Là tiến sĩ đầu tiên của vùng đất Nam bộ, Phan Thanh Giản đã đưa ra những đề xuất thay đổi, học hỏi phương Tây để đất nước vững mạnh hơn, có thể đứng vững trước người Pháp, tiếc rằng Vua không nghe theo.
Khi Mãn Thanh đánh bại nhà Minh, nhiều người Hoa không theo nhà Thanh đã chọn cách chạy xuống phía nam, trong số đó có Phan Thanh Tập. Ông đến phủ Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định, rồi lấy người vợ tên là Huỳnh Thị Học và sinh được người con trai tên là Phan Thanh Ngạn.
Năm 1771, Phan Thanh Ngạn vào Nam, sau một thời gian di chuyển các nơi, cuối cùng định cư ở thôn An Hòa, làng Tân Thạnh, huyện Vĩnh Bình, phủ Định Viễn, trấn Vĩnh Thạnh (nay là xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Ông lấy vợ là bà Lâm Thị Bút, sinh hạ được cậu con trai đặt tên là Phan Thanh Giản.
Năm Phan Thanh Giản được 6 tuổi (1802) thì mẹ mất, ông Ngạn phải lấy thêm người vợ nữa là Trần Thị Dưỡng để có người chăm sóc con. Bà Dưỡng rất yêu thương con chồng.
Đến tuổi đi học, vì nhà rất nghèo, Phan Thanh Giản phải học nhờ nhà sư Nguyễn Văn Noa ở ngôi chùa làng Phú Ngãi.
Sau này gia cảnh cũng đỡ hơn khi ông Ngạn được làm Thủ hạp (một viên chức nhỏ). Năm 1815, vì việc kẻ khác khai gian về thuế, ông Ngạn bị ngồi tù 1 năm.
Tiến sĩ đầu tiên của vùng đất Nam bộ
Theo sách “Kể chuyện lịch sử Việt Nam”, lúc cha phải vào tù thì Phan Thanh Giản 19 tuổi. Thương cha tuổi già sức yếu phải chịu cảnh tù tội, Phan Thanh Giản đến thành Vĩnh Long gặp quan Hiệp trấn để xin đi tù thay cha.
Theo quy định thì đây là việc không thể được, nhưng quan Hiệp trấn cảm động trước ấm lòng hiếu thảo của chàng trai trẻ, đã tìm cho Phan Thành Giản một nơi ở gần cha để vừa trau dồi kinh sử, lại vừa được đến thăm cha, giúp làm những việc nặng nhọc trong tù.
Sau khi cha Phan Thanh Giản mãn hạn tù, nhận thấy Phan Thanh Giản là người hiền lành, hiếu thảo lại có chí, viên quan Hiệp trấn đã giúp ông ở lại Vĩnh Long tiếp tục học hành chờ đến khoa thi. Vào lúc khó khăn ông còn gặp được người phụ nữ nhân hậu tên Ân, giúp ông cơm áo, tiền bạc để ông tiếp tục ăn học.
Đến kỳ thi Hương năm 1825, Phan Thanh Giản thi đỗ qua tứ trường tức cử nhân, đến năm sau bước vào kỳ thi Hội ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ, trở thành người Nam bộ đầu tiên thi đỗ Tiến sĩ.
Phan Thanh Giản được giữ chức vụ Hàn lâm viện biên tu, rồi sau đó thăng lên các chức vụ khác nhau, ông làm quan trải qua 3 đời vua Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức.
Làm quan hết lòng vì dân
Từ ngày làm quan, Phan Thanh Giản luôn có các tấu trình cũng như quyết sách có lợi cho dân.
Năm 1826, có mưa lớn ở kinh thành, ông đã dâng sớ xin vua Minh Mạng giảm bớt số cung tần, mỹ nữ.
Năm 1836 Quảng Nam bị mất mùa đói kém, vua Minh Mạng có ý định chu du đến núi Ngũ Hành. Phan Thanh Giản lúc này đang làm tuần phủ Quảng Nam liền dâng sớ can Vua, bởi dân vừa mất mùa lại đang vào mùa cày cấy, vì thế không nên để dân phải bỏ ruộng phục dịch đường sá cho Vua đi. Vua Minh Mạng hoãn chuyến đi, nhưng giáng chức ông từ Tuần Phủ xuống làm lính hầu ở Quảng Nam.
Đang giữ chức quan lớn trong tỉnh, đột nhiên phải làm lính hầu, nhưng Phan Thanh Giảm vẫn làm tốt chức phận, hàng ngày lau chùi bàn ghế sạch sẽ, lúc xử kiện thì đứng hầu cạnh các quan.
Việc làm của Phan Thanh Giản khiến các quan lúc đó rất lúng túng, vì trước đó họ đều là quan cấp dưới, họ nói: “Xin quan lớn tìm chỗ ngồi, nếu quan lớn hầu hạ thế, chúng tôi làm sao ngồi yên xử án được”. Nhưng ông đáp lại rằng: “Các ông cứ làm việc của mình. Còn tôi, vua phán sao, tôi nghe vậy.”
Sau một thời gian làm phục dịch, ông lại được tăng chức làm Thống chánh sứ, Phó sứ rồi Hộ bộ thị lang.
Năm 1852 khi đang làm Kinh lược sứ vùng Nam bộ, ông đã cùng Nguyễn Tri Phương dâng sớ tâu với vua Tự Đức cần tránh xa gian thần, chọn bầy tôi trung, đồng thời giảm tiêu pha, giảm bớt chế độ tạp dịch cho binh lính. Vua Tự Đức khâm phục Phan Thanh Giản và tặng ông 4 chữ “Liêm, Bình, Cần, Cán”.
Tấu trình mong triều đình học hỏi phương Tây
Năm 1858, liên quân Pháp – Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng.
Đến năm 1862 vua Tự Đức phải ký Hiệp ước Nhâm Tuất nhượng 3 tỉnh miền đông nam bộ cho Pháp.
Năm 1863, Phan Thanh Giản được cử làm chánh sứ, cùng các phó sứ là Phạm Phú Thứ và Ngụy Khắc Đản sang Pháp điều đình để chuộc lại 3 tỉnh Miền đông. Cuộc điều đình bất thành, nhưng trong chuyến đi này, lần đầu tiên Phan Thanh Giản cùng phái đoàn của mình tiếp xúc với nền văn minh phương Tây, qua trao đổi phái đoàn học được rất nhiều điều.
Trở về nước Phan Thanh Giản đề xuất Triều đình cần đặt ngoại giao và mở rộng buôn bán với các nước phương Tây, cử người sang phương Ttây du học… Tuy nhiên các tấu sớ của ông lại không được vua Tự Đức nghe theo.
Tận mắt thấy văn minh phương Tây, muốn thay đổi nhưng Vua không nghe theo, Phan Than Giản biết rằng nếu Pháp mở rộng cuộc chiến ra miền Trung hay Bắc hà thì quân Triều đình trang bị vũ khí thô sơ không chống nổi. Ông làm thơ than rằng:
Từ ngày đi sứ đến Tây kinh
Thấy việc châu Âu luống giật mình
Nhắn nhủ đồng bang mau tỉnh dậy
Hết lòng năn nỉ chẳng ai tin.
Lực bất tòng tâm
Cuối năm 1865, vua sai Phan Thanh Giản đi Kinh lược sứ 3 tỉn miền Tây (Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên).
Năm 1867 chiến thuyền quân Pháp tiến đánh Vĩnh Long. Người Pháp giả điều đình rồi lừa Phan Thanh Giản ra ngoài để lấy thành.
Biết rằng với vũ khí thô sơ, nếu chống lại thì chỉ thiệt mạng binh sĩ mà không giữ được thành, ông quyết định nộp thành với điều kiện quân Pháp phải đảm bảo an toàn cho quân sĩ của mình cùng dân chúng.
Sau khi để mất 3 tỉnh miền Tây, Phan Thanh Giản gửi lại quan phục, phẩm hàm cùng biểu tấu tạ tội gửi về Triều đình, rồi ông tuyệt thực chờ chết trước sự chứng kiến của con cháu.
Trước khi mất ông căn dặn con cháu không được làm quan cho Pháp cầu vinh, cố gắng học hỏi người phương Tây để phò Vua giúp nước.
Cuối cùng ông căn dặn con cháu ghi trên mộ mình dòng chữ “Đại Nam hải nhai lão thư sinh tánh Phan chi cửu”, nghĩa là: “Người học trò nghèo họ Phan ở góc biển Đại Nam”, rồi đem linh cữu về chôn ở quê nhà.
Phan Thanh Giản mất ngày 4/8/1867, thọ 71 tuổi.
Người dân lập đền thờ Phan Thanh Giản ở ấp Thạnh Nghĩa, xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri, Bến Tre. Người dân vùng núi Ba Thê, thuộc huyện Thoại Sơn tỉnh An Giang coi ông như Thành Hoàng. Ông cũng được thờ ở Văn Thánh Miếu Vĩnh Long nữa.
Trần Hưng