Bỏ thành phố và công việc lương cao, thiếu gia Trung Quốc về quê xây dựng “cuộc sống lý tưởng”: Tự cung tự cấp từ xà phòng đến quần áo, hạnh phúc vì ở gần thiên nhiên!
Trên con đường đất hẹp còn thấm đẫm sương sớm ở một khu vực hẻo lánh tại Phúc Kiến (Trung Quốc), Tang Guanhua len lỏi qua những bụi cây dày đặc. “Khi chúng tôi mới tới, ở đây không có đường, chẳng có gì hết. Cây cối rậm rạp nên chúng tôi phải tự phát quang và làm đường”, người đàn ông 30 tuổi cho biết.
Tiếng gà gáy và xe cộ qua lại từ ngôi làng gần đó bé dần đi theo từng bước chân trên con đường phủ đầy cỏ xanh. Tang Guanhua dừng lại và ngắm nhìn những ngọn đồi thoai thoải trồng đầy hoa dại màu tím, dương xỉ và đỗ quyên. Từ trên núi, màn sương “chảy” dần về các thung lũng – nơi chim ca đang hát líu lo trên các ngọn cây đang rụng lá. Phải rất tinh ý mới có thể nhận ra được sự hiện diện của con người nơi đây.
“Đây chính là vùng đất của chúng tôi”, Tang giới thiệu.
Chán thành thị ngột ngạt, người trẻ bỏ về quê
Tang Guanhua và người vợ Xing Zhen đã bắt đầu sinh sống ẩn dật tại vùng núi thuộc huyện Mân Hầu, tỉnh Phúc Kiến này từ năm 2015. Nơi đây cách thủ phủ Phúc Châu khoảng 2 tiếng lái xe. Vợ chồng họ cùng nhiều người có chung chí hướng khác, hầu hết đều ở độ tuổi 30, đã quay lưng lại với cuộc sống thành thị phồn hoa để thành lập nên “Một Cộng Đồng Khác”.
Nhóm của Tang gồm khoảng 10 người, nhưng không phải ai cũng ở đây toàn bộ thời gian vì còn phải đi làm. Từ người thiết kế sách thiếu nhi, chuyên gia sức khỏe cho tới nhà làm phim, chuyên gia an ninh, các thành viên ở đây đều đã quá chán nản với sự bí bách, đơn điệu của thành thị.
Cộng đồng này hy vọng sẽ tập hợp được khoảng 30 cư dân vào cuối năm 2020, tăng lên 150 người vào năm 2030 và 300 người vào năm 2036. “Trong tương lai, nếu có đủ người, chúng tôi có thể tự mình làm mọi thứ”, Xing cho biết.
Việc thành lập “Một Cộng Đồng Khác” không mang động cơ chính trị. Thay vì khoe khoang công việc hay chụp ảnh đồ ăn trong nhà hàng sang chảnh, vợ chồng Tang và các thành viên khác muốn sống hòa hợp với thiên nhiên, tránh xa những áp lực và kỳ vọng xã hội, tự cung tự cấp từ điện, đồ ăn cho đến quần áo, xà phòng.
Dù mục tiêu là “để năng lượng tự nhiên chảy và trở về với thiên nhiên”, họ không thù ghét đô thị. “Chúng tôi chỉ muốn cho xã hội thấy có rất nhiều cách sống giúp con người gìn giữ nhân phẩm“, Tang giải thích.
Wang Hailong (34 tuổi) từng làm quản lý tại một trường tiểu học tư thục ở Bắc Kinh. Anh sống hạnh phúc bên gia đình trong một căn nhà tuy nhỏ nhưng tiện nghi và dành thời gian với bạn bè vào cuối tuần. Tuy nhiên, Wang vẫn cảm thấy không thỏa mãn trong lòng.
Sau chuyến du lịch tới, anh nhận thấy những người dân du mục sống ở đây tuy nghèo nhưng trông rất bình yên. Vì thế, anh rất hứng thú khi biết tới cộng đồng tự cung tự cấp mà Tang đang xây dựng.
“Lúc đó tôi không biết cộng đồng này sẽ ra sao”, Wang nhớ lại. Thế nhưng, sau 4 năm bỏ Bắc Kinh về Phúc Kiến, anh đã trở thành trụ cột của “Một Cộng Đồng Khác”. “Ở thành phố, bạn luôn so sánh bản thân với người khác, với những thứ họ có. Điều đó khiến bạn lo âu mỗi ngày“.
Bỏ công việc và nhà cửa ở Bắc Kinh, Wang cảm thấy nhẹ nhõm hơn. “Ở đây, kể cả bạn có tiền thì cũng chẳng có chỗ để tiêu. Trong bộ quần áo thời thượng và cặp kính gọng đen, Wang trông giống một anh chàng thành phố. Tuy nhiên, anh cày ruộng thành thạo không kém những người nông dân.
Tự cung tự cấp mọi thứ từ đồ ăn đến… quần áo
Cộng đồng này sinh sống trên một mảnh đất rộng 202 héc-ta – gần gấp 3 lần Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh và được tài trợ bởi Quỹ Zhenro, đơn vị chuyên hỗ trợ các dự án sáng tạo giúp tiết kiệm tài nguyên môi trường. Đây là tổ chức duy nhất đồng ý giúp đỡ Tang.
Mọi quyết định về việc sử dụng đất, chọn cây trồng, tiêu thụ điện nước đều được quyết định thông qua thảo luận và ý kiến của từng thành viên. “Một Cộng Đồng Khác” không có người lãnh đạo mà tự phân chia công việc cho nhau. Trong đó, Wang là người phụ trách trồng trọt.
Hồi còn sống ở Bắc Kinh, Wang từng trồng rau thơm trong những chậu nhỏ; bây giờ, anh trồng cà rốt, khoai tây, đậu và ngô. Anh phải tính toán quy mô, theo dõi thời tiết, đánh giá độ màu mỡ của đất và tìm cây trồng thích hợp. Không ai trong số họ có kinh nghiệm trồng trọt nên Wang tự học về nông, lâm nghiệp tại trường đại học địa phương.
Những người khác đăng ký các khóa học tự cung tự cấp như nông nghiệp, may vá và điện. Theo Xing, việc khó nhất là sản xuất quần áo, bởi họ phải tự trồng cây, quay sợi, dệt vải và may thành đồ mặc được. Để làm ra một chiếc áo sơ mi phải mất 2 tuần, đó là chưa tính thời gian trồng và thu hoạch sợi.
Bữa ăn cũng là một vấn đề cho thấy họ còn phải phấn đấu rất nhiều. Những người trong cộng đồng này vẫn mua thịt và gia vị tại cửa hàng bằng tiền tiết kiệm hoặc tài trợ, còn gạo thì mua ở một nông trại hữu cơ gần đó. Dù vậy, họ chẳng nản lòng vì biết đây là một dự án lâu dài. Việc trở về thiên nhiên sau nhiều năm sống trong 4 bức tường chắc chắn sẽ mất thời gian.
Mỗi ngày, Tang và các thành viên khác đều nỗ lực hòa mình với thiên nhiên. Họ tự làm ra xà phòng, quần áo và tua-bin gió, cũng như lắp đặt pin mặt trời. Thỉnh thoảng, họ sẽ dùng xe đạp để sản xuất điện.
Cuộc sống tự do không ràng buộc
Cha của Tang – ông Tang Lin – là một nhà tư vấn giàu có, chuyên giúp các ông chủ kiếm được nhiều tiền hơn. Ông dạy con cách “suy nghĩ độc lập” và không ủng hộ lối giáo dục truyền thống. “Tôi cũng nghĩ vậy. Trường học giúp bạn có công ăn việc làm, nhưng đi làm cũng chỉ để kiếm tiền thôi”. Vì thế, Tang Guanhua đã bỏ học ở tuổi 15 để tự kinh doanh.
Cha muốn Tang trở thành doanh nhân thành đạt như ông, nhưng anh từ chối. Anh từ bỏ công việc thiết kế quảng cáo với thu nhập 100.000 tệ/năm để theo đuổi ước mơ “thay đổi thế giới, bảo vệ môi trường”. Kết hôn với Tang năm 2012, Xing cũng bị thuyết phục bởi lối sống “trở về với thiên nhiên” của chồng. Cô bỏ hẳn công việc văn phòng nhàm chán và theo anh đến Phúc Kiến bắt đầu một cuộc sống tuy khổ cực nhưng thoải mái tinh thần.
“Bạn bè đổ lỗi rằng tôi không giáo dục Guanhua đúng cách, không cho thằng bé đi học đại học,” ông Tang Lin nói. “Mọi người đều bảo rằng tôi đã hủy hoại tương lai con mình, nhưng tôi nghĩ thằng bé đang theo đuổi thứ khiến nó hạnh phúc“.
Trước đây, Tang Guanhua từng sống tách biệt một mình trên Lao Sơn và gặp rất nhiều khó khăn. “Có rất nhiều điều phải học hỏi và chúng tôi nhận ra mình không thể làm được nếu thiếu sự trợ giúp”, anh cho biết. “Bạn sẽ cần đến một cộng đồng”.
Ở đó, anh đã nuôi 6 chú gà. Mỗi sáng, “chúng chỉ muốn được tự do, vượt qua mọi hàng rào đang vây hãm”. Đến tối, chúng lại hạnh phúc khi trở về chuồng. Tang tin rằng điều quan trọng nhất đối với chúng là được tự mình quyết định những chuyện đó.
“Tôi nghĩ đấy là bản chất của mọi sinh vật trên đời”, Tang kết luận.
Tham khảo SCMP – Theo Ngọc Hà – Theo Trí thức trẻ