Steve Jobs kỳ vọng nhiều ở các nhân viên cũng như ở bản thân mình. Và tất nhiên ông kỳ vọng nhiều ở những người giữ vị trí lãnh đạo.
Dưới đây là câu chuyện trong cuốn sách “Tư duy như Amazon” của John Rossman:
Steve Jobs đã kể một câu truyện ngắn cho người mới nhận vị trí phó tổng giám đốc của Apple. Ông kể rằng nếu một ngày ông thấy rổ rác trong văn phòng không được dọn sạch, theo lẽ thường, ông sẽ hỏi nhân viên quét dọn lý do vì sao. Người nhân viên đó trả lời với một lý do rất hợp lý “Vì khóa cửa văn phòng mới thay, tôi lại không có chìa khóa mới nên không thể vào dọn dẹp được”.
Câu trả lời của người nhân viên đó quá hợp lý và có thể thông cảm. Anh ta không thể làm việc nếu không có chìa khóa cửa. Là một người lau dọn, anh ta được phép đưa ra các lý do biện hộ.
Jobs nói với vị phó tổng mới “Khi là một nhân viên lau dọn, lý do là quan trọng. Nhưng khi đi tới gần vị trí CEO lãnh đạo, lý do không còn quan trọng nữa.”
“Nói cách khác, khi một nhân viên đảm nhận vị trí phó tổng, họ không có lý do gì để biện hộ cho sự thất bại. Họ là người chịu trách nhiệm cho mọi sai sót, không cần biết lý do là gì”.
Tác giả Rossman kêu gọi người lãnh đạo nên nhận lấy trách nhiệm “làm chủ sự phụ thuộc của mình”: chịu trách nhiệm tuyệt đối cho mọi sự phụ thuộc mà bạn có thể lường được.
Quy tắc “không biện hộ” của người lãnh đạo
Đơn hàng của bạn cần nhiều phụ tùng mới có thể hoàn thành nhưng nhà cung cấp lại giao hàng trễ. Bạn nên đảm bảo các điều khoản cam kết trong hợp đồng được rõ ràng. Bạn nên có thể lường trước được các tình huống bất ngờ và chuẩn bị các thứ dự phòng. Việc giao hàng muộn là lỗi của nhà cung cấp…nhưng việc đảm bảo luôn có đủ các phụ tùng quan trọng là trách nhiệm của bạn.
Lấy ví dụ khác, giả sử bạn mặc một bộ đồ xuề xòa bước lên chuyến bay đến một thành phố xa xôi để thuyết trình. Do đông khách nên bạn là một trong những người làm thủ tục cuối cùng. Và vì thế, hành lý ký gửi của bạn không may bị chuyển đến một thành phố khác. Bạn đã có thể chuẩn bị một bộ đồ chỉn chu dự phòng sẵn trong balô của mình. Bạn đã có thể ăn mặc lịch sự hơn khi lên máy bay. Làm hành lý bị thất lạc là lỗi của hãng hàng không, nhưng đảm bảo mình có một bộ đồ đàng hoàng để tham dự sự kiện là trách nhiệm của bạn.
Có một câu mà thánh Ignatius vẫn thường nói: “Hãy cầu nguyện như thể Chúa sẽ lo liệu mọi sự, và hành động như thể mọi sự đều phụ thuộc vào bạn.”
Câu nói này là tiền đề cho tính trách nhiệm cá nhân. Rất nhiều người cho rằng thành công hay thất bại là do các yếu tố bên ngoài hoặc do người khác. Nếu họ thành công, nghĩa là do họ nhận được sự giúp đỡ, hỗ trợ từ người khác, và những người đó luôn “đồng hành” cùng họ. Nếu họ thất bại, nghĩa là người khác không giúp đỡ, không tin tưởng và khiến họ phiền lòng, những người đó “chống đối” lại họ.
Tất nhiên ở một mức độ nào đó, điều trên là đúng. Không ai làm được việc gì to tát mà không có sự giúp đỡ của người khác.
Nhưng những người thành công không dựa dẫm hoàn toàn vào người khác. Họ lường trước các tình huống, nhắm đến mục tiêu cao nhất và có sự chuẩn bị cho những điều tệ nhất. Họ có mục tiêu kỳ vọng rõ ràng. Họ trao đổi rất nhiều, theo dõi sát sao. Họ hướng dẫn và huấn luyện người khác. Họ điều hành và làm việc thông qua người khác, nhưng đứng ra lãnh trách nhiệm cuối cùng.
Vì sao ư? Vì họ biết điều duy nhất mà họ có thể kiểm soát là chính bản thân họ. Họ hành động theo kiểu dù có thành công hay thất bại thì tất cả đều nằm trong tầm kiểm soát, tất cả đều bởi chính bản thân họ.
Đừng lãng phí năng lượng tinh thần vào việc hy vọng hoặc lo lắng điều gì có khả năng xảy đến. Hãy dành hết năng lượng cho nỗ lực thực hiện và đảm bảo công việc được thực hiện. Hãy chủ động.
Chịu trách nhiệm cho mọi sự phụ thuộc có thể có, đặc biệt là những thứ trọng yếu quyết định thành bại của bạn.
Như Jobs đã nói, đối với người lãnh đạo giỏi, “lý do không còn là vấn đề nữa”.
Không bao giờ biện hộ.
Không đưa ra các lý do.
Và không bao giờ chỉ ngón tay đổ lỗi cho người khác.
Tất nhiên là trừ khi bạn chỉ vào chính mình và tự nhủ lần sau bạn sẽ làm tất cả những gì có thể để mọi chuyện diễn ra theo kế hoạch.
Theo Business Insider, – Thúy Anh