Cảm giác an toàn – liều thuốc gây nghiện đáng sợ nhất thế gian: Không dám đương đầu với thử thách, mãi mãi bạn chỉ là kẻ yếu đuối!
Sự thoải mái và an toàn chính là liều thuốc độc đối với tiền đồ của bạn.
Trên thế giới không thiếu những người yếu đuối – họ thích sự an toàn và sợ phải làm những điều khó khăn. Họ nghĩ rằng mình hoàn toàn có thể thăng tiến trong công việc và trở nên giàu có mà không phải đối mặt với khó khăn. Đây là một tư duy không chỉ ngu ngốc mà còn hết sức sai lầm. Thế nhưng, có hàng triệu người ngoài kia lại đang “nghiện” cảm giác an toàn này.
Trên thực tế, nghịch cảnh mới là một liều thuốc tốt nhất cho bạn.
Thoải mái không phải là điều tốt như vẫn nghĩ
Bạn đã bao giờ tự hỏi: Tại sao bạn xứng đáng được cảm thấy thoải mái?
Bởi vì bạn là người tốt? Ai mà chẳng nghĩ mình là người tốt. Bởi vì cảm thấy thoải mái là điều đúng đắn? Một thay đổi đã giúp tôi trong nhiều năm qua đó là suy nghĩ: Thoải mái không phải là cảm xúc lành mạnh nhất.
Đôi lúc, bạn phải rời khỏi vòng an toàn, để đối mặt với khó khăn, để trở nên bực tức, để thấy khó chịu, để trải nghiệm được sự hân hoan sau khi vượt qua tất cả những điều đó.
Hầu hết các vấn đề trong xã hội đều bắt nguồn từ sự thiếu hụt trở ngại, từ cảm giác an toàn. Lối sống ít vận động gần “giết chết” bạn theo đúng nghĩa đen, bởi vì bạn chẳng làm gì cả. Không dám đối mặt với khó khăn, chúng ta khiến cho tinh thần của mình trở nên yếu đuối, chẳng đủ sức để chống chọi với nghịch cảnh. Muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, bạn cần phải có một tinh thần mạnh mẽ.
Cuộc sống hiện tại đầy rẫy những người chỉ biết ngồi một chỗ than vãn về đủ thứ chuyện mà không chịu vận động cơ thể. Chúng ta không dám thử thách tinh thần mình. Chúng ta tự giam giữ mình trong một chiếc lồng được xây từ chính cảm giác an toàn.
“An toàn là chiếc lồng giam: Hãy thử làm những điều khó khăn”
Tôi có theo dõi một người đàn ông trung niên trên Twitter. Mỗi ngày, ông ta đều đăng video quay lại cảnh bản thân đang thực hiện một nhiệm vụ nặng nhọc – biểu diễn võ thuật, tập tạ điên cuồng, chạy bộ… – kèm theo dòng chú thích “An toàn là chiếc lồng giam: Hãy thử làm những điều khó khăn”.
Ở độ tuổi của ông ta, hầu hết mọi người còn chẳng muốn rời khỏi ghế chứ chưa nói đến việc làm những điều trên. Theo thời gian, chúng ta quen với sự thoải mái đến mức tin rằng mình đã chạm ngưỡng giới hạn của bản thân, dù điều này là không đúng. Tôi đã thấy những người có thể nâng tạ… ở tuổi 70. Chính vì thế, chẳng có gì là quá muộn. Hơn nữa, bước ra khỏi vùng giới hạn còn giúp chúng ta kéo dài tuổi thọ.
Vậy làm thế nào để thử thách mình liên tục? Hãy bắt đầu từ những dự án làm thêm, việc kinh doanh ngoài hay bất cứ kỹ năng nào mới. Bạn sẽ thấy mình phải đối mặt với liên tiếp các khó khăn, vượt qua chúng, để rồi lại tìm thấy những trở ngại mới.
Tôi đã dành cả năm qua để viết sách mới, nhằm đẩy bản thân vượt qua những giới hạn tinh thần. Tôi đã biên tập nó hơn 15 lần, đến mức còn chẳng muốn động vào nó lần nữa. Biên tập viên cho cuốn sách này cũng gây không ít khó dễ cho tôi, về chuyện văn phong và ý tứ. Tuy nhiên, nhờ vậy mà khi cầm cuốn sách hoàn chỉnh trên tay, tôi sẽ hiểu tại sao mình lại chọn làm việc này.
Chẳng có gì cảm động bằng nhìn thấy thành quả của mình sau khi vượt qua hàng ngàn thử thách và trở ngại. Tuy nhiên, cảm giác này cũng sẽ không kéo dài lâu. Bạn sẽ lại tiếp tục quay về cảm giác khổ sở trên con đường thực hiện những thử thách khác. Đó chính là điều giúp bạn tỉnh táo và tránh xa chiếc lồng an toàn để làm nên những điều bất ngờ. Đừng bao giờ chịu trở thành một loài sinh vật bị thuần hóa.
Thử thách bản thân bằng những thói quen đơn giản
Để khiến cuộc sống thêm thách thức và thú vị hơn, bạn có thể trải nghiệm một vài thói quen giúp mình mạnh mẽ, dẻo dai hơn.
Gần đây, tôi đã tập tắm nước lạnh. Tôi dự định sẽ duy trì thói quen này trong vòng 30 ngày vì nó có tác dụng tăng cường hệ miễn dịch. Những việc tắm nước lạnh, nâng tạ, leo núi, đọc sách khó… có thể khiến bạn mệt mỏi, khó chịu lúc ban đầu, nhưng nó sẽ giúp cơ thể bạn thích nghi nhanh chóng. Nếu chỉ ngồi một chỗ và không dám làm gì, bạn sẽ dần trở nên thờ ơ và yếu ớt.
Cứ mãi sống trong lớp vỏ bong bóng cả cuộc đời, bạn sẽ chết ngay lập tức khi bước chân ra bên ngoài, bởi bạn không thể tự phát triển hệ miễn dịch cho mình.
Bạn hoàn toàn có thể thay đổi cuộc đời mình, bằng cách điểm tô thêm cho cuộc sống một chút khó khăn và căng thẳng để cơ thể học cách thích nghi. Tại sao không thử tắm nước lạnh, dậy sớm, tập chống đẩy, đi bộ thay vì lái xe, tránh xa mạng xã hội và TV trong 1 tháng, nhịn ăn, tập sửa xe, đi chơi mà không cần bộ định vị trong 24h, chơi bộ ghép hình 1.000 mảnh, chạy nửa quãng đường marathon? Hãy thử làm bất cứ thứ gì ngoài vòng an toàn của bạn.
***
Chúng ta không nhận ra rằng, mình trở nên yếu đuối vì được hưởng quá nhiều đặc quyền trong cuộc sống. Trong khi đó, ở ngoài kia có biết bao nhiêu người đang sống chật vật mỗi ngày.
Do đó, hãy bước ra khỏi vùng an toàn và thách thức chính bản thân mình. Chỉ khi vượt qua được giới hạn của bản thân, bạn mới có cơ hội đặt chân vào top 5% của xã hội.
Bài chia sẻ của Ayodeji Awosika – tác giả cuốn sách “Real Help: An Honest Guide to Self Improvement”.
Theo Medium – Ngọc HàTheo – Trí thức trẻ