Với 50 ha rừng trồng keo lai, 2 vườn ươm cây giống, kết hợp chăn nuôi 19 con hươu và nai, ông nông dân Nguyễn Bá Đào mỗi năm bỏ túi vài trăm triệu đồng.
“Vua trồng rừng”
Ông nông dân Nguyễn Bá Đào (50 tuổi, ở thôn Bình Long, xã Canh Vinh, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định) vốn sinh ra trong gia đình nông dân nghèo khó, tuổi thơ sớm phải theo cha mẹ lên nương rẫy. Năm 17 tuổi, ông đã biết lên rừng phát rẫy trồng rừng và sống nhờ rừng. Đến năm 30 tuổi, khi lấy vợ ông đã có trong tay 10 ha rừng trồng keo lai làm vốn.
Ông Đào chia sẻ: “Thời điểm đó, khi người dân địa phương chưa chú trọng tới trồng rừng thì vợ chồng tôi nhờ vào trồng rừng mà kiếm kế sinh nhai”.
Nhắm cây keo lai sẽ trở thành thế mạnh trong phát triển kinh tế ở địa phương, những năm sau đó, vợ chồng ông liên tục mua rừng hoặc thuê dài hạn đất mở rộng diện tích để trồng loại cây này. Đặc biệt, cùng với mở rộng diện tích rừng trồng, ông Đào còn đầu tư vườn ươm tự cung ứng giống cho gia đình và cung ứng cho người dân địa phương.
Vài năm trở lại đây, khi cây keo lai có giá, người dân có rẫy ồ ạt trồng cây keo lai, ông Đào quyết định thành lập 2 vườn ươm cây giống với quy mô lớn. Ngoài ươm hạt, ông còn tiến hành cấy ghép hom giống keo lai để bán.
Theo ông Đào, hiện bình quân mỗi năm vườn ươm của gia đình ông bán ra thị trường khoảng 3 triệu cây keo lai giống, thu về từ 500 – 600 triệu đồng. Riêng 50 ha rừng trồng keo lai sẽ giúp gia đình ông thu về khoảng từ 2,5 – 3 tỉ đồng trong vòng 5 năm.
Việc phát triển rừng trồng, vườn ươm cây giống không chỉ đem lại nguồn thu cho gia đình mà còn tạo điều kiện cho khoảng 20 lao động địa phương có thu nhập trên 3 triệu đồng/tháng.
Không để chân tay ngừng nghỉ
“Trồng rừng chỉ vất vả thời gian đầu, khi cây keo đã 1-2 năm thì ít phải chăm sóc. Trung bình, cây keo 5-6 năm là cho thu hoạch, nhưng đất tốt thì chỉ 4-5 năm. Ở đây, không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều người dân vùng này kinh tế vững lên nhờ trồng keo lai. Tuy nhiên, trồng rừng rủi ro cũng cao, có khi do thiên tai hạn hán, cháy rừng. Thậm chí, do đốt thực bì lửa đốt luôn cả rẫy, nếu không kịp thời dập lửa coi như trắng tay”- ông Đào nói.
Không chỉ phát triển trồng rừng, ông Đào kết hợp với chăn nuôi tăng thêm thu nhập. Năm 2010, ông đầu tư vốn làm chuồng trại nuôi bò, nhưng chỉ 6 tháng sau, ông bán hết bò để chuyển sang nuôi hươu, nai. Để chuẩn bị cho việc chăn nuôi hươu, nai, ông Đào tự tìm hiểu kỹ thuật nuôi trên sách báo, mạng internet và học hỏi thực tế từ các trang trại đã chăn nuôi thành công từ nhiều nơi.
Sau đó, ông Đào vào thành phố Quy Nhơn mua 2 cặp hươu giống của một trang trại với giá 40 triệu đồng và tiếp tục vào tận Phú Yên mua 5 con nai với giá trên 100 triệu đồng.
Sau một thời gian nuôi, ông Đào nhận thấy việc nuôi hươu, nai không quá khó, có khi dễ nuôi hơn dê, bò vì các loại động vật này ít bị dịch bệnh. Thức ăn dễ tìm như cỏ, các loại lá cây như: lá sung, lá mít, sầu đâu… Thậm chí, có thể tận dụng được các loại trái cây hư hỏng mà con người không dùng được.
Trong khi đó, vốn và công sức chăm sóc bỏ ra ít nhưng cho thu nhập cao hơn nuôi bò, heo. “Tuy nhiên, người nuôi phải chú ý, các con đực rất hung hăng trong mùa động đực có thể húc nhau làm gãy sừng mất nhung bán, làm hư hỏng chuồng trại và có thể húc cả người nên thường phải nhốt vào một chuồng riêng”- ông Đào chia sẻ.
Hiện tại, gia đình ông Đào đang nuôi 9 con nai (trong đó: 3 con đực đang lấy nhung) và 10 con hươu (3 con đực đang lấy nhung). Theo ông Đào, bình quân mỗi năm một con nai đực có thể lấy được khoảng 2,5 – 3 kg nhung (lấy 2 đợt/năm), một con hươu đực mỗi năm lấy được khoảng 0,8 kg nhung.
Với giá nhung hươu khoảng 12- 15 triệu đồng/kg, nhung nai khoảng 8- 10 triệu đồng/kg, ông Đào thu về khoảng 100 triệu đồng/năm. Ông Đào cũng cho rằng đặc tính của con nuôi hươu, nai sống trong tự nhiên rừng rú thì sinh sản mới tốt. Tuy nhiên khi nuôi trong chuồng trại vẫn sinh sản bình thường nên ông vẫn có hươu, nai giống để bán.
Ông Đào dự định: “Trong thời gian tới, ngoài việc tiếp tục mở rộng nuôi hươu, nai kết hợp với trồng rừng tôi dự định sẽ nuôi thêm con chồn. Theo tôi tìm hiểu, giống chồn cũng rất dễ nuôi có thể ăn cơm, trái cây, thịt… đang tiêu thụ mạnh ở nhiều thị trường và cho giá trị kinh tế cao”.
Theo Doãn Công (Báo Dân Trí)