Người phỏng vấn sử dụng rất nhiều kỹ thuật khác nhau để có được bức tranh rõ ràng nhất về ứng viên tiềm năng. Phỏng vấn ngược (reverse-role interview) cũng là một trong số đó, tuy nhiên nhiều ứng viên đã tỏ ra lúng túng khi rơi vào tình huống này.
Đảo ngược vai trò phỏng vấn có thể là thách thức bất ngờ với không ít người tìm việc nhưng nó thật sự mang lại nhiều lợi ích cho cả đôi bên. Nó giúp nhà tuyển dụng thấy được sự chuẩn bị cẩn thận, tìm hiểu cặn kẽ của ứng viên về công việc lẫn công ty, đồng thời lại là cơ hội để ứng viên thể hiện sự chủ động cùng khả năng tư duy độc lập, khái quát.
Phỏng vấn ngược là gì?
Cuộc phỏng vấn này sẽ thực hiện chính xác những gì tên gọi đã chỉ ra: Đảo ngược vai trò của người phỏng vấn và người được phỏng vấn. Theo đó, người phỏng vấn sẽ yêu cầu bạn đặt câu hỏi về vị trí mà bạn ứng tuyển. Họ sẽ ngồi đó và tạo cơ hội để bạn chủ động thảo luận về công việc bạn đang quan tâm.
Mục đích của phỏng vấn ngược
Khi bạn ở vai trò chủ động hỏi ngược lại, kỹ thuật phỏng vấn này không tạo ra áp lực trực tiếp và thường có kết thúc mở nên nó có thể tiết lộ nhiều điều về một ứng viên. Nếu trước khi đến dự phỏng vấn, bạn đã chuẩn bị những câu hỏi được cân nhắc thấu đáo và có sẵn vài lĩnh vực truy vấn thú vị, điều này cho phỏng vấn viên thấy rằng bạn thực sự hứng thú với vai trò và quan tâm đến công ty. Vượt qua tốt yêu cầu này cũng chứng tỏ rằng bạn thực sự tự tin và không dễ mất tinh thần.
Nên hỏi gì khi bạn phỏng vấn ngược nhà tuyển dụng?
Mọi ứng viên luôn được khuyên rằng nên tìm hiểu thật kỹ lưỡng mọi thông tin có thể về nhà tuyển dụng trước khi đến dự phỏng vấn công việc mới. Và điều này cũng vô cùng ý nghĩa khi bạn dự kiến rằng mình có khả năng sẽ phải phỏng vấn ngược.
Hãy tham khảo thật kỹ các mẩu đăng tuyển dụng, bản mô tả công việc, và các nguồn thông tin khác như website công ty, hồ sơ doanh nghiệp, báo chí và các cổng thông tin nghề nghiệp khác để hiểu về yêu cầu, đặc thù, chức năng công việc cho đến định hướng, tầm nhìn và văn hoá công ty. Nếu có điều kiện, bạn có thể hỏi chuyện những người đang làm việc tại công ty mình quan tâm hoặc những người đang đảm nhiệm vai trò tương tự. Làm tốt điều này, bạn sẽ phần nào đánh giá được bản thân có phù hợp với công việc đang nhắm đến hay không. Và phỏng vấn ngược là cơ hội tuyệt vời để bạn lấp đầy bất kỳ khoảng trống thông tin nào mà mình còn chưa rõ.
Hãy cẩn thận để không đặt những câu hỏi đã được công bố hoặc chia sẻ quá rõ ràng. Lý tưởng nhất là bạn thể hiện được những gì đã biết về cơ hội làm việc, sau đó đặt câu hỏi nhằm giúp mình đào sâu và hiểu rõ –đúng – đủ hơn về vai trò và tổ chức.
Dưới đây là gợi ý về 3 khía cạnh, bạn nên chuẩn bị ít nhất một câu hỏi về mỗi khía cạnh đó trước khi đi dự phỏng vấn:
#1 – Một ngày điển hình trong vai trò này sẽ như thế ?
Hỏi câu này để bạn hình dung rằng mình đang thực hiện công việc, để có một bức tranh rõ ràng về các nhiệm vụ khác nhau mà bạn sẽ thực hiện hàng ngày, bạn sẽ tương tác với ai, bạn có thể sử dụng hệ thống hoặc công cụ nào, những thách thức nào có thể xảy đến, và đâu là những kiến thức, kỹ năng sẽ sử dụng thường xuyên. Điều này sẽ giúp bạn đánh giá xem sở thích và thế mạnh của mình có phù hợp với công việc hay không.
Ví dụ về một số câu hỏi thay thế tốt ở đây là:
-Những vấn đề tôi sẽ phụ trách chính trong vai trò này?
-Những vấn đề nào hiện là ưu tiên chính yếu và vai trò này đóng góp thế nào cho chúng?
-Tôi cần dành bao nhiêu thời gian cho các nhiệm vụ cá nhân tự quyết so với các nhiệm vụ nhóm?
#2 – Làm việc tại tổ chức này sẽ như thế nào?
Cũng như mục tiêu hiểu về trách nhiệm và nhiệm vụ chính trong công việc, bạn sẽ muốn biết môi trường làm việc như thế nào. Mọi người thường coi đây là văn hoá công ty và nó có thể bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như: công ty được cấu trúc thế nào (dù lớn hay nhỏ, đó là sự hiểu biết về không gian làm việc vật lý), cách thức các bộ phận và con người tương tác với nhau. Các công ty thường sẽ nói về những điều tích cực trong văn hoá và giá trị của họ trên website hay báo chí, phỏng vấn ngược là cơ hội tốt để bạn kiểm định và cảm nhận rằng điều này thực sự được cộng hưởng trong các hoạt động hàng ngày ra sao, hay chỉ là những lời quảng cáo chưa thể thấm vào các cá nhân.
Bạn cũng có thể thử những câu hỏi tương tự như:
-Anh/chị nghĩ nhân viên yêu thích điều gì nhất khi làm việc ở đây?
-Anh/chị mô tả môi trường làm việc như thế nào?
-Anh/chị nghĩ văn hoá công ty ở đây khác biệt thế nào so với những công ty khác cùng lĩnh vực?
-Công ty sẽ hỗ trợ nhân viên phát triển chuyên môn nghề nghiệp của họ như thế nào?
#3 – Làm việc cùng nhóm sẽ như thế nào?
Một phần lớn trong bất kỳ công việc nào là các tương tác mà bạn có thể thực hiện với nhóm trực tiếp của mình, bao gồm cả sếp trực tiếp. Thông thường trong suốt quá trình phỏng vấn, bạn sẽ có cơ hội gặp được người giám sát hoặc quản lý tương lai của bạn, đôi khi bạn cũng sẽ gặp gỡ các thành viên khác trong nhóm. Hãy xem đây là cơ hội để quan sát phong cách của họ khi họ tương tác với bạn. Có thể hỏi thêm một hoặc hai câu tìm hiểu về cách làm việc mà họ ưa thích. Hãy nhớ rằng mỗi đội nhóm đều có những thử thách riêng, vì vậy, thay vì tìm kiếm sự hoàn hảo, nên suy nghĩ xem bạn có được điều gì tích cực khi làm việc với nhóm này hay không, bất kể đó là thử thách, niềm vui, sự gắn kết hay kỹ năng mới.
Bạn có thể muốn đặt những câu hỏi như:
-Anh/chị có thể cho tôi một hình dung về các vai trò khác nhau trong nhóm và cách họ làm việc cùng nhau không?
-Mức độ nhóm gặp gỡ nhau thường xuyên ra sao và các cuộc họp tổ chức như thế nào?
-Những loại nền tảng và bộ kỹ năng nào đã tồn tại trong nhóm?
-Anh/chị mô tả phong cách mình quản lý nhóm ra sao?
Tôi nhận thấy công ty đang tuyển 3 nhân viên mới vào đảm nhận chức danh công việc này, vậy mỗi người có được đặt ra những trọng tâm nhiệm vụ khác nhau hay không? Nếu có thì sự khác biệt trong vai trò đó là gì?
PV – Theo Trí Thức Trẻ/CareerBuilder