Từ trước đến nay Trung Đông là nơi có nhiều điểm nóng. Vừa bước sang năm 2020, Mỹ đã thực hiện hành động ám sát tại Iraq, làm trầm trọng thêm căng thẳng khu vực, khiến mọi người quan tâm và lo ngại.
Giữa bối cảnh trong nước có những làn sóng phản ứng, Iran đã tiến hành một số phản kích. Nhưng xét từ tình hình hiện nay có thể thấy, Iran vẫn hành động kiềm chế và có câu trả lời cho dư luận trong nước.
Đồng thời, trong khi tại Mỹ và ở môi trường quốc tế có những phản đối nhằm vào hành động của tổng thống Donald Trump, ông Trump cũng đưa ra phản ứng một cách hết sức kiềm chế trước “hành động trả đũa tương xứng” từ phía Iran. Ông không leo thang hành động quân sự mà nhấn mạnh việc gia tăng áp đặt cấm vận kinh tế.
Xem ra, sự kiện lần này – vụ Mỹ ám sát tướng Iran Qasem Soleimani ngày 3/1 và Tehran tấn công tên lửa trả đũa vào các căn cứ có lính Mỹ tại Iraq ngày 8/1 – về cơ bản đã khép lại một giai đoạn. Bước tiếp theo cần theo dõi màn giao đấu tiếp theo của đôi bên, và đây có thể là một cuộc chơi lâu dài.
Trung Quốc và Iran, cùng với Trung Đông – bao gồm các nước vùng Vịnh, vẫn duy trì mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp. Hợp tác giữa Trng Quốc với các nước này cũng có nhiều phương diện, trong đó lĩnh vực dầu khí là một phần quan trọng. Iran là nguồn cung cấp dầu khí quan trọng đối với Trung Quốc, hợp tác giữa song phương vẫn luôn được tiến hành.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran có tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), Mỹ đã thi hành chính sách “quản lý tay dài”. Điều này thực sự đã gây ra khó khăn rất lớn cho các nước – gồm có Trung Quốc – khi hợp tác với Tehran về dầu khí.
Trung Quốc luôn nhấn mạnh cần phải tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, tiếp tục duy trì quan hệ hợp tác bình thường với Iran, tuy nhiên một số doanh nghiệp Trung Quốc cân nhắc lợi ích của họ có thể có nhiều quan ngại khi làm việc với phía Iran. Các trao đổi thực tế về kinh tế giữa Trung Quốc và Iran cũng bị tác động rất lớn.
Do đó, trong khuôn khổ Liên hợp quốc (LHQ) cũng như các diễn đàn đa phương khác, Trung Quốc luôn tích cực thúc đẩy việc bảo vệ tính thẩm quyền của thỏa thuận hạt nhân, bởi đây là thỏa thuận đa phương được Hội đồng bảo an LHQ phê duyệt. Trung Quốc thúc giục các bên liên quan, đặc biệt là Iran, tiếp tục tuân thủ và chấp hành các nội dung thỏa thuận.
Vai trò của Trung Quốc tại Trung Đông
Vai trò của Trung Quốc tại Trung Đông có thể nói đơn giản là “khuyên giải và thúc đẩy đàm phán”. Do các điểm nóng, vấn đề của Trung Đông nhiều, mâu thuẫn phức tạp, nên Trung Quốc có chủ trương nhất quán là các bên xung đột cần bình tĩnh xử lý, thông qua đối thoại để đạt được cách giải quyết ổn thỏa về chính trị đối với các vấn đề, tránh xung đột về mặt quân sự.
Năm 2016, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành thăm cấp nhà nước đối với Saudi Arabia, Ai Cập và Iran. Chuyến thăm này đóng vai trò lịch sử đối với phát triển quan hệ giữa Trung Quốc với các nước Trung Đông. Quan hệ giữa Trung Quốc và Iran cũng được nâng lên tầm cao mới.
Trong lịch sử, Iran là một thành tố quan trọng trên Con đường tơ lụa của Trung Quốc. Hiện nay, chủ tịch Tập Cận Bình đã đề ra sáng kiến “Vành đai, Con đường”, Iran nằm ở khu vực Tây Á cùng với các quốc gia Ả Rập khác có thể nói là điểm hội tụ của sáng kiến này, được xem là đối tác tự nhiên của “Vành đai, Con đường”. Vì vậy, quan hệ hợp tác giữa Bắc Kinh và Tehran cũng không ngừng được triển khai.
Tình hình Trung Đông bất ổn – đặc biệt là một số nước đối diện với bạo loạn, thậm chí chiến loạn lâu dài – đã gây khó khăn lớn cho khả năng hợp tác của Trung Quốc với các nước trong khu vực, song Trung Quốc vẫn tích cực thúc đẩy giải quyết các vấn đề này và tạo dựng cơ hội củng cố hợp tác song phương.
Trung Quốc theo đuổi chính sách Trung Đông như thế nào
Trung Quốc có chủ trương của riêng mình trong thúc đẩy giải quyết các vấn đề của Trung Đông, bao gồm quan niệm “dùng phát triển để thúc đẩy hòa bình và ổn định”. Nhiều vấn đề của Trung Đông xuất phát từ căn nguyên phát triển không đầy đủ, ví dụ như dân sinh, công ăn việc làm có thiếu sót, đặc biệt là tạo việc làm cho thanh niên không đủ dẫn đến nhiều vấn đề xã hội, khiến các bất đồng trở nên phức tạp hơn.
Do đó, song song với tích cực thúc đẩy giải quyết các vấn đề nóng, Trung Quốc cũng thúc đẩy hợp tác với khu vực Trung Đông trong các lĩnh vực phát triển. Tại một số vùng có biến động không an toàn, chưa thích hợp để triển khai hợp tác kinh tế thì Trung Quốc trước hết đẩy nhanh xử lý các vấn đề nhằm mở đường cho việc hợp tác về sau.
Trung Đông là địa điểm quan trọng, có vị thế chiến lược trọng yếu, là nơi kết hợp giữa ba châu lục lớn Á-Âu-Phi, với nền văn minh cổ đại và nguồn tài nguyên phong phú. Những nhân tố này giúp viễn cảnh phát triển của khu vực là rất tốt. Hiện nay cần thúc giục các bên hợp tác, nỗ lực xử lý vấn đề nóng. Về tổng thể, Trung Quốc hết sức coi trọng khu vực này.
Trung Quốc thật sự sẵn sàng cùng nỗ lực với các nước Trung Đông trong mọi lĩnh vực, trên quan điểm “cùng bàn bạc, cùng xây dựng, cùng hưởng, cùng có lợi, cùng thắng lợi”, tăng cường hợp tác song phương, và giữ thái độ lạc quan đối với viễn cảnh phát triển của Trung Đông.
Các quốc gia Trung Đông cũng đang tìm kiếm con đường phát triển phù hợp và đang trong quá trình chuyển đổi mô hình phát triển, trong đó hợp tác với các nước châu Á-Thái Bình Dương là một lựa chọn quan trọng. Từ trước đến nay, [các nước Trung Đông] đã hợp tác trên nhiều lĩnh vực với Trung Quốc, Việt Nam và các nước Đông Nam Á. Tôi tương đối lạc quan với điều này, và nhìn về lâu dài thì viễn cảnh rất tốt đẹp.
* Bài viết thể hiện quan điểm của Đại sứ Ngô Tư Khoa – Ủy viên Ban cố vấn chính sách đối ngoại Bộ ngoại giao Trung Quốc, cựu Đặc phái viên Trung Quốc về vấn đề Trung Đông, cựu Đại sứ Trung Quốc tại Saudi Arabia và Ai Cập kiêm Đại diện toàn quyền Trung Quốc tại Liên minh Ả Rập.
Theo Trí Thức Trẻ