Các nước có thể đóng cửa biên giới, hủy bay, khám người tại sân bay và các biện pháp khác sau khi Tổ chức Y tế Thế giới tuyên bố dịch viêm phổi cấp là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cách đây ít giờ tuyên bố dịch viêm phổi cấp ở Vũ Hán là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu
Quyết định này được đưa ra khi số người chết tiếp tục tăng nhanh và nhiều nơi trên thế giới liên tục ghi nhận những ca nhiễm mới.
Đây là lần thứ 3 trong vòng chưa đầy 1 tháng qua WHO nhóm họp để đưa ra quyết định về vấn đề này sau 2 lần quyết định chưa công bố dịch viêm phổi cấp là tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu hay PHEIC.
Nó cũng đánh dấu lần thứ 6 WHO đưa ra chỉ định này đối với một dịch bệnh trong lịch sử.
Vậy thực chất PHEIC là gì?
PHEIC được WHO định nghĩa là một sự kiện bất thượng tạo thành nguy cơ sức khỏe cộng đồng cho các quốc gia khác thông qua sự lây lan của một dịch bệnh quốc tế và có khả năng cần phải có “phản ứng phối hợp quốc tế”.
Khi tuyên bố dịch viêm phổi cấp ở Trung Quốc là PHEIC, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus có quyền đưa ra các khuyến nghị về việc kiểm soát lây lan của virus corona mới trên toàn cầu.
Tuyên bố của WHO sẽ được gửi cho các nước thành viên Liên hợp quốc mà WHO đánh giá đang có tình trạng nghiêm trọng. Các nước này sẽ quyết định có đóng cửa biên giới, hủy bay, khám người tại sân bay và các biện pháp khác hay không.
Cùng với đó, WHO sẽ khuyến nghị các cơ quan y tế quốc gia trên toàn thế giới đẩy mạnh các biện pháp theo dõi, chuẩn bị và ngăn chặn.
Về lý thuyết, quyết định này cũng có thể dẫn tới sự gia tăng tài trợ và nguồn lực từ cộng động quốc tế để đối phó với virus corona.
Không ít người lo ngại rằng nền kinh tế của Trung Quốc có thể bị tác động tiêu cực bởi quyết định của WHO.
Trên thực tế, các quốc gia có thể chọn cắt đứt các tuyến du lịch và thương mại với Trung Quốc.
Khi WHO tuyên bố dịch Ebola bùng phát ở Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) năm 2019, ông Ghebreyesus cảnh báo các nước không sử dụng nó như một cái cớ để áp đặt các hạn chế thương mại hoặc du lịch.
Ông nói điều này sẽ tác động tiêu cực tới đợt bùng phát cũng như sinh kế của những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi dịch bệnh.
Mặc dù WHO không có thẩm quyết xử phạt các quốc gia, họ có thể yêu cầu các chính phủ cung cấp bằng chứng khoa học cho bất cứ hạn chế đi lại hoặc thương mại nào họ áp đặt do lo ngại sự lây lan của virus corona.
Nhưng hiện tại, nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu hạn chế du lịch cá nhân đến và đi từ Trung Quốc sau khi dịch viêm phổi cấp bùng phát.
Triều Tiên, Mông Cổ, Nga, 2 quốc gia Trung Á là Kyrgyzstan và Tajikistan tuyên bố đóng cửa biên giới với Trung Quốc.
Hong Kong cũng đóng cửa tạm thời nhiều cửa khẩu biên giới với đại lục, hạn chế cấp thị thực cho các du khách tới đại lục và giảm một nửa số chuyến bay giữa 2 bên.
Nhiều quốc gia tuyên bố không tiếp nhận du khách từ Trung Quốc, thậm chí Papua New Guinea còn cấm cả du khách châu Á hay Triều Tiên không chào đón du khách nước ngoài.
Trong quá khứ, WHO mới chỉ 5 lần tình trạng y tế công cộng khẩn cấp toàn cầu. Đó là vào năm 2009 với dịch cúm A/H1N1, 2009, làm chết hơn 200.000 người trên thế giới; năm 2014 với bệnh bại liệt; năm 2016 với virus Zika; riêng dịch Ebola được tuyên bố là PHEIC 2 lần vào các năm 2014 và 2019.
Theo chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Tom Solomon, người đứng đầu Viện nghiên cứu sức khỏe quốc gia tại Đại học Liverpool, dịch SARS 2002-2003 là căn nguyên dẫn đến việc tạo ra PHEIC. SARS cướp đi sinh mạng của hơn 700 người và ghi nhận hơn 8.000 trường hợp nhiễm bệnh.
Theo VTC News