Vụ án Lệ Chi Viên được coi là một trong những vụ án bí ẩn nhất trong lịch sử. Vì đâu mà một công thần tài danh đức độ bậc nhất lịch sử như Nguyễn Trãi lại phải chịu thảm cảnh tru di ba đời như vậy?
Theo sử sách, ngày 4/8/1442, vua về Lệ Chi (nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh). Cùng đi với Vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi, khi ấy đã vào tuổi 40, rất được nhà vua yêu quý vì sắc đẹp, văn hay. Tại Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ, rồi băng hà.
Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Nguyễn Trãi và gia đình bị án tru di tam tộc và bị giết ít lâu sau đó. Đến năm 1464, vua Lê Thánh Tông đã rửa oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán Trù bá và bổ dụng người con còn sống sót của ông là Nguyễn Anh Vũ. Tuy nhiên với bà Nguyễn Thị Lộ thì không có thông tin đính chính nào. Có rất nhiều giả thuyết đưa ra giải thích về sự kiện này, tuy vậy nó vẫn chỉ là giả thuyết, chỉ mang tính suy đoán chứ không có đủ bằng chứng và cơ sở vững vàng.
Dưới góc độ tâm linh, theo thuyết nhân quả của nhà Phật thì mọi sự việc xảy ra trên đời đều có nguyên nhân. Trong sử sách cũ còn ghi chép lại một câu chuyện như sau ( và cũng có nhiều dị bản) nhưng nhìn chung lại, Nguyễn Trãi bị án tru di tam tộc là kết quả của một cuộc báo oán xảy ra từ đời trước.
Câu chuyện như sau:
Ông nội của Nguyễn Trãi vốn là một thầy đồ. Ông mở trường dạy học trong làng. Ông thấy một đám đất ở gò con Rùa là khu đất rất đẹp về phong thuỷ, ông xin làng dựng một ngôi nhà làm nơi để dạy học trò. Được làng cho phép, ông kêu đám học trò nghỉ học vài ngày để dọn đám đất bên gò Rùa.
Nhưng không may, gò đất đẹp đó là nơi ở của một con Rắn tinh, nó đã mang thai và sinh ra được 3 con rắn con. Con rắn này đã ở đó ngót một trăm năm và sắp thành xà tinh đi mây về gió. Biết được ông đồ sắp mở trường dạy học, phá nơi ở của mình, một đêm nọ nó báo mộng cho ông. Khi ông đồ đang ngủ mơ màng thì chợt thấy người đàn bà vẻ mặt rất tức giận tới quát: “Ta nào có thù oán gì với nhà ông mà định phá nhà của ta. Muốn yên ổn thì đừng có động đến, nếu không thì không ăn ngon ngủ yên được với ta đâu”.
Ông đồ tỉnh giấc, không hiểu là chuyện gì. Chợt nhớ hôm nay là ngày học trò khai hoang đám đất nên ông cho rằng có thể ma quỷ gì tới phá đám. Ông toan báo đám học trò tạm dừng lại, nhưng rồi ông lại nghĩ bận tâm chi đến giấc mộng mơ hồ. Nên vẫn bảo đám học trò phát cỏ.
Đến đêm hôm sau, người đàn bà kia lại quay trở lại, nhưng lần này thì không còn sừng sộ tức giận như lần trước, mà khẩn khoản cầu xin: “Xin nhà thầy hoãn cho tôi vài bữa, để con tôi cứng cáp rồi tôi sẽ dọn đi nơi khác”. Ở trong mơ thấy người đàn bà đáng thương năn nỉ, ông đồ đã nhận lời.
Nhưng khi tỉnh dậy, ông lại không hiểu là chuyện gì xảy ra. Ông chạy ra gò đất xem tình hình thế nào, thì đám học trò nói: “Thưa thầy, vừa nãy chúng con gặp một ổ rắn, có một con rắn rất lớn, chúng con mới chém làm nó bị thương ở đuôi, nó đã chạy mất. Còn ba con rắn con chúng con đã đánh chết cả”.
Giờ ông đồ mới hiểu ra, ông ân hận: “Đúng là người đàn bà ở trong lốt rắn đã đến cầu cứu ta. Nhưng ta đã không kịp cứu mẹ con nó như ta đã hứa”.
Lại nói đến con rắn mẹ. Sau khi đàn con bị chết, thân thể bị thương tật, việc thành xà tinh của nó cũng bị ngăn trở. Nó thống khổ và oán hận ông đồ. Luôn tìm cơ hội trả thù. Một lần ông đồ đang đọc sách trong ngôi nhà mới dựng, con rắn đã lẻn vào toan cắn chết ông. Nhưng số chưa tận, ông nhìn thấy vội hô hoán người nhà ra đuổi rắn. Con rắn chỉ kịp nhỏ vào trang sách của ông một giọt máu, thấm tới tờ thứ ba và có hình như cây gia phả. Ông đồ thở dài lầm bẩm: “Chắc nó sẽ báo oán đến đời con cháu ta chứ không sai”.
Mấy chục năm sau, con rắn đã thành xà tinh. Nó chưa bao giờ quên món nợ với ông đồ. Khi nhân duyên chín muồi, con rắn đã chuyển sinh và đầu thai thành một bé gái ở nhà của một người thầy thuốc. Sinh ra đã có tư chất rất thông minh. Khi lớn lên vô cùng xinh đẹp và tài giỏi. Nàng tên là Nguyễn Thị Lộ, người vợ lẽ tài hoa xinh đẹp của Nguyễn Trãi. Việc gia tộc nhà Nguyễn Trãi bị tru di ba đời bởi bà Nguyễn Thị Lộ được lý giải chính bởi mối nhân duyên này.
Có câu chuyện khác nói rằng sự việc con rắn trên xảy ra vào thời cha của Nguyễn Trãi chứ không phải thời ông nội. Tuy vậy dù sao thì tương đối thống nhất về tình huống.
Về truyền thuyết này, sử sách ghi chép rất mơ hồ. Sử thần Phan Huy Chú viết trong cuốn Bách Khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam – Lịch Chiều Hiến Chương Loại Chí như sau:
Trang 233 chép: “Con rắn thành tinh ngầm mang thù oán, mới đầu thai thành Thị Lộ. Nàng sinh ra dưới sườn có vảy…”
Trang 234 ghi: “Năm Nhâm Tuất (1442), ông (Nguyễn Trãi) 63 tuổi, vì có vợ tên là Nguyễn Thị Lộ vào hầu vua, dùng chất độc giết vua, triều đình kết án phải giết ba họ… Ông có văn chương mưu lược… làm công thần mở nước thứ nhất. Về già muốn an nhàn, không có ý tham luyến (địa vị), chỉ vì nghiệp báo của yêu nữ cuối cùng lụy đường công danh, bấy giờ ai cũng thương tiếc…”
Giáo lý nhà Phật cho rằng, mọi chuyện trên đời đều không hề ngẫu nhiên, tự nhiên có quy luật của nó, và việc nó vận hành ra sao thì con người với khả năng vô cùng có giới hạn nên không thể nhìn thấu được hết thảy. Chính vì vậy nhiều sự việc xảy ra, nếu chỉ dựa vào bằng chứng mắt thấy tai nghe thì không thể giải khai ra được những cái nút thắt trong những sự việc phức tạp đó.
Theo cách lý giải này. Chính vì nỗi thống khổ mà sinh linh này phải chịu đựng trong những năm tháng dài đằng đẵng, nỗi thống khổ đó đã tạo thành nghiệp tích tụ lên gia đình ông đồ. Và số phận đã an bài và sắp xếp để những ân oán được kết thúc. Âu đây cũng là một sự lý giải hợp lý và từ bi, rốt cuộc lỗi cũng không hẳn do ai cũng không cần phải phán xét.
Cũng chính vì oan nghiệp gây nên, cho nên sinh mệnh cứ chìm trong bể khổ của luân hồi, dường như không có hồi kết. Muốn thoát khỏi những thống khổ này, chỉ có thể hành thiện tích đức chờ thời cơ gặp chính Pháp khai truyền mới có cơ duyên tu luyện, thấu hiểu quy luật của vũ trụ, phản bổn quy chân, nhảy thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử. Đồng thời với đó là kết thúc mọi ân oán, cấp phúc báo cho chúng sinh, thọ ích cho vạn vật trở thành một sinh mệnh từ bi vĩ đại, trí huệ phi phàm.
ĐKN