Có những địa danh mà mới nghe tên người ta đã có cảm giác thật gần gũi thân thiết. Ngõ Tạm Thương là một cái tên như vậy. Ðến một lần, có thể nặng lòng cả đời với nó…
Ði tìm cái tên Tạm Thương
Hồi còn là cô bé học lớp Văn trường huyện, tôi đã mơ màng với những câu thơ của Chế Lan Viên và mong một lần được đến nơi này:
Sương giăng mờ trên ngõ Tạm Thương
Ngõ rất cụt mà lòng xa thẳm
Ngõ bảy thước mà lòng muôn dặm
Thương một đời đâu phải Tạm Thương!
Tìm hiểu cái tên Tạm Thương, tôi nhận được rất nhiều luận giải thú vị. Theo như cách chơi chữ của Chế Lan Viên thì có lẽ Tạm Thương nghĩa là thương tạm thời, thương hời hợt, thương tạm mấy hôm rồi bỏ. Kiểu giải thích này có vẻ tếu. Cách đây 2 thế kỉ, không biết các cụ có đặt tên ngõ với nghĩa này chăng?!
Lang thang trên mạng, tôi thấy ý kiến của một nhà văn Nguyễn Tiến Văn nào đó: Trước có nhà thương Phủ Doãn. Bệnh nhân vào nhà thương được sơ cứu ở đây trước, nên gọi là Tạm Thương. Tôi rất băn khoăn với ý kiến này, vì người Hà Nội không gọi bệnh viện là nhà thương?
Thuyết phục nhất là kiểu cắt nghĩa của tác giả Giang Quân trong cuốn “Từ điển đường phố Hà Nội”. Theo đó, tên Tạm Thương có từ đầu thế kỷ XIX, dưới thời nhà Nguyễn. Lúc đầu, ngõ tên là Trạm Thương. Ở đây có dựng một cái kho để chứa tạm thóc thuế do dân nộp trước khi chuyển vào kho chính, gọi là kho Tạm Thương nên sau đổi thành ngõ Tạm Thương.
Liên quan đến cách lý giải này, còn có một câu dân gian hay truyền miệng: “Trai ngõ Trạm, gái Tạm Thương”. Câu này được hiểu theo nghĩa không được hay lắm. Ngõ Trạm ngày trước là một Trạm ngựa. Thanh niên trai tráng thường ngồi chầu chực đợi có công văn, thư từ thì lập tức lên đường. Họ vốn là những người vạm vỡ, hung dữ, táo tợn. Trong lúc chờ đợi, họ ngồi tụ tập sát phạt nhau trên chiếu bạc, rồi hút sách, đánh nhau… Còn Tạm Thương là kho thóc tạm nên quanh đó có đông đàn bà con gái làm nghề xúc thóc, sàng sẩy thuê. Ðám người này đặc biệt lưu manh, chanh chua… “Gái Tạm Thương” là gái lưu manh. Như thế, câu ấy có hàm ý là “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, nghĩa không được đẹp như cái tên địa danh. Nhưng từ câu phương ngôn ấy, ta càng có cơ sở để biết chính xác nguồn gốc cái tên Tạm Thương, trước đây nó là một kho thóc tạm.
Cũ – mới đan xen
Từ Hàng Bông nhộn nhịp mà rẽ vào Tạm Thương, cảm giác mọi thứ đều lắng lại. Không gian hẹp hẳn và những âm thanh ầm ào của phố xá như bị chìm đi trong đó.
Ngõ gấp hình chữ “chi” và ở ngay giữa chỗ gấp ấy là đền Yên Thái. Ngôi đền tọa lạc trên một khuôn viên khá rộng và thoáng, ở vị trí trung tâm của con ngõ.
Ðền thờ Nguyên phi Ỷ Lan (1107-1177), vợ Vua Lý Thánh Tông, mẹ Vua Nhân Tông. Khi chồng cầm quân đi đánh giặc, bà ở nhà lo việc triều chính. Vua Nhân Tông lên ngôi khi còn quá nhỏ, bà lại một lần nữa buông rèm nhiếp chính. Sử sách coi bà như một phụ nữ trung liệt, có tài trị nước.
Ngôi đền có từ lâu, có từ khi cái ngõ này còn chưa có tên là Tạm Thương. Nhưng thật khó để tìm thấy một nét xưa cũ còn sót lại. Qua nhiều lần sửa chữa, đền khang trang hơn và trông “hoàn toàn mới”! Cái giếng cổ sau đền cũng đã được xây lại bằng gạch đỏ tươi.
Tôi đi lại cả chục lần trong ngõ, mong tìm thấy một ngôi nhà cổ, hay ít nhất cũng là cái gì đó xưa cũ một chút. Nhưng tôi thất bại. Tất cả đều đã được xây mới. Nếu có gì còn sót lại thì đó là những lối đi nhỏ, tối, sâu hun hút mà số lượng không còn quá 5 cái. Tạm Thương đã làm du lịch và có sự “chuyên môn hóa” rõ rệt. Từ đền ra đến đầu ngõ, phía Hàng Bông là một dãy hàng nem chua rán. Từ đền trở vào cuối ngõ, phía đường Yên Thái là dãy khách sạn, nhà nghỉ, chủ yếu phục vụ khách nước ngoài đến thăm phố cổ.
Thật may mắn, trong số những cũ – mới lẫn lộn như thế, tôi tìm được một thứ cũ thật sự. Ðó là giếng. Cụ Thịnh 80 tuổi sống ở đây đã là đời thứ ba. Cụ giảng giải cho tôi về giếng cổ. Giếng ở phố cổ khác giếng ở làng quê. Ở quê là giếng làng, cả làng dùng chung một cái. Còn ở phố ngày xưa, mỗi nhà một giếng, đào ở gần khu bếp. Giếng đào nên không sâu lắm, nhưng lúc nào cũng đầy nước. Nước giếng rất trong và mát, dùng để sinh hoạt. Nhưng bây giờ, người ta dùng nước máy rồi, nhà thì chật nên giếng bị lấp hết cả. Cả khu này giờ chỉ còn vài ba cái thôi. Cụ đếm ngón tay, nhà số 19, nhà số 38..
Tạm Thương về đêm
Ban ngày trong ngõ khá yên tĩnh, thậm chí vắng vẻ. Tạm Thương chỉ nhộn nhịp từ khoảng 5h chiều đến tận 12h đêm. Tạm Thương được biết đến như một điểm nhậu bình dân, nổi tiếng nhất là món nem chua rán và rượu ngâm.
Nem chua rán ở đây khác hoàn toàn với thứ nem chua Thanh Hóa. Người ta xay thịt và bì lợn, trộn với một ít bột, đem nặn thành hình. Khi nào khách yêu cầu thì mới rán. Nem này không ủ nên không có vị chua chua đậm đà như nem Thanh Hóa, nhưng nó thơm và ngậy hơn nhiều. Ðặc biệt, một đĩa nem bao giờ cũng kèm theo khoai tây chiên và một trong các thứ hoa quả: dưa chuột, củ đậu, xoài… Tương chấm mới thật là thứ đặc biệt. Tương màu đỏ gạch, sóng sánh, có mùi thơm nức như tương bần, ngửi thấy đã thèm. Vị cay, đậm, ăn một lần là nhớ mãi.
Khách đến ăn nem rất đông mà quán thì chật, có quán không đến 10m2 nên phải ngồi cả ra đường. Ða số khách là các cô cậu học sinh, sinh viên đến sau giờ học… Với suất cho hai người, chỉ cần 70 – 80 nghìn đồng là có thể thoải mái thưởng thức. Ðêm mùa đông mà được ngồi nhấm nháp món nem rán chấm tương, rồi xuýt xoa vì cay, vì ngon thì thật tuyệt.
Ngõ Tạm Thương chỉ có một quán rượu duy nhất nhưng dân sành rượu ở Hà Nội không ai không biết. Ðó là quán rượu ông Thọ, nằm ngay đầu ngõ, chỉ cách Hàng Bông gần chục mét. Quán ông Thọ là quán rượu gia truyền, mở hơn 40 năm nay. Rượu ngâm đủ loại: rượu rắn, rượu thuốc bắc… với giá rất bình dân (3.000 – 5.000 đồng một chén nhỏ). Trời tối hẳn quán mới bắt đầu có khách. Không như những quán nem, khách đến đông. Khách quán rượu ông Thọ thường chỉ đến một mình, hoặc 2 người, hầu hết luống tuổi. Trong số đó có cả giới nghệ sĩ, trí thức, công chức tìm đến để hàn huyên tâm sự tới tận khuya.
Cái nhộn nhịp về đêm của Tạm Thương cũng thật đặc biệt. Nhộn nhịp ở sự chuyển động, nhộn nhịp ở cái sự vội vàng. Chứ tuyệt nhiên không phải nhộn nhịp kiểu huyên náo thường thấy. Dù đông khách, dù chật chội, thì âm thanh chủ yếu vẫn chỉ là những tiếng trò chuyện nhỏ to của thực khách mà thôi. Vì thế đến đây ai cũng thấy thoải mái.
Tâm tình người ngõ Tạm Thương
Cả ngõ chỉ có duy nhất một quán nước, nằm khiêm tốn ở cạnh cổng đền Yên Thái. Thức uống duy nhất ở đây là chè hãm đặc. Bởi khách chủ yếu là những người trong ngõ, rảnh rỗi đến đây bàn “chuyện thiên hạ”. Cụ Thịnh hớp một ngụm chè, trầm ngâm, thong thả kể chuyện ngày xưa. Cụ bảo cách đây chỉ vài ba chục năm thôi, Tạm Thương vẫn còn hoang sơ lắm. Cứ tưởng cái ồn ào náo nhiệt phố thị đã bỏ quên con ngõ nhỏ này. Hồi ấy, nhà kiểu cổ vẫn còn nhiều. Mỗi nhà một giếng. Mấy chục nhà sống gần gũi, tối lửa tắt đèn có nhau. Nhà đầu ngõ có con bị ốm, nhà cuối ngõ cũng biết mà đến thăm. Giờ thì, nhà cổ không còn một cái nào, giếng cổ cũng bị lấp gần hết rồi.. Nhà mới 3, 4, 5 tầng mà nhà nào biết nhà nấy. Nhưng cụ chợt ngừng lời và tôi hướng theo ánh nhìn của cụ. Cách đó chỉ vài chục bước chân, gần chục đứa trẻ trong ngõ đang túm tụm chơi rồng rắn. Có lẽ cụ đang nhớ…
Người Hà Nội thâm trầm, thanh lịch. Người ngõ Tạm Thương cũng vậy. Kín đáo, nhẹ nhàng. Những tâm sự của họ về thời thế, về cái nơi họ đã và đang gắn bó đầy suy tư, trăn trở. Người lớn tuổi thì sống với ký ức đẹp đẽ về con ngõ thân thương này. Biết rằng đổi thay là cái lẽ “phải như thế”, nhưng các cụ vẫn không khỏi buồn lòng khi thấy những cô cậu mới đôi mươi sớm thức thời, về mở quán karaoke, gội đầu.. làm xáo trộn cả không gian yên tĩnh. Tạm Thương đã có lịch sử hơn 200 năm, có những gia đình đã gắn bó đến đời thứ 4, thứ 5. Vì thế, dù chật chội, dù bất tiện, các cụ vẫn không muốn xa nơi này.
Còn những bác, những chú mà tôi gặp, họ có một tâm sự chung, rất thật. Họ bảo, ở cái ngõ này khó mà làm ăn gì được. Nhà thì chật chội, chỗ sinh hoạt còn chưa đủ, nhất là những hộ ở trong ngách nhỏ. Mà chúng tôi thì cũng mới 4, 5 chục tuổi, ngồi nhàn rỗi cả ngày, rồi cũng đến đề đóm, cá độ thôi… Nhàn cư vi bất thiện mà. Có những người còn chưa đến 40, mà cả ngày lúc nào cũng ngồi tếu chuyện ở quán nước! Họ rất mong được chuyển đến một nơi khác, rộng rãi để tiện sinh hoạt và có mặt bằng kinh doanh. Nhưng không phải ai cũng có điều kiện để làm việc đó. Mới đây, căn nhà nằm ngay cổng đền Yên Thái đã được hỗ trợ để di dời đến khu chung cư Trung Hòa – Nhân Chính. Ðó là niềm mơ ước của hầu hết những người đang ngày ngày nhàn rỗi một cách bất đắc dĩ và sống trong những gian nhà chật hẹp, ẩm thấp dù đã được sửa chữa.
Rời Tạm Thương, quay trở về với ồn ào, nhộn nhịp thường ngày, lòng tôi không khỏi vấn vương về những điều đã nghe, đã thấy. Tôi cứ mãi hình dung những cái ngách nhỏ, hun hút như chìm sâu vào bên trong những ngôi nhà 3, 4 tầng mới xây, cái “giếng cổ” màu gạch đỏ tươi sau đền Yên Thái. Tôi cứ mãi khắc khoải với tâm sự của những con người nơi ấy, rằng “nhàn cư vi thì bất thiện”. Tôi cũng không thể nào quên được cảm giác yên bình ở Tạm Thương vào một buổi mai, không quên được vị ngậy thơm của nem chua rán… Những ấn tượng vừa ngọt ngào, vừa day dứt, không thể nào quên. Giờ thì tôi hiểu cái “thương một đời, đâu phải Tạm Thương”…
Minh Anh – Bản tin ĐHQG Hà Nội số 239