Tại khoa tâm thần của bệnh viện Daenam (Hàn Quốc), cửa sổ được đóng kín để ngăn bệnh nhân tự tử. Bệnh nhân ngủ gần nhau trong các phòng sinh hoạt chung.
Quyết định khó khăn
Khi virus corona bắt đầu lây lan mạnh tại Hàn Quốc, các cơ sở y tế và bệnh viện Hàn Quốc phải đối diện với một lựa chọn khó khăn. Họ quyết định phong tỏa khoa tâm thấn với hơn 100 bệnh nhân trong nỗ lực kiểm soát virus tại bệnh viện ở huyện Cheongdo, Hàn Quốc.
Trong số 3.150 ca xác định dương tính với bệnh COVID-19, 101 trường hợp là các bệnh nhân của khoa tâm thần và chỉ có 2 bệnh nhân không nhiễm virus. 7 ca mắc bệnh tại đây đã tử vong.
Đối với công chúng Hàn Quốc, các bệnh viện đã gặp rất nhiều khó khăn khi đưa ra quyết định các bệnh nhân tâm thần bởi đây là vấn đề cả về đạo đức và sự hiệu quả trong chữa trị. Các quan chức Hàn Quốc đã tuyên bố rằng sẽ không làm theo hình thức phong tỏa cả thành phố giống như Trung Quốc.
Tuy nhiên, hàng loạt ca nhiễm bệnh tại bệnh viện đã đặt ra những thách thức mà các cơ sở y tế, viện dưỡng lão và các cơ sở nội trú Hàn Quốc đang gặp phải giữa bối cảnh dịch COVID-19 đang bùng phát.
Vừa qua, đại diện y tế cho biết sẽ chuyển các bệnh nhân còn lại ra khỏi khoa tâm thần ở bệnh viện Daenam.
“Đây là quyết định rất khổ tâm,” Jung Eun-kyeong, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc, nói. Ông Jung cũng cho rằng đây là việc không thể tránh khỏi bởi vì rất khó để tìm được một địa điểm để có thể chữa trị bệnh viêm phổi COVID-19 và vừa chữa được các triệu chứng tâm thần của bệnh nhân.
Dù vậy, việc phong tỏa khoa tâm thần đã vấp phải nhiều sự phản đối. Theo các bác sĩ tại Trung tâm Y tế Quốc gia Hàn Quốc (NMC), khoa điều trị tâm thần nội trú là nơi “hoàn hảo” để virus phát triển.
Cụ thể, theo báo cáo, việc đóng kín các cửa sổ sẽ làm hạn chế các nguồn lưu thông không khí. Nước rửa tay khô không thể để bên ngoài bởi không loại trừ trường hợp các bệnh nhân sẽ uống. Để đảm bảo luôn theo dõi được bệnh nhân, thậm chí các nhà vệ sinh còn không được chia ngăn.
“Một khi virus xâm nhập khoa tâm thần, chúng rất dễ lây lan,” Lee So-hee, một bác sĩ tại NMC, nhận xét. “Xét tới việc hệ miễn dịch của các bệnh nhân nội trú đã bị yếu đi, sự lây nhiễm sẽ có ảnh hưởng nghiêm trọng tới họ.”
“Thảm họa y tế”
Baik Jae-joong, một bác sĩ chuyên khoa phổi tại bệnh viện Green ở Seoul, cho rằng các nhân viên y tế không nên phong tỏa các bệnh nhân nhiễm virus trong khoa tâm thần.
“Cơ bản mà nói việc đó giống như để mặc họ chết dần chết mòn bên trong. Bệnh nhân bị cách ly ở ngay tại nơi họ bị lây bệnh. Đây là thảm họa y tế và hoàn toàn không phù hợp về mặt đạo đức”.
Kim Sung-yeon, Giám đốc của tổ chức Đoàn kết Chống Kỳ thị Người khuyết tật Hàn Quốc, nói một trong các bệnh nhân tại Daenam đã “thoát khỏi khoa tâm thần bằng cái chết” sau 20 năm ở viện. Theo ông Kim, khi qua đời, bệnh nhân nói trên chỉ nặng 42kg.
Kwon Jun-wook, phó giám đốc của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KCDC), cho biết các bệnh nhân tử vong do virus corona tại khoa tâm thần một phần bởi vì đã ở viện quá lâu. Theo KCDC, tổng số ca nhiễm bệnh ở bệnh viện Daenam là 119 trường hợp, bao gồm các nhân viên y tế.
Bệnh viện Daenam hiện vẫn đang điều tra cách thức virus lây nhiễm vào khoa tâm thần đã được phong tỏa. Theo các nguồn tin địa phương, em trai của người sáng lập giáo phái Tân Thiên Địa đã qua đời tại bệnh viện này vào tháng trước và tang lễ của ông được tổ chức tại tầng hầm của viện vào ngày 2/2. Các bệnh nhân ở khoa tâm thần bắt đầu có triệu chứng của virus corona từ tầm giữa tháng 2 – thông báo của bệnh viện cho biết.
Theo Trí Thức Trẻ