Người Do Thái thông minh nhất thế giới ai cũng biết. Nhưng lý do tại sao Do Thái có thể trở thành quốc gia giàu nhất thế giới không phải ai cũng biết: Họ luôn vượt qua những suy nghĩ thông thường để đi theo con đường khác biệt.
Câu chuyện số một: Kẻ ăn mày duy nhất
Vào một ngày đẹp trời, có một nhóm người ăn mày đang nằm chơi, vừa phơi nắng, vừa cầu cho bản thân. Có người muốn trở thành đại gia, có người muốn lấy một người vợ đại gia, có người lại cầu mình giỏi giang hơn.
Trong đó có một người ăn mày là người Do Thái, anh ta cũng ngước lên trời cầu nguyện.
“Ê!” Một người hỏi anh ta: “Anh đang cầu cái gì thế?”
“Tôi ước tôi là ăn mày duy nhất trong thành phố này!”
Bài học rút ra: Trong thị trường kinh tế ngày nay, miễn là có thể nghĩ ra những ý tưởng mà những người khác không nghĩ đến, tìm ra những khoảng trống thị trường mà những người khác không tìm thấy, và tạo ra các khái niệm về “độc đáo” và “duy nhất”, thì bạn sẽ thành công.
Câu chuyện số hai: Chú chó trông nhà
Một người đàn ông ôm theo một con chó con, giận dữ đi vào một cửa hiệu vật nuôi được mở ra bởi người Do Thái, nói với ông ta: “Tôi mua con chó của anh để giúp tôi trông nhà, nhưng tối qua, có một tên trộm đã lẻn vào nhà tôi và lấy trộm 200 đô la, con chó này đã nhìn tất cả những điều xảy ra mà lại không hề sủa một tiếng nào!”
Ông chủ Do Thái giải thích: “Người chủ cũ của con chó này là một triệu phú, vì vậy đối với nó 200 đô la của anh chả là gì cả.”
Bài học rút ra: Quản lý có những nguyên tắc vĩnh viễn tồn tại, nhưng không có tính cố định, vì vậy không được lúc nào cũng áp dụng những quy tắc cứng nhắc và không phải quy tắc nào cũng có thể áp dụng trong mọi trường hợp của mọi doanh nghiệp.
Câu chuyện số ba: Đàn gà của Paul
Có một người nông dân tên Paul nuôi một đàn gà.
Có một ngày, anh ta vội vội vàng vàng chạy đến nhà một người nông dân khác và nói: “Gà của tôi bị cúm, chết một nửa rồi, làm sao bây giờ?”
“Anh cho chúng ăn gì vậy?”
“Thóc!”
“Anh nên cho chúng ăn lúa mì!”
Đến ngày thứ hai, Paul lại cấp tốc chạy đến nói “Không xong rồi, lại có thêm 15 con chết rồi!”
“Anh cho chúng uống gì vậy?”
“Nước lạnh”
“Ài! Anh nên cho chúng uống nước nóng chứ!”
Hai ngày sau, Paul lại đến nhà người nông dân kia than thở “Bây giờ tôi chỉ còn 10 con gà thôi!”
“Anh cho chúng uống nước lấy từ đâu?”
“Từ trong giếng ý!”
“Anh nên cho chúng uống nước tinh khiết!”
Không lâu sau, Paul lại thông báo “Haiz, con gà cuối cùng của tôi cũng chết rồi!”
“Ài ài ài!”, người nông dân than thở. “Tiếc quá đi. Tôi còn có rất nhiều ý kiến hay còn chưa kịp nói cho anh áp dụng mà!”
Bài học rút ra: Khi các công ty thực hiện những thay đổi lớn, tốt nhất là không nên từ bỏ ngay những thứ hiện có, đặc biệt là những thứ cốt lõi mà trước đây đã sử dụng để tồn tại. Thay đổi diện mạo không thể thay đổi trái tim, và càng không thể để mình làm vật thí nghiệm cho người khác.
Ảnh minh họa
Câu chuyện số bốn: Người doanh nhân trong tù
Có ba người phải chịu án tù 3 năm vì lý do nào đó. Quản tù hứa với họ rằng mỗi người trong số họ có thể đưa ra một yêu cầu.
Người quốc tịch Mỹ thích xì gà nên anh ta yêu cầu có ba hộp xì gà. Người Pháp là người lãng mạn nhất nên anh ta yêu cầu một phụ nữ xinh đẹp ở trong tù cùng anh ta. Người Do Thái nói rằng ông muốn một chiếc điện thoại có thể liên lạc với thế giới bên ngoài bất cứ lúc nào.
Ba năm trôi qua rất nhanh. Người Mỹ là đầu tiên chạy ra khỏi nhà giam, lỗ mũi và miệng của anh ta nhét đầy những điếu xì gà, và anh ta hét lên: “Hãy cho tôi lửa, cho tôi lửa!” Thì ra anh ta đã quên yêu cầu bật lửa.
Người Pháp là người tiếp theo bước ra khỏi nhà giam, chỉ nhìn thấy anh ta đang dắt theo một đứa bé, người phụ nữ năm nào vào cùng anh ta cũng đang bế một đứa bé khác, và trong bụng cô ta đang mang thai đứa bé thứ ba.
Người cuối cùng ra khỏi nhà giam là người Do Thái, anh ta nắm chặt tay quản tù và nói: “Tôi đã tiếp xúc với thế giới bên ngoài trong ba năm qua, kinh doanh của tôi không chỉ dừng lại mà còn tăng 300%. Để bày tỏ lòng biết ơn của mình, tôi sẽ gửi tặng cho anh một chiếc xe”
Bài học rút ra: Lựa chọn quyết định số phận. Những thành tựu đạt được của các doanh nghiệp ngày nay được quyết định bởi sự lựa chọn trước đây của doanh nghiệp, và sự lựa chọn ngày nay của các doanh nghiệp sẽ quyết định sự phát triển trong tương lai của doanh nghiệp.
Câu chuyện số năm: Tờ di chúc
“Một phú ông người Do Thái lâm trọng bệnh, giờ chết đã gần kề, bèn cho người đến ghi lại lời di chúc của ông:
– “Tôi sẽ để lại toàn bộ tài sản của tôi cho người nô bộc trung thực sẽ đưa tờ di chúc này đến chỗ của Giáo sĩ. Riêng đứa con trai của tôi sẽ được lựa chọn một vật trong số tất cả tài sản mà tôi để lại”.
Không lâu sau, phú ông người Do Thái qua đời, người nô bộc được thừa hưởng toàn bộ tài sản. Anh ta hớn hở mang tờ di chúc đến gặp vị Giáo sĩ, sau đó cùng vị Giáo sĩ đến gặp con trai của phú ông.
Vị Giáo sĩ nói với người con trai:
– “Cha anh đã để lại toàn bộ tài sản cho người nô bộc này, anh chỉ được quyền lựa chọn một món đồ duy nhất mà cha để lại. Anh hãy tự mình chọn lấy đi nào!”
Người con trai trả lời một cách không do dự:
– “Tôi chọn người nô bộc này”.
Vậy là, người con trai vừa có được người nô bộc, lại được quyền thừa kế toàn bộ tài sản của người cha để lại.
Phú ông trong câu chuyện hết sức thông minh. Do người con trai không thể có mặt khi mình sắp chết, ông mới nghĩ ra kế sách này, để tránh khả năng tên nô lệ có thể đoạt lấy tài sản của mình, mà không báo cho đứa con trai biết.
Đúng là “hổ phụ sinh hổ tử”, con trai ông cũng là một người rất thông minh. Vị Giáo sĩ trong câu chuyện cũng hết sức cơ trí, ông không trực tiếp nói ra ý nghĩa ẩn trong tờ di chúc, nhờ đó giữ được bí mật cho phú ông”.