Trải qua nhiều năm, mặc dù các phiên bản Tây Du Ký khác nhau đều lần lượt ra đời, thậm chí về mặt kỹ xảo cũng ngày càng tiến bộ. Tuy nhiên Tây Du Ký 1986 vẫn luôn là một tượng đài không thể phá vỡ, thu hút lượng lớn sự yêu thích và ngưỡng mộ của rất nhiều khán giả, không chỉ ở nội dung sát với nguyên tác, mà thần thái của diễn viên cũng là một trong những yếu tố khiến Tây Du Ký 1986 vẫn luôn được nhắc cho đến tận sau này.
Sự nổi tiếng của Tây Du Ký 1986 sở dĩ được trường tồn như vậy, phần lớn bởi lối diễn xuất đi vào lòng người của các diễn viên thời bấy giờ, từ trang phục cổ điển cho đến thần thái biểu cảm đều toát lên được khí chất ‘thần tiên’ của nhân vật trong tác phẩm, điều mà không phải bất kỳ diễn viên nào cũng có thể làm được.
Trong số các nhân vật đó, một trong những nhân nổi tiếng nhất là vai Quan Âm Bồ Tát, do nữ diễn viên Tả Đại Phân thủ vai.
Được biết, bà sinh vào tháng 9/1943, ở Trường Sa, tỉnh Hồ Nam, trước đây bà từng là diễn viên Tương kịch (một loại hình sân khấu hí khúc đặc trưng của tỉnh Hồ Nam). Sau đó, bà được mời thủ vai Quan Âm Bồ Tát trong bộ phim truyền hình Tây Du Ký, và kể từ đó vai diễn của bà đã chinh phục được hàng triệu khán giả bằng lối diễn xuất tỉ mỉ cùng những cử chỉ và sự thánh thiện rất giống với nét tính cách đặc trưng của Quan Âm Bồ Tát.
Từ đó thông qua tài năng và kỹ năng diễn xuất tuyệt vời của mình, bà Tả đã thành công biến mình thành một nhân vật siêu phàm, nhờ đó nhận được sự ngưỡng mộ rộng rãi của người xem.
Những việc kỳ diệu xảy ra trong quá trình quay phim
Trong quá trình quay phim Tây Du Ký, Tả Đại Phân còn có một số trải nghiệm khá kỳ bí mà mãi đến nay bà vẫn không thể lý giải được.
Rất nhiều lần mỗi khi bà đóng vai Quan Âm Bồ Tát, nếu hôm ấy trời đang mây đen vần vũ, mưa to gió lớn thì khi bà hóa trang bước ra ngoài thì trời sẽ trong xanh trở lại, nắng ráo và tâm trạng của mọi người cũng trở nên nhẹ nhàng hơn.
Những hiện tượng xung quanh bà thậm chí còn ly kỳ đến nỗi khiến cả đoàn làm phim phải thốt lên: “Quan Âm Bồ Tát đã hiển linh.”
Có một lần cả đoàn làm phim phải đến Thành Đô và Nga My Sơn để lấy phân cảnh quay phim, tuy nhiên hôm đó trời mưa lâm râm kéo dài từ sáng sớm, nên khi đó bà (lúc đó đang mặc trang phục Quan Âm Bồ Tát) đành ngồi trong một ngôi đình cùng với Từ Thiếu Hoa (vai Đường Tăng) để chờ đến lượt quay, nhưng do trời cứ mưa không ngớt khiến cảnh quay của cả đoàn bị ảnh hưởng.
Nhiều người trong đoàn nói rằng Quan Âm Bồ Tát hết linh rồi vì mưa vẫn không tạnh. Sau đó, đạo diễn còn đùa với bà rằng:
“Quan Âm Bồ Tát, xin hãy từ bi thương xót và ban phúc cho chúng con một ngày tốt lành.”
Khi nghe điều này, bà Tả bỗng nắm chặt tay lại và bắt đầu tụng kinh. Thật kỳ diệu là không lâu sau, những đám mây bắt đầu tan, mưa nhẹ hạt dần rồi ngưng hẳn, mặt trời bắt đầu ló dạng và tỏa ra ánh nắng rực rỡ!
“Điều này không chỉ xảy ra một hoặc hai lần khi mọi người xin Bồ Tát ban phước cho họ. Có những lần sau khi quay phim xong, nhiều người muốn chụp ảnh với tôi. Và tôi đã bảo họ phải xếp hàng. Tất nhiên, họ tin vào Quan Âm Bồ Tát, chứ không phải Tả Đại Phân tôi, nhưng khi tôi đóng vai Bồ Tát, tôi đã thể hiện được hình ảnh của Bà, và đó là một sự an ủi với mọi người.”
Thực tế chính bản thân bà đôi lúc cũng cảm thấy kỳ lạ, bà nhận thấy bản thân những cử động và lời thoại của bà khi diễn vai Quan Âm đều rất tự nhiên mà không cần phải diễn lại.
Mọi người coi Tả Đại Phân là Quan Âm Bồ Tát
Ngoài những trường hợp ly kì đó, còn có rất nhiều khoảnh khắc đáng nhớ đã xảy ra trong quá trình quay phim.
Đó là vào một dịp nọ, khi bà Tả ở trên núi cùng đoàn làm phim, có một đám đông người bỗng đổ xô về phía bà, và nói rằng họ muốn gặp Quan Âm Bồ Tát. Những đứa trẻ vây quanh bà, và thậm chí một số người dân thôn dã đã đi cả một quãng đường dài để gặp bà, họ coi bà như Quan Âm Bồ Tát và quỳ xuống để tôn kính bà, khiến bà hoảng hốt vội đính chính:
“Đừng lạy, đừng lạy, tôi là Quan Âm Bồ Tát giả thôi!”
Nhưng dù bà có giải thích với họ thế nào, thì họ vẫn luôn nghĩ rằng bà chính là Bồ Tát thật sự.
Có lần quay phim ở Côn Minh, một người nông dân và con trai ông đã đi một quãng đường dài, lái xe qua một con đường núi lớn chỉ để nhìn thấy bà. Khoảnh khắc người nông dân nhìn thấy bà, ông ta đã quỳ xuống, lẩm nhẩm về lòng từ bi vĩ đại của Quan Âm Bồ tát, và cầu xin bà ban phước cho con trai mình.
Cũng có lần bà đến chùa cầu nguyện, vào lúc nhìn thấy bà, người hâm mộ liền hét lên: “Quan Âm Bồ Tát đã hiển linh!” sau đó họ quỳ xuống cầu nguyện. Hay trong lúc quay phim, một số khách du lịch đã chắp tay với bà như để tôn kính Quan Âm Bồ Tát, khiến bà lâm vào tình huống khó xử.
Còn một chuyện khiến Tả Đại Phân dở khóc dở cười nhất chính là trong một chuyến về miền nông thôn quan sát tình hình cuộc sống của nhân dân với tư cách là đại biểu quốc hội, bà có đi ngang qua một căn nhà. Thoáng thấy bên trong có hình ảnh Quan Âm Bồ Tát rất to trên bàn thờ đang nghi ngút khói, bà khẽ bước vào và giật mình nhìn thấy đó là hình ảnh của chính mình, trên bức ảnh còn in dòng chữ nhỏ “Tả Đại Phân vai Quan Âm Bồ Tát”.
Chủ nhà sau đó ra chào đón bà, Tả Đại Phân liền hỏi, tại sao lại lấy hình trong phim ra cúng lạy, như thế sẽ làm tổn thọ bà. Chủ nhà vẫn khăng khăng: “Đó là Quan Âm Bồ Tát mà gia đình chúng tôi đã thờ cả chục năm nay”. Không biết nói gì hơn, Tả Đại Phân bèn chắp tay: “A di đà Phật” rồi đi như chạy.
Tả Đại Phân bắt đầu tin vào Phật Pháp
Tả Đại Phân cũng cho biết, ban đầu bà không phải là một người có lòng tin vào Phật Pháp, nhưng sau khi trải qua nhiều những sự việc kỳ diệu này, bà cũng dần dần bắt đầu tin. Kể cả nhiều khán giả, sau khi xem xong Tây Du Ký, cũng bắt đầu có niềm tin vào Phật Pháp và vào Quan Âm Bồ Tát.
Tận mười năm sau, khi đoàn phim lên kế hoạch để quay phần tiếp theo. Giám đốc đã đích thân đến Trường Sa để tìm Tả Đại Phân và đề nghị bà đóng vai Quan Âm Bồ Tát.
Đạo diễn khi đó đã nghĩ rằng ngoại hình của bà chắc hẳn sẽ thay đổi sau nhiều năm không gặp, thế nhưng khi gặp lại bà, ông rất ngạc nhiên khi bà vẫn vậy. Ông còn hài hước nói với bà rằng: “10 năm qua, ngoại hình của bà không hề thay đổi chút nào! Có phải vì bà đã lấy được tiên đan của Bồ Tát không?”
Và từ hôm đó, Tả Đại Phân lại một lần nữa đảm nhận vai trò Bồ Tát được nhiều người yêu mến.
Ngẫm lại vào lúc đó, Tả Đại Phân chỉ được trả 8 đô la Mỹ cho mỗi tập, bà cho biết: “Vào thời điểm đó, các diễn viên rất giản dị và tận tâm. Họ không đòi hỏi nhiều, cũng không tìm kiếm sự nổi tiếng. Tất cả những gì họ muốn là thực hiện vai diễn cho tốt.”
Không chỉ riêng Tả Đại Phân, hay dàn diễn viên của Tây Du Ký, thời bấy giờ, có rất nhiều diễn viên nổi tiếng ở Trung Quốc theo đuổi nghệ thuật chỉ vì đam mê mà không có ý nghĩ về danh tiếng hay sự giàu có. Thay vào đó, họ khao khát được làm tốt nhất có thể để khắc họa được các nhân vật mà họ sắm vai, cống hiến hết mình cho vai diễn dù chỉ với chút thù lao ít ỏi.
Được biết, về bộ Tây Du Ký là một tác phẩm nổi tiếng, gồm 100 chương kể về câu chuyện đi thỉnh kinh của một hòa thường tên là Tam Tạng. Ông đồng hành cùng với ba đồ đệ của mình, và họ được Quan Âm Bồ Tát giao cho trách nhiệm phải bảo vệ Tam Tạng trong suốt cuộc hành trình, trong đó đại đệ tử Tôn Ngộ Không, hay Hầu Vương, có lẽ là người nổi tiếng nhất.
Sau này với sự ra đời của công nghệ, Tây Du Ký đã được dựng thành cả phim điện ảnh và phim truyền hình, được nhiều khán giả thưởng thức trong suốt nhiều năm.
Trong đó phiên bản Tây Du Ký 1986 là bộ phim thần thoại đầu tiên của Trung Quốc, được phát sóng hơn 2.000 lần trong hơn 30 năm qua, một minh chứng cho thấy câu chuyện này đã được khắc sâu như thế nào trong văn hóa Trung Quốc và nhiều thế hệ người dân trên khắp vùng châu Á.
Tiểu Phúc (Theo Vision Times)