“Trả lương” cho bản thân trước lúc trả nợ là một trong 5 nguyên tắc giúp bà Linh thoát khỏi bế tắc tài chính sau nhiều năm làm việc cật lực.
Bà Thái Vân Linh từng là Giám đốc Chiến lược và vận hành tại Công ty Quản lý quỹ VinaCapital. Bà có thời gian dài sống cùng gia đình tại Los Angeles (Mỹ) trước khi trở về Việt Nam đầu tư và cố vấn cho các doanh nghiệp khởi nghiệp. Bà Linh được biết đến nhiều trong vai trò giám khảo chính của chương trình truyền hình thực tế Shark Tank (Thương vụ bạc tỷ) hai mùa đầu tiên.
Bà Linh kể, điều kiện kinh tế gia đình không khá giả nên từ lúc 7 tuổi đã bán kẹo trong trường học để kiếm tiền mua những thứ mình thích. Trải nghiệm này giúp bà hiểu dần về tự chủ tài chính. Sau đó, bà đúc rút thành định nghĩa có thể làm bất cứ điều gì mà không cần nghĩ đến tiền nong.
Năm 18 tuổi, bà vay 25.000 USD để vào trường đại học, rồi tốt nghiệp lại vay thêm 100.000 USD học MBA trong hai năm.
“Thời điểm đó, số tiền này đủ mua một căn nhà và lớn đến mức tôi không thể tưởng tượng làm cách nào mình có thể trả hết nợ. Tôi tính toán chi ly từng đồng, thậm chí cuối tháng không còn dư nỗi một đồng để mua ly cà phê”, bà Linh nhớ lại.
Trong 5 năm đầu ra trường, bà làm việc cật lực để trả nợ và gần như không có tiền tiết kiệm. Sau đó, bà rút ra một điều: phải “trả lương” cho bản thân trước khi trả nợ bởi bản thân cũng cần được yêu chiều. Hơn hết, khi số tiền trong tài khoản không còn đủ trả nợ thì ắt sinh ra động lực tiếp tục kiếm tiền. Nếu trả nợ trước thì không bao giờ còn dư dả để tiết kiệm.
Bà Linh cho rằng, khi có lương hoặc thu nhập bên ngoài, đừng vội vàng cho tiền vào tài khoản vì tiết kiệm cũng cần có kế hoạch.
Bà chia khoản tiết kiệm thành ba phần gồm: dự phòng bất trắc, nhu cầu giải trí và đầu tư. Tuỳ theo mức độ ưu tiên vào mỗi thời điểm mà tỷ trọng các phần tiết kiệm được điều chỉnh linh động. Việc chia trứng vào nhiều rổ và linh hoạt mang đến cho bà cảm giác số tiền tích luỹ có giá trị, hữu dụng cho nhiều mục đích.
Theo Shark Linh, một trong những thứ dễ gây nghiện nhất sau khi ra trường chính là lương. Khoản tiền này ổn định, nhưng đến thời điểm phù hợp thì quyết tâm “cai nghiện” bằng việc thử kinh doanh hoặc làm những công việc bản thân yêu thích mà không nghĩ đến tài chính.
“Không có lựa chọn nào màu hồng để đạt trạng thái tự chủ tài chính. Tất cả đều phải hi sinh hoặc đánh đổi bằng vốn liếng hoặc thời gian”, bà Linh nói và dẫn chứng khi mới ra trường, bà cũng từng kinh doanh mắt kính, túi đựng golf… nhưng đều thất bại.
Dù vậy, doanh nhân này khuyên giới trẻ luôn suy nghĩ và bắt tay thực hiện ngay khi cảm thấy những ý tưởng kinh doanh mới khả thi. Không nhất thiết phải khởi nghiệp hay có công ty riêng để làm ông bà chủ, làm thêm hay bán hàng online cũng tốt. Thu nhập từ những công việc bán thời gian thường đóng góp không nhỏ để tự chủ tài chính.
Nhiều người nghĩ tốt nghiệp đại học là kết thúc, nhưng không đúng vì việc trau dồi kiến thức và mở rộng mối quan hệ luôn cần thiết cho sự nghiệp. Bà Linh nói đây là lý do bà ưu tiên một phần số tiền kiếm được để phát triển bản thân.
Theo bà Linh, nguyên tắc này rất quan trọng, nhưng phần lớn bị giới trẻ bỏ qua vì các khoá học, sự kiện… để bổ túc kiến thức thường tiêu tốn số tiền không nhỏ và tương đối khó cảm nhận hiệu quả tức thì.
Một cách khác để các quyết định trong tương lai không bị lệ thuộc vào tiền bạc là đầu tư. Bà Linh đánh giá hiện nay có nhiều hình thức đầu tư phù hợp cho người ít vốn như đầu tư chứng khoán, góp vốn cùng bạn bè… so với thời điểm bà mới ra trường.
“Nhưng tôi luôn nhắc bản thân rằng, ranh giới giữa đầu tư và cờ bạc rất mong manh. Cờ bạc phụ thuộc vào vận may, không biết thắng thua lúc nào, còn đầu tư là vận dụng kiến thức và kinh nghiệm để giảm thiểu rủi ro tài sản bị vơi mất”, Shark Linh nói. Đồng thời bà chia sẻ nguyên tắc chỉ rót tiền vào những gì mình hiểu sâu sắc vì không thể chiến thắng nếu đầu tư bằng cảm tính và không nắm rõ vấn đề.
Phương Đông (VNE)