Vườn thanh long trên cây mắm giữa vùng nước ngập mặn của ông Mai Lam Phương (54 tuổi, ngụ ấp Ngọc Tuấn, thị trấn Cái Nước, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) từ lâu đã nổi tiếng khắp nơi bởi độ hiếm có của nó. Mới đây, chúng tôi đã có dịp tìm hiểu nhiều hơn về sự kỳ công của mô hình này.
Tiếp chúng tôi ở giữa vuông tôm với những hàng mắm được trồng san sát nhau, ông Phương chia sẻ: “Nhìn vậy thôi chứ để có được hơn 1.000 gốc thanh long trên cây mắm như thế này thì rất kỳ công. Những gốc thanh long sau thời gian trồng nay đã bắt rễ vào cây mắm và phát triển rất tốt, nhiều gốc đã có nụ. Từ năm sau sẽ cho trái”.
Ngoài số thanh long trồng ký gửi trên cây mắm giữa vuông tôm, ông Phương còn khoảng 400 gốc thanh long trên cây mắm mọc ở bờ vuông tôm đang cho trái. Tất cả những gốc thanh long này đều phát triển tốt trên nền đất và nước mặn.
Để có được mô hình như ngày hôm nay, ông Phương đã mất nhiều năm trời mày mò, nghiên cứu và trải qua nhiều lần thất bại với các giống thanh long ở những nơi khác.
Theo ông Phương, giống thanh long Bình Thuận và Tiền Giang đều không hợp với đất mặn của mình. Vào năm 2009, trong một lần đi trên đường ông vô tình phát hiện một cây thanh long (giống của địa phương) nằm dưới mương nước mặn nhưng vẫn sống tốt. Khi đem giống thanh long đó về nhà, ông Phương đã chiết ra và trồng trên những cây tạp quanh bờ vuông. Sau đó hơn 400 gốc thanh long cho trái tốt, mỗi vụ được hơn 3 tấn.
Về sau, nhiều thương lái đã tìm đến đến thu mua với giá giao động từ 7.000 – 20.000 đồng/kg. Sau đó, ông Phương làm các thủ tục để đăng ký sở hữu trí tuệ với thương hiệu Mai Gia.
Khi sản lượng thanh long đã ổn định thì ông Phương lại vướng phải khó khăn là sau vài năm, một lượng lớn cây trâm bầu, cây tra…bị chết do mất sức. Nhưng cũng từ đây ông nhận ra rằng, chỉ riêng cây mắm dù bị thanh long sống ký gởi nhưng vẫn phát triển xanh tốt.
Theo ông Phương, khác với các loại cây khác, cây mắm ngoài lớp vỏ thì trong thân còn có nhiều lớp vân, lõi, cho nên khi rễ thanh long hút chất dinh dưỡng từ cây mắm, lớp vỏ bên ngoài bị hư thì các lớp vân lõi bên trong vẫn có thể cung cấp chất dinh dưỡng để nuôi thanh long. Sau một thời gian trồng thử nghiệm kết quả đạt được thành công ngoài mong đợi.
Cây thanh long không những phát triển tốt trên cây mắm ở vùng nước ngập mặn mà còn cho trái với mùi vị đặc biệt. Trái thanh long trồng trên đất mặn có độ giòn, ngọt và có mùi hương nhẹ giống mùi hương nhãn.
Nói về kỹ thuật trồng thanh long trên cây mắm giữa vùng nước ngập mặn, ông Phương cho biết, cây thanh long rất dễ sống, chỉ cần buộc nhánh thanh long đã ra rễ vào cây mắm là cây vẫn sống tốt và cho trái. Để giảm hao hụt, ông bổ sung dưới gốc 1 chậu đất nhỏ để cung cấp chất dinh dưỡng nuôi dây thanh long khi bộ rễ còn yếu. Khi rễ thanh long bám vào cây mắm được từ 3-6 tháng, dù nước mặn có ngập đến gốc trong 5-6 ngày thanh long vẫn có thể phát triển bình thường.
Theo Dân Việt