Câu hỏi này thoạt đến với tôi khi nhìn thấy cả trăm, ngàn người, mặc lời khuyên nhủ và kể cả ngăn cản của lực lượng an ninh, vẫn ra sức vượt qua rào chắn để ném tiền, cướp lộc, hay xoa tay lên đồ thờ lấy may trong lễ khai ấn vừa qua.
Ai mới được ban ấn?
Lễ khai ấn là tập tục có từ năm 1239 của triều đại nhà Trần. Tại phủ Thiên Trường, nơi được gọi là “Hùng thắng Đông kinh hộ ấn vàng”, vua Trần mở tiệc chiêu đãi và phong chức cho những quan quân có công. Sau một vài năm gián đoạn vì cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông, tới năm 1262, hoạt động này lại được Thượng hoàng Trần Thánh Tông cho mở lại.
Trải qua bao bể dâu, ấn cũ có khắc câu “Trần triều chi bảo” (Báu vật triều Trần) không còn nữa. Đến năm 1822, vua Minh Mạng đi qua Ninh Bình đã ghé chân tại đây và cho khắc lại chiếc ấn mới, đề “Trần miếu tự điển” (Lễ tế đền Trần) để nhắc lại tích xưa, ở bên dưới có thêm câu “Tích phúc vô cương” (Triều đình ban phúc vô biên). Cũng từ đó, lễ khai ấn vào giờ Tý ngày rằm tháng Giêng hàng năm đã mang một ý nghĩa khác: Là thời điểm để tế lễ Trời, Đất, Tiên tổ, thể hiện lòng thành kính biết ơn non sông và cha ông. Đây cũng là hoạt động cuối cùng chấm dứt chuỗi ngày nghỉ Tết, để quan dân thực sự bắt tay vào công việc của một năm mới.
Theo ý nghĩa ban đầu, lễ khai ấn là để phong quan tiến chức cho những người có công trạng. Đã gọi là “công trạng” thì phải có đóng góp, nỗ lực, hy sinh vì dân vì nước. Việc xét công trạng để được đền đáp và ban thưởng xứng đáng cũng phải được cân nhắc rất kỹ càng.
Ghi chép về việc cắt cử quan lại của các triều đại Việt cổ, nhà bác học Lê Quý Đôn viết trong Kiến Văn Tiểu Lục rằng: “Nhà Đường, nhà Ngu tuyển dụng quan chức, phải hỏi ý kiến mọi người, nhà Thành Chu dạy bảo trăm quan đều bảo phải đề cử. Như thế, người đời xưa chưa từng không căn cứ vào công luận. Nhà Minh gọi là “hội suy” (hội đồng tiến cử), bản quốc gọi là “hiệp bảo” (hiệp thương đảm bảo), tiếng gọi tuy khác mà ý nghĩa cũng là một”.
Đông nghẹt người “thành tâm” xin xỏ
Nào phải cứ “thành tâm” xin xỏ là sẽ được thăng quan tiến chức? Khi còn tại vị, các vị vua gây dựng nên triều đại hưng thịnh bậc nhất lịch sử nước Nam ấy chắc hẳn cũng không dựa trên tình riêng hay cảm nhận chủ quan để phong vị cho công thần. Thế thì giờ đây, phải chăng vì được người đời tôn là Thánh, cúng bái linh đình, thì các Ngài sẽ “nể nang” mà ban phát bổng lộc cho hàng chục vạn người đến cầu may hay sao? Đó chỉ là cách lý giải đầy vị kỷ của con người thời nay với lòng tham vô đáy, chỉ muốn được mà không chịu mất. “Mất” đây đâu phải là mấy đồng bạc ném vào kiệu rước hay lễ cúng hàng trăm triệu đồng, để rồi sau đó lại chen lấn xô đẩy đến phờ phạc. Mất ấy, chẳng phải nên là những cống hiến vì người khác, vì cộng đồng, thì mới xứng được ban thưởng hay sao?
Là bởi tận tâm vì người khác nên mới được ghi nhận, chứ không phải vì mâm cao cỗ đầy hay sì sụp khấn vái mà được Thánh thần ban hưởng phú quý vinh hoa. Động cơ khác nhau, nguyên nhân khác nhau sao có thể có cùng một phúc báo?
Vậy nhưng ngày nay vẫn có rất nhiều người đến cúng vái, rải tiền, tranh đoạt từng cành lộc, tờ ấn ở buổi lễ này với mong muốn có được may mắn trên con đường công danh sự nghiệp. Cái việc cưỡng cầu kết quả mà chẳng hề có cống hiến xứng đáng, thì nào khác chi “hối lộ” Thần thánh để được ban cho may mắn. Nhưng may mắn, hay là hồng phúc của một người, nào có phải do cầu xin suông mà được?
Hàng ngàn người có mặt tại đền Trần vào đêm khai hội để xin ấn và cầu lộc.
“Tích phúc vô cương” và lý do Thần ban phúc cho con người
Có câu chuyện rằng, sau khi lên ngôi, vua Gia Long đã ban thưởng công lao cho cận thần. Ngài hỏi một vị tướng vào sinh ra tử với mình xem anh ta muốn được thưởng điều gì. Vị ấy nói: “Tâu Hoàng Thượng, hạ thần chỉ xin một chữ Phúc thôi!”. Vua cười đáp rằng: “Tiền bạc, chức tước thì ta có thể ban, chứ Phúc thì chỉ có Trời ban mà thôi. Dòng họ nhà ta cũng chỉ nhờ chữ ấy mà vinh hiển”. Ý rằng, nhờ tổ tiên tích đức, tuân theo đúng đạo của Đất Trời, nên con cháu mới được hưởng phúc báo. Dòng họ nhà Nguyễn đã lót chữ “Phúc” vào tên của mình (vua Gia Long là Nguyễn Phúc Ánh) như một lời nhắc nhở: Phải tu thân dưỡng tính, ăn ở hợp đạo thì mới duy trì được phúc phận lâu dài.
Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du cũng có rất nhiều câu thơ về chữ Phúc:
“… Kiếp tu xưa ví chưa dày
Phúc nào nhắc được giá này cho ngang…”
“… Sư rằng Phúc Họa đạo Trời
Cội nguồn cũng bởi lòng người mà ra…”
“… Một nhà Phúc Lộc gồm hai
Nghìn năm dằng dặc, quan giai lần lần…”
Thế nên, người xưa vẫn giảng: Phúc là do tu thân mà có được. Phúc Họa là đạo Trời, nhưng nguyên nhân cũng từ lòng người mà ra, từ đó nhận báo ứng thích hợp. Phúc ấy không chỉ chi phối phần đời sau này mà cả các thế hệ tiếp nối, nên muốn mang lại hanh thông, may mắn cho bản thân và con cháu, thì ông bà phải tích Đức, tạo Phúc.
Như vậy, Thánh thần cũng tuân theo đúng đạo vũ trụ, chỉ có thể ban phúc phận cho người đã tích đủ đức, luôn biết răn mình mà sống theo đạo.
Điều đó thể hiện rất rõ ở câu được khắc thêm sau này trên ấn nhà Trần: “Tích phúc vô cương” (Triều đình ban phúc vô biên). Bốn chữ vua Gia Long ban là có ngụ ý răn dạy con dân phải biết giữ gìn khuôn phép, rèn luyện nhân tâm để được nhân quả lâu dài, đời đời hưởng phúc. Cái “vô cương” có được là nhờ biết gìn giữ đức từ đời này sang đời khác, chứ không phải Thần Phật nào có thể vô cớ ban cho con người chỉ vì lễ lạt và những lời cúng vái dù có thành tâm đến mấy.
Bốn chữ “Trần miếu tự điển” (Lễ tế triều Trần) và “Tích phúc vô cương”
(Triều đình ban phúc vô biên) trên ấn Nhà Trần.
Minh quân xưa đã để lại cho bách gia trăm họ lời khuyên phải biết giữ gìn phẩm chất đạo đức, làm người tốt, có nỗ lực thì sẽ có đáp đền, phúc đức càng dày thì “hưởng lộc” càng bền vững. Đấy là ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhất của việc ban ấn trong nghi lễ khai ấn đền Trần. Vua chỉ là người đại diện cho Thiên Địa (Thiên tử), trao công danh cho những người có đủ phúc đức, chứ nào có thể ban cho người chỉ muốn truy cầu mà không chịu cống hiến, tu thân?
Xin khép lại bằng bài thơ của Tiến sĩ Đỗ Hựu, đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân khoa Mậu Tuất niên hiệu Hồng Đức thứ 9 (năm 1478) đời Lê Thánh Tông, viết sau một lần đi thăm hội khai ấn đền Trần:
“Từng nghe rằng ngày trước vua Trần
Ở đất Tức Mặc có đền thờ tổ
Ban đầu dời tới Vạn Khoảnh đất đai rộng rãi,
Sang Khang thôn, lấy sự hiếu với mẹ cha, hoà cùng anh em cư trú.
Từ ấy tỏ lòng thành kính hằng năm tế tại Ngư miếu;
Và khai ấn để cầu sự tốt lành cho lớp tương lai
Nay trong thiên hạ, nơi nào sánh được
Thế là dân làng sở tại mãi mãi nhờ ơn to lớn”.
Lễ khai ấn ấy chính là để tỏ lòng biết ơn Đất Trời, Tổ tông, lại là lời răn dạy và cầu sự tốt lành cho thế hệ mai sau: Muốn đi cho đúng đường, nhận phúc báo, thì phải thuận theo đạo hiếu hòa.
Nghi Ân