“Tôi và chồng mình đã nhận được rất nhiều tin nhắn và cuộc gọi từ cư dân mạng. Họ cổ vũ chúng tôi và cổ vũ cả Vũ Hán. So với việc cho đi, chúng tôi thực sự còn cảm động nhiều hơn thế”, bà chủ hàng thịt nướng này cho biết.
Kể từ khi dịch virus corona bùng phát, buộc chính quyền Vũ Hán phải phong tỏa cả thành phố, hầu hết các nhà hàng và cửa hiệu tại đây đều chọn cách đóng cửa.
Những ngày này tại Vũ Hán, cứ 5h chiều là các hàng quán và cửa hiệu tại đây đều đồng loạt đóng cửa. Điều này trở thành một vấn đề nghiêm trọng đối với các nhân viên y tế phải làm việc qua đêm tại bệnh viện. Sống ở trong khu vực cách ly, họ không thể tự nấu ăn mà phải dựa vào gọi đồ từ bên ngoài vào. Dù vậy, không phải ai cũng đủ can đảm để nhận lời giao hàng đến bệnh viện – nơi tập trung của các trường hợp nhiễm virus corona.
Tuy nhiên, đối với quán thịt nướng này, câu trả lời luôn là có.
“Bạn không thể để những người đang trực tiếp chiến đấu nơi tiền tuyến đói bụng và thất vọng được”, Qiu Beiwen – bà chủ quán ăn tại quận Bàn Long Thành ở Vũ Hán – cho biết.
Dù thành phố đang có lệnh cách ly, chị Qiu vẫn quyết tâm cung cấp dịch vụ giao đồ ăn 24/7 cho các nhân viên y tế tuyến đầu. Đơn hàng xa nhất mà chị từng đi là một trung tâm y tế cách quán 20km.
Sau khi thông báo rộng rãi kế hoạch của mình, chị Qiu đã thu hút được sự chú ý của nhiều cư dân mạng. Đa phần mọi người đều rất cảm động trước sự rộng lượng và lòng tốt của bà chủ hàng thịt nướng này.urrent Time0:43
Ý tưởng giao đồ ăn cho các nhân viên y tế tại bệnh viện chợt nảy ra trong đầu chị Qiu vào lúc 4h sáng ngày 25/1. Ngay sau khi hạ quyết tâm, chị đã thông báo cho mọi người và đăng lên mạng.
Chưa đầy 3 tiếng sau, Qiu và chồng mình – anh Wan Lu – bị đánh thức bởi liên tiếp những cuộc gọi từ bạn bè và cả người lạ.
“Ban đầu tôi hơi sốc một chút”, anh Wan nhớ lại. “Phản ứng đầu tiên của tôi là ủng hộ cô ấy. Đây là quyết định xứng đáng nhất mà tôi từng đưa ra trong đời mình”.
Được Qiu khích lệ, anh chị em của cô cũng tham gia hoạt động tình nguyện này. Anh Wan thậm chí đã phải mượn thêm hai chiếc nồi cơm điện từ họ hàng, bởi nhà anh vốn bán thịt nướng, nồi cơm gia đình có lại quá nhỏ để có thể đáp ứng nhu cầu.
Họ thay phiên nhau thổi cơm, rửa rau, thái thịt để nấu từng suất ăn và đem đi giao hàng. Giá của mỗi bữa ăn vẫn được giữ nguyên như trước khi xảy ra dịch. Chỉ với 15 tệ (~50.000 đồng), các nhân viên y tế sẽ được thưởng thức một bữa cơm nóng với hai món thịt và một món rau.
12h30 trưa ngày 26/1, một nữ y tá từ trung tâm chăm sóc sức khỏe cộng đồng gọi tới. Cô ấy nói rằng không một quán ăn nào dám nhận đơn hàng của mình và hỏi chị Qiu liệu có thể giao cho cô ấy một suất ăn trưa không. Mặc dù trung tâm đó cách quán của chị khoảng 20 km, chưa kể trong khu vực này cũng không có đơn hàng nào khác, chị Qiu vẫn quyết định tặng cho nữ y tá hai suất cơm miễn phí.
“Tôi đưa cho cô ấy thêm một suất nữa để ăn tối. Cô ấy đang chiến đấu nơi tiền tuyến và cần nhiều năng lượng hơn”, chị giải thích hành động của mình.
Khi câu chuyện được chia sẻ rộng rãi, chị Qiu đã nhận được thêm rất nhiều đơn hàng từ các bệnh viện. Hơn 430 suất ăn đầy ắp tình người đã được chuyển tới Bệnh viện Hán Khẩu, Bệnh viện Đoàn kết và các bệnh viện khác trong quận Hoàng Pha chỉ trong 2 ngày đầu tiên. Trung bình mỗi ngày, chị Qiu và các thành viên trong gia đình mình lái hơn 500km đường để giao cơm đến tay các nhân viên y tế.
Theo CGTN – Ngọc Hà – Theo Trí thức trẻ