Cô chủ trẻ Hoàng Hải Bình đã quyết định đầu tư vào việc sản xuất bàn cờ và quân cờ, như để đền ơn nơi cô thành danh “danh thủ lưỡng kỳ”.
Một kỳ thủ thi đấu xuất sắc ở môn thể thao của mình không phải chuyện tầm thường nhưng chơi giỏi cờ vua lẫn cờ tướng, đoạt giải thưởng quốc gia thực sự là điều hiếm có.
“Ván cờ cuộc đời”
Vậy mà, cùng với các đồng đội tuổi mười tám, đôi mươi Châu Thị Ngọc Giao và Trần Thị Minh, Hoàng Hải Bình từng mang về cho làng cờ Bình Định các danh hiệu vô địch đồng đội cờ tướng toàn quốc 1997, HCĐ đồng đội cờ vua toàn quốc 1997 và HCB đồng đội cờ vua giải đội mạnh toàn quốc 1998.
Gắn bó nhiều hơn với cờ tướng, Hoàng Hải Bình nhiều lần vô địch cá nhân nữ quốc gia (1998, 2004, 2018), được phong tặng danh hiệu Quốc tế Đại sư sau lần giành ngôi á quân nữ châu Á năm 2005. Niềm đam mê cờ quá lớn từng là động lực để Hải Bình chấp nhận nghỉ đấu 2 năm trước khi về đầu quân cho TP HCM, nơi cô tin tưởng sẽ chắp cánh cho nghiệp cờ của mình.
Trong khoảng thời gian chờ đợi được thi đấu trở lại, Hải Bình phải đôn đáo lo sinh kế, từ dạy chơi cờ đến xin vào làm nhân viên ở một công ty. Không hài lòng với công việc mang tính thời vụ, cô quyết định cùng người bạn thân mở cơ sở làm mặt hàng giấy xếp thủ công trang trí. Từ nguyên liệu chính là giấy phế thải được mua với giá rất rẻ, cô cùng người bạn nghiên cứu mẫu mã, cắt dán làm thử. Hàng mẫu thành công, hình thức đẹp và dễ thương nhưng khi đem chào hàng khắp nơi, cô chỉ nhận lại cái lắc đầu!
Mân mê chiếc xe kéo ngộ nghĩnh, con thuyền mỏng manh làm từ giấy bản vuốt keo quấn rất công phu, chiếc đèn có hình cô gái mặc áo dài duyên dáng làm bằng giấy tổ ong… bị trả về, cả hai buồn xo và càng buồn hơn khi suốt 2 năm ròng, mọi nỗ lực của họ dường như vô nghĩa. Hoàng Hải Bình nản lòng, muốn xếp lại “ván cờ cuộc đời”…
Kỳ thủ thành… doanh nhân
Sau bao lần cố gắng chào hàng với những đơn vị chuyên xuất khẩu, cuối cùng cũng có công ty nhận làm đầu mối xuất hàng cho Bình. Đối tác còn gợi ý về những sản phẩm có giá trị sử dụng để dễ bán hơn như đĩa, tô có nắp đậy, khay giỏ, chụp đèn ngủ… và cứ thế, số lượng hợp đồng cũng như mẫu hàng được đặt tăng dần. Đến nay, cơ sở của Hải Bình đã xuất khẩu được hàng trăm mẫu sản phẩm làm từ giấy tổ ong, giấy báo quấn và giấy đan sang Úc, Bắc Mỹ và châu Âu…
Từng cho rằng nhờ chơi cờ mà vượt qua được một thời cuộc sống khốn khó, Hải Bình mới đây cùng với đồng đội Trần Tuệ Doanh, quyết định đầu tư sản xuất bàn cờ, quân cờ cho mọi bộ môn, từ chuyên nghiệp như cờ vua, cờ tướng, cờ vây cho đến cả trò giải trí là cờ cá ngựa. Cả hai nghiên cứu sản xuất từ các loại nguyên liệu xanh, sạch với môi trường như bàn cờ bằng giấy, tre; quân cờ bằng gỗ, đá nhân tạo và sắp tới sẽ là cả quân cờ làm bằng giấy. Các môn thể thao trí tuệ ngày càng phát triển, người chơi đông, giải đấu được tổ chức thường xuyên chính là cơ hội cho sản phẩm start-up như của Hải Bình đến với mọi người, mọi nơi.
Không chỉ phục vụ người chơi cờ bằng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn, giá cả phải chăng và nhất là thân thiện với môi trường, cô chủ trẻ Hoàng Hải Bình còn tổ chức hệ thống đại lý bán lẻ sản phẩm cờ và nhờ chính những đồng đội, đồng nghiệp của mình tham gia để có thêm thu nhập, bảo đảm cuộc sống bởi không phải kỳ thủ nào, nhất là ở cờ tướng, cũng có thể sống khỏe với nghề của mình.
“Phải luôn giữ được hình ảnh thanh tao, nho nhã mà nhiều áng thơ văn thuở xưa mô tả những danh kỳ vừa đấu trí mà vẫn có thể vừa… xem hoa nở, chờ trăng lên” – kỳ thủ Hoàng Hải Bình tâm niệm.
ĐÀO TÙNG (NLĐ)