độ tăng trưởng hay giá trị cao hơn nếu cùng lúc đó họ tạo ra được giá trị”.
“Dịch Covid-19 đến vào đúng thời điểm tồi tệ nhất với chúng tôi”, một nhà sáng lập startup ở Indonesia nói. “Các nhà đầu tư quốc tế bỗng trở nên lạnh nhạt. Chúng tôi về cơ bản đã đảm bảo được nguồn vốn sống trong 18 tháng nhưng cuối cùng họ rút lại trong phút chót”. Hiện tại, thay vì chạy đua tăng định giá, các công ty đang được điều chỉnh để duy trì tiền mặt càng lâu càng tốt. Họ cũng tranh giành để được đảm bảo cam kết từ nhà đầu tư đối với vốn mới.
Thích nghi với thực tế mới
Nhìn chung trong bối cảnh hiện nay, ngay cả mục tiêu có lãi cũng phải được để sau mục tiêu sống còn là làm sao vượt qua được mùa đông.
Ngay cả những công ty lớn nhất cũng không thể tránh được việc phải thích nghi với thực tế mới. “Hầu hết các công ty, startup khác, đặc biệt là Đông Nam Á cần ngay lập tức tập trung vào ngắn hạn, đặc biệt nếu họ không có nguồn tài chính mạnh. Mục tiêu là làm sao vượt ra được khỏi cơn bão, lý tưởng nhất là thông qua việc cắt giảm chi phí. Tuy nhiên, với những startup có nhiều tiền hơn, đây là cơ hội tuyệt vời để mua những công ty nhỏ và định vị lại vị thế của họ”.
Trên thực tế, trước đây Gojek cũng đã xem xét chi hàng triệu USD tiền đầu tư để mở rộng mạnh mẽ sang các lĩnh vực từ giao thực phẩm đến massage. Một phần của chiến lược mở rộng là thâu tóm những công ty khởi nghiệp nhỏ và yếu hơn.
Không chỉ Gojek, đối thủ Grab cũng thâu tóm ít nhất 10 startup nhỏ hơn trong vòng 3 năm qua. Năm 2019, cả hai công ty đều không có lãi. Họ bị mắc kẹt vào trận chiến giảm giá và trợ cấp nhằm thu hút cả khách hàng và tài xế.
Sau khi bắt đầu đóng cửa Smove, Lokenvitz đã đăng một bài viết trên mạng xã hội LinkedIn mời những nhà sáng lập khác tham gia để chia sẻ và rút ra bài học từ ví dụ của anh. Phản ứng rất sôi nổi và anh nói với Nikkei rằng đã dành nhiều giờ trên những ứng dụng họp trực tuyến.
“Làm doanh nhân không phải dễ dàng. Thật tốt khi mọi người dám tiếp cận và tìm kiếm sự giúp đỡ”.
Anh hy vọng rằng cả startup và các quỹ đầu tư mạo hiểm sẽ định nghĩa lại về sự thành công, thay vì tập trung quá nhiều vào việc huy động vốn, họ nên hướng tới việc tìm ra cách kiếm được tiền từ việc thu hút khách hàng.
Một nhân viên Traveloka bị sa thải trong đợt này chia sẻ: “Khi được tuyển vào giữa năm 2019, sếp của tôi bị quá tải với rất nhiều mục tiêu đề ra. Thế rồi khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nặng nề vào tháng 2, kể từ đó, mọi thứ chỉ càng trở nên tồi tệ hơn. Tôi biết mọi người vẫn nói làm việc tại startup không chắc chắn nhưng tôi đinh ninh làm việc trong một startup kỳ lân sẽ khác. Hóa ra, trong đại dịch lần này, không chừa một ai cả”.
Vân Đàm – Theo Tổ Quốc/Nikkei