Hai cường quốc dầu mỏ Nga và Saudi Arabia đã tích lũy được tiềm lực tài chính khổng lồ có thể giúp họ vượt qua một cuộc chiến giá cả kéo dài. Đó là một cuộc chiến cân não, vậy ai sẽ là người “chớp mắt” trước?
Theo hãng tin Reuters (Anh), giá dầu thế giới đã lao dốc tới 1/3 sau khi Riyadh giảm giá dầu thô và cảnh báo sẽ tăng sản lượng khai thác. Cổ phiếu của hai tập đoàn dầu mỏ quốc gia, Saudi Aramco của Saudi Arabia và Rosneft của Nga, lập tức lao dốc theo.
Hai nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới mỗi bên hiện có khoảng 500 tỷ USD để chống lại những cú sốc kinh tế và đang tự tin tuyên bố về sức chịu đựng của mình khi cuộc chiến giá dầu bùng nổ.
Hôm 9/3, Moskva cho biết Nga có thể chịu được mức giá dầu từ 25 – 30 USD/thùng trong vòng 6-10 năm. Trong khi đó, theo các nguồn thạo tin, Riyadh có thể chịu được giá dầu ở mức 30 USD/thùng, nhưng sẽ phải bán nhiều dầu thô hơn để làm giảm tác động tới doanh thu.
Tuy nhiên, chắc chắn một cuộc chiến tiêu hao sẽ gây thiệt hại và buộc cả hai nước phải thực hiện những điều chỉnh khó khăn cho nền kinh tế của mình trong thời gian dài hơn. “Như với bất kỳ cuộc chiến nào, vấn đề nằm ở việc mỗi bên có thể ‘chịu đòn’ tới mức nào”, ông Hasnain Malik, Giám đốc phụ trách chiến lược vốn tại công ty nghiên cứu thị trường Tellimer, cho biết.
Thái tử Saudi “tháo van dầu”
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman vừa khơi mào cuộc chiến giá cả với Nga. Ảnh: Arabian Business
Tại Saudi Arabia, Thái tử Mohammed bin Salman đã “bật đèn xanh” cho phép nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới bơm dầu nhiều hơn sau khi Nga từ chối đề xuất của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) về việc cắt giảm sản lượng sâu hơn để đối phó với ảnh hưởng kinh tế của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID 19 do chủng mới của virus Corona (SARS-CoV-2) gây ra.
Mức hòa vốn tài chính của Saudi Arabia – tức là giá dầu mà ở ngưỡng đó sẽ cân bằng được ngân sách – là khoảng 80 USD/thùng, gấp đôi so với Nga, ông Malik cho biết.
Saudi Arabia đang có dự trữ ngoại tệ 500 tỷ USD và tỷ lệ nợ trên GDP thấp, chỉ 25%, mang lại cho nước này nhiều tiềm năng đi vay. Trên thực tế, Riyadh đã tăng nợ thêm trên 100 tỷ USD bằng ngoại tệ mạnh kể từ năm 2016 để bù đắp tác động của giá dầu thấp.
Các loại trái phiếu quốc tế do Chính phủ Saudi và “người khổng lồ” dầu mỏ Aramco phát hành đã lao dốc trong phiên giao dịch đầu giờ sáng 9/3, trong khi đồng nội tệ riyal cũng giảm mạnh so với đồng đô-la Mỹ trên thị trường kỳ hạn.
Tuy nhiên, lãi suất toàn cầu thấp và gần đây lại bị cắt giảm thêm bởi Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ đồng nghĩa là bất chấp những biến động của thị trường, người vay lúc này có thể vay nợ từ các nhà đầu tư với lãi suất tương đối thấp.
Vấn đề đối với Riyadh là giá dầu thấp kéo dài nhiều khả năng sẽ hạn chế chi tiêu của chính phủ cho các dự án vốn là một phần trong nỗ lực của Thái tử Salman nhằm đa dạng hóa nền kinh tế vốn dựa nhiều vào lĩnh vực dầu mỏ của nước này.
Bà Monica Malik, chuyên gia kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thương mại Abu Dhabi, cho Reuters biết với giá dầu ở mức thấp 30 USD/thùng, Saudi Arabia sẽ hứng chịu mức thâm hụt hai con số trong năm nay – tăng so với tỉ lệ thâm hụt ngân sách dự kiến chỉ 6,5% mà Riyadh dự tính.
“Rương báu” của Nga
Trong khi đó, dưới thời Tổng thống Vladimir Putin, nước Nga đã tích lũy được khoản dự trữ ngoại tệ trị giá 570 tỷ USD, cùng với chính sách đồng ruble linh hoạt, cho phép nước này nhanh chóng tiến hành các điều chỉnh theo diễn biến thị trường.
Theo các nhà phân tích, Nga đang ở trong vị trí tốt hơn nhiều để chống chịu với một cú sốc kinh tế so với thời điểm năm 2014, khi phương Tây đơn phương áp đặt các lệnh trừng phạt xung quanh sự kiện sáp nhập Crimea, hoặc so với thời điểm 2008, khi Moskva hứng chịu cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
“Nhiều người đã chỉ trích chúng tôi, họ nói đây là một loại rương báu, rằng Bộ Tài chính đang ngồi trên vàng”, Bộ trưởng Tài chính Nga Aton Anton Siluanov cho biết trong tuần trước khi nói về dự trữ quốc gia của Nga. “Tuy nhiên, lúc này thì tình hình có thể thay đổi và chúng tôi sẽ phải cấp tiền cho mọi chi phí đã thực hiện và buộc phải thực hiện nhờ kho báu này”.
Reuters cho biết dự trữ ngoại tệ 570 tỷ USD của Nga bao gồm cả Quỹ Tài sản quốc gia, đang đứng ở mức 150,1 tỷ USD, tương đương 9,2% GDP. Hôm 9/3, Bộ Tài chính Nga khẳng định quỹ này có thể được sử dụng để bù đắp cho doanh thu dầu thấp nếu cần thiết.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Nga cho biết họ đã đình chỉ mua ngoại tệ trong vòng 30 ngày nhằm giảm bớt áp lực giảm giá lên đồng ruble và sẽ tính đến các điều kiện thị trường khi quyết định có tiếp tục đấu giá trái phiếu chính phủ hay không.
Tuy vậy, đồng ruble đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm 2016 trên thị trường liên ngân hàng, cổ phiếu của các công ty Nga giảm mạnh ở London, trong đó cổ phiếu của hai đại gia dầu mỏ Rosneft và Lukoil giảm lần lượt 20,4% và 18,5%.
Oleg Vyugin, người đứng đầu Hội đồng giám sát Sở giao dịch Chứng khoán Moskva, nhận định Nga sẽ đối mặt với lạm phát và lãi suất cao hơn do cuộc chiến giá dầu với Saudi Arabia.
Còn ông Chris Weafer, Giám đốc tư vấn của Macro-Advisory, cho biết vẫn có khả năng Moskva quyết định quay trở lại hợp tác với OPEC vào mùa Thu nếu giá dầu vẫn tiếp tục ở mức rất thấp. “Tổng thống Putin sẽ không sẵn sàng tiêu hao quá nhiều dự trữ tài chính quá để chống đỡ tình trạng thâm hụt ngày càng lớn”, chuyên gia Weafer nhận định.
Theo Báo Tin Tức