Những năm gần đây, vườn phúc bồn tử rộng 2 sào trồng theo mô hình hữu cơ của gia đình ông Hội luôn là điểm thu hút đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm của người dân nơi đây.
Ở đây, những cây phúc bồn tử xanh tốt, cứng cáp và cho quả trĩu cành. Ông Nguyễn Xuân Hội, thôn Phát Chi, xã Trạm Hành (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) chia sẻ: Trước đây, gia đình phá diện tích cà phê để đầu tư làm nhà vòm trồng hoa cát tường, ớt chuông, nhưng trong quá trình sản xuất, nhận thấy việc trồng này phân thuốc quá nhiều, sợ ảnh hưởng tới sức khỏe sau này, ông quyết định tìm loại cây trồng mới.
Trong một lần tình cờ lên mạng biết được có anh bạn học Đại học Đà Lạt làm việc tại Israel giới thiệu cây Blackberry nguồn gốc xuất xứ từ Israel, có vị chua, hơi ngọt được xem là “chúa tể” của các loại quả không chỉ nhờ chứa nhiều dinh dưỡng có giá trị tốt cho sức khỏe.
Đặc biệt, qua tìm hiểu ông Hội biết được ở Lạc Dương đã có Công ty Langbian.f Dâu rừng do ông Trần Văn Hà làm giám đốc đã sản xuất thành công phúc bồn tử đen. Thế là ông bàn với vợ thế chấp sổ đỏ ngân hàng đầu tư mua giống phúc bồn tử đen để phát triển kinh tế. Ông đã liên lạc và tìm mua giống phúc bồn tử đen ở Viện Cây trồng miền Nam.
Cây phúc bồn tử đen được gia đình ông Nguyễn Xuân Hội bắt đầu trồng từ hơn 1 năm trước đây trên diện tích khoảng 2 sào. Sau khoảng 6 tháng kể từ khi trồng đã giúp gia đình ông bắt đầu thu hoạch. Ưu điểm của cây dâu phúc bồn tử đen là thu hoạch quanh năm và thời gian thu hoạch kéo dài trong vòng 7 năm.
Đây cũng là loại cây trồng không cần nhiều công sức cũng như chi phí đầu tư chăm sóc. Để dâu phúc bồn tử đen sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình ông Hội đã trồng trong nhà kính theo các luống và được kết hợp các trụ sắt, xen kẽ là các trụ bằng gỗ và cột bằng hệ thống dây leo để giữ thân cây phúc bồn tử đen phát triển.
Ông Hội cũng lựa chọn sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch, nghĩa là sử dụng tưới bằng hệ thống phun sương tự động và nhỏ giọt, được bón các loại phân chủ yếu là phân hữu cơ. Gia đình cũng đặc biệt chú trọng công tác phòng ngừa các loại sâu bệnh có thể gây hại cây dâu phúc bồn tử đen, như: bọ xít, phấn trắng, nhện đỏ…
Theo chủ vườn, thời gian đầu, phúc bồn tử đen trồng hữu cơ sinh trưởng và phát triển chậm hơn so với các mô hình vô cơ. Tuy nhiên, một thời gian khi lượng hữu cơ bắt đầu tích lũy thì cây phát triển mạnh, cứng cáp và tự bản thân có sự kháng bệnh rất cao. Nhờ áp dụng quy trình sản xuất hữu cơ nên vườn phúc bồn tử cho năng suất rất ổn định.
Ông cho biết, khi mới trồng, vấn đề đầu ra của sản phẩm cũng khó khăn bởi đây là loại cây trồng mới, thị trường ít biết đến. Thế nhưng, hiện tại thông qua nhiều kênh phân phối: bán hàng online, bán ở showroom, khu trưng bày, và đi chào hàng ở một số đơn vị siêu thị đã giúp sản phẩm trái phúc bồn tử đen của gia đình ông bán rất chạy.
Mỗi ngày 2 sào của vợ chồng ông Hội cho thu hoạch khoảng 10 kg trái phúc bồn tử đen với giá bán cho khách du lịch là 400.000 đồng/kg, bán ở các siêu thị là 250.000 đồng/kg. Trừ tất cả chi phí phân tro gia đình ông thu về 45 triệu đồng/tháng.
Vấn đề của ông bây giờ là làm sao để có sản phẩm phúc bồn tử đen chất lượng nhất, trái chín đều, không bị dập nát khi đến tay người tiêu dùng. Bên cạnh đó, gia đình cũng đã chế biến quả phúc bồn tử thành nước cốt và rượu nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, tạo ra sản phẩm đặc sản của địa phương.
Từ thành công của mô hình cây dâu phúc bồn tử đen, gia đình ông Nguyễn Xuân Hội đang chuẩn bị trồng thêm 2 sào diện tích cây dâu phúc bồn tử đỏ. Trong thời gian tới, ông cũng phát triển theo hướng hữu cơ, tiếp theo là quản lý sản phẩm bằng tem truy xuất nguồn gốc, bởi theo ông, khi thực hiện được các bước này, sản phẩm phúc bồn tử sạch sẽ không bị trà trộn với các sản phẩm khác ngoài thị trường, giá bán cũng cao hơn.
Không chỉ người sản xuất được lợi trong việc dán tem điện tử bằng mã QR mà còn là cơ hội để người tiêu dùng được sử dụng nông sản có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.
“Mỗi khi khách mua hàng họ chỉ cần dùng điện thoại thông minh để quét mã QR là biết được nguồn gốc, xuất xứ của từng sản phẩm như: Tên sản phẩm, nơi sản xuất, thời gian sử dụng, ngày sản xuất…Những thông tin này giúp khách hàng yên tâm, tin tưởng tuyệt đối về những sản phẩm của mình trên thị trường”, ông Hội cho hay.
Ông Trần Xuân Thu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trạm Hành cho biết, cây dâu phúc bồn tử đen – một cây trồng được coi là khá mới lạ đối với TP Đà Lạt. Thực tế, mô hình trồng cây dâu phúc bồn tử đen là một trong những mô hình đầu tiên được triển khai tại xã Trạm Hành. Hiệu quả kinh tế ban đầu từ mô hình này đang là cơ sở giúp các nông hộ trên địa bàn học tập, nhân rộng, nhằm nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.
Theo Hoàng Yên (Báo Lâm Đồng)