Nên đặt điều kiện nhập quốc tịch trong bối cảnh Việt Nam cần thu hút nhân tài, để hai việc này bổ trợ cho nhau…
Trong số 4,5 triệu lao động tại Singapore có 25% là người nước ngoài. Nội các đầu tiên của nước này cũng chỉ có 2 người bản địa. Thậm chí Thủ tướng Lý Quang Diệu tin rằng “nếu một ngày nào đó nội các toàn người nhập cư cũng chẳng sao”…
Nói về nhập cư không nơi nào rõ rệt bằng Mỹ, từ thế kỷ 18, đã được xem là “miền đất hứa” tự nhiên thu hút hàng triệu người từ khắp nơi trên thế giới đổ về xây dựng và phát triển nước Mỹ như hôm nay.
Kể cả người Việt cũng tìm cách đến Mỹ bằng nhiều con đường, nếu như trước đây do biến cố lịch sử thì sau này lớp trẻ cũng ra đi bằng con đường tìm kiếm tri thức, rồi định cư vĩnh viễn nhờ môi trường sinh sống, làm việc lý tưởng.
Hẳn nhiên, đến Mỹ và các quốc gia phát triển không hề đơn giản, để được chào đón phải là người có tiềm năng!
Sẽ thế nào nếu đến Mỹ hoặc bất kỳ quốc gia nào đó mà bạn không biết tiếng Anh? Cơ hội phát triển bị hẹp đi đáng kể, bởi vì tiếng Anh là ngôn ngữ toàn cầu. Một phần do sự thống trị của đế chế Anh; sự ảnh hưởng của kinh tế, văn hóa Mỹ…
Do vậy, để du học sang Anh, Úc, Mỹ, New Zealand…tiêu chuẩn cứng đầu tiên là chứng chỉ tiếng Anh do các tổ chức quốc tế cấp.
Tất cả đều thừa nhận với nhau rằng, đa phần các nước nói tiếng Anh đều khá giả, văn minh, vì vậy mà tấm hộ chiếu của họ cũng có uy tín hơn. Điều này đã được xếp hạng hẳn hoi.
Không ít quốc gia thịnh vượng nhờ “nhập khẩu nhân tài”. Việt Nam ta cũng thực hiện chính sách này từ lâu, song song với chính sách nhập quốc tịch nói chung.
Người ta đã nói đến các thuật ngữ như “trải thảm đỏ”, “ưu đãi”, “tạo điều kiện”. Song mới đây tại Nghị định 16/2020/NĐ-CP ban hành ngày 03.2.2020, Chính phủ đã có những quy định chi tiết về một số điều kiện nhập quốc tịch Việt Nam. Trong đó, có nội dung từ ngày 20/3, người muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải biết tiếng Việt.
Liệu tiêu chuẩn “biết tiếng Việt” có cần thiết? Mặc dù tiếng Anh không được công nhận là ngôn ngữ thứ hai tại Việt Nam, tuy nhiên không vì thế mà phong trào học tiếng Anh không trở nên rầm rộ. Nó cho thấy rất nhiều điều.
-Thứ nhất, người Việt không thể tách ra khỏi xu thế chung, không thể không giỏi tiếng Anh để tiện lợi trong quá trình bang giao hội nhập và mỗi cá nhân tự hoàn thiện mình để trở thành “công dân toàn cầu”.
-Thứ hai, tiếng Việt mặc dù là tiếng mẹ đẻ, nơi lưu giữ văn hóa, truyền thống, gốc gác, nhưng nó lại có tính khu biệt. Nó là một trong những ngôn ngữ khó học nhất thế giới, bản thân chữ quốc ngữ là sự vay mượn ký tự Latin nhưng mang trong mình ngữ nghĩa Hán tự!
Nghị định quy định người nhập tịch phải có khả năng nghe, nói, đọc, viết bằng tiếng Việt phù hợp với môi trường sống và làm việc của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Đây có lẽ là rào cản lớn nhất nếu người ngoại quốc muốn nhập quốc tịch Việt Nam. Đương nhiên, nó có tính sàng lọc khắt khe khi muốn trở thành công dân Việt Nam.
Song, không ai tự dưng muốn trở thành công dân nước khác không có mối quan hệ công việc, gia đình ở quốc gia sở tại. Trong trường hợp này người ta đã cống hiến qua một quá trình, đủ hiểu biết về văn hóa, phong tục…
Thực sự, hầu hết những cá nhân được nhập quốc tịch đều là người có tài năng, đó là đội ngũ khoa học gia, doanh nhân, cầu thủ bóng đá. Do tiếng Việt không như…tiếng Anh nên yêu cầu ngôn ngữ trong hồ sơ nhập tịch thực sự là cửa ải khó.
Cách giữ chân nhân tài chặt nhất là biến họ trở thành người Việt Nam. Nhìn dưới góc độ nhân khẩu học việc nhập quốc tịch tạo ra sự đa dạng dân số, văn hóa, đa dạng nguồn gen cho thế hệ sau này.
Trương Khắc Trà (DĐDN)