Ba đời đầu của Chúa Bầu đã xây dựng lãnh thổ hùng mạnh và giàu có. Vào thời kỳ Nam – Bắc triều trong khi các nơi cuộc sống cơ cực, giặc cướp nổi lên như ong, thì lãnh thổ Chúa Bầu người dân vẫn sống trong no ấm, lương thực dồi dào dư dả.
- Câu chuyện các đời Chúa Bầu…Phần 1 | Phần 2
Ba đời Chúa Bầu đầu tiên là Vũ Văn Uyên, Vũ Văn Mật, Vũ Công Kỷ có công dựng lập một vùng lãnh thổ riêng trù phú, nhưng người được tôn kính nhiều nhất lại là bà Chúa Bầu Vũ Thị Ngọc Anh.
Khi Vũ Văn Uyên mất, em trai là Vũ Văn Mật lên thay. Vũ Văn Mật có cô con gái là Vũ Thị Ngọc Anh tinh thông cả văn lẫn võ, lại thạo nghề nông, nên được cha trao trọng trách quân lương và luyện tập binh sỹ.
Lãnh thổ Chúa Bầu cai quản thuộc vùng Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang ngày nay. Khi đó nơi đây còn là rừng núi hiểm trở, người dân phần nhiều là dân tộc thiểu số có trình độ canh tác rất thấp. Bà Vũ Thị Ngọc Anh đã đem kinh nghiệm canh tác ở miền xuôi lên giúp người dân làm nông.
Vũ Thị Ngọc Anh hướng dẫn người dân khai hoang ruộng nước, trồng bông dệt vải, trồng thảo dược chữa bệnh, từ đó hình thành nên hàng chục cánh đồng xanh bát ngát tại Thu Vật, Lục Yên, khiến lương thực dồi dào, khi nào cũng có tích trữ. Điều này giúp Chúa Bầu cùng các quân tướng luôn yên tâm về lương thực khi đối đầu với quân nhà Mạc. Với sự giúp đỡ của con gái, Chúa Bầu đã xây dựng hệ thống Thành Bầu vững chắc.
Bà Vũ Thị Ngọc Anh hàng chục năm giúp dân làm nông, giúp người dân có những vụ mùa bội thu, nên cuộc sống người dân nhờ đó mà sung túc. Bên cạnh đó, bà còn trực tiếp tuyển quân và huấn lyện binh sỹ.
Người dân vô cùng tôn kính và biết ơn, nên thường gọi bà là “Bà Chúa Lương”, “Bà Chúa Kho”, “Bà Anh thần nông”, “Bà Bụt”; về sau này người dân gọi bà là “Bà Chúa Bầu”.
Trong một trận đánh với quân nhà Mạc, bà Chúa Bầu bị thương, cưỡi voi về đến rừng Vải ở vùng Lục Yên thì mất. Con voi sau đó cũng chết theo chủ.
Sau khi bà mất, người dân thờ bà ở đền Đại Kại (thuộc xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên). Cứ mùa xuân Tết đến, nhất là vào rằm tháng Giêng hàng năm, nơi đây lại tổ chức lễ hội, đua thuyền sông Chảy, nghe những câu chuyện để tưởng nhớ bà Chúa Bầu và mong sao cho mùa màng tươi tốt.
Đền Đại Kại cũng đã nhận được 3 sắc phong Thần của vua Cảnh Hưng (Lê Hiển Tông), của vua Tự Đức và vua Duy Tân.
Trần Hưng