Tư chất bẩm sinh là thứ khó thay đổi, nếu trót sinh ra là một cá nhân bình thường, dân văn phòng phải biết vượt qua nghịch cảnh để trở thành người xuất chúng. Tuy nhiên, xuất chúng chưa chắc sẽ thành công!
Môi trường công sở vốn cạnh tranh cao, do đó, ai sống trong chốn này đều mong muốn mình nổi bật, hoặc là tài giỏi xuất chúng hoặc là thông tuệ hơn người. Bởi chỉ có trở thành nhân tố nổi bật, mỗi cá nhân mới có thể dễ dàng chạm tới thành công, được sếp trân trọng, đồng nghiệp nể nang.
Tuy nhiên, muốn thì muốn như vậy nhưng tư chất của mỗi người sinh ra đã là như thế, làm cách nào để thay đổi? Câu chuyện dưới đây hy vọng có thể giúp dân công sở đang ở trong cảnh “thường thường bậc trung” giải đáp câu hỏi này.
Chuyện kể rằng có một chàng thanh niên bình thường đến cầu kiến một vị trí giả: “Tôi muốn trở thành một người xuất chúng, ngài có cách nào không?”.
Vị trí giả nghe xong không vội trả lời, ông im lặng đưa chàng thanh niên tới một lò rèn gần đó, chỉ tay vào đống phôi sắt thô và nói: “Cậu thấy đó, đống sắt thô, vụn này cũng giống như cậu vậy, chúng rất bình thường chẳng có gì quý giá”.
Nói rồi, vị trí giả liền nhặt lấy một phôi sắt trong số đó đưa cho bác thợ rèn và yêu cầu: “Ông hãy làm cho tôi một thanh đoản đao”.
Ngay lập tức, bác thợ rèn nung phôi sắt, dùng búa đập mỏng khi phôi sắc đã nóng đỏ và mềm, sau đó ông ngâm vào nước lạnh,… cứ thế vài lần, chẳng mấy chốc, cái phôi sắt ban đầu đã trở thành một thanh đoản đao hoàn hảo và sắc bén.
Vị trí giả liền nhận thanh đao từ bác thợ rèn, đưa cho chàng thanh niên rồi ung dung nói: “Xem xong cậu đã hiểu ra gì chưa? Muốn xuất chúng, hơn người, cậu phải nỗ lực trui rèn mình và chấp nhận đương đầu vượt qua hoạn nạn, nghịch cảnh giống phôi sắt trong lò lửa hay khi bị đập mỏng vậy”.
Nghe xong, chàng thanh niên như mở cờ trong bụng, anh ta cảm ơn lời khuyên của vị trí giả rồi vội rời đi mà không cần nghe cho hết những lời ngài vẫn còn muốn truyền tải.
Chẳng bao lâu sau, chàng thanh niên làm theo lời vị trí giả, nỗ lực rèn luyện mình, phấn đấu vượt qua biết bao nhiêu gian lao, thử thách để trở thành một bậc nhân tài xuất chúng lúc bấy giờ. Tiếc thay, dù tài năng nhưng chàng ta mãi vẫn không gặt hái được bất kỳ thành tựu gì, trái lại còn bị người đời ghen ghét, đố kỵ, chẳng có gì gọi là trân trọng.
Thế là chàng thanh niên quay lại gặp bậc trí giả, anh ta buồn bã nói: “Tôi đã trở thành một thanh đao sắc bén nhưng tại sao lại bị người khác gây trở ngại như thế? Tôi tưởng xã hội này trân trọng người tài cơ mà”.
Vị trí giả vuốt râu, mỉm cười rồi tiếp tục dẫn chàng thanh niên ra bờ suối. Ngài chỉ tay vào những hòn đá dưới suối rồi nói: “Cậu nhìn xem, giữa hàng trăm viên đá tròn trịa thì vài viên đá góc cạnh, sắc bén lại bị dòng nước đẩy mạnh hơn”.
Thấy người thanh niên có vẻ chưa hiểu, ngài tiếp tục nói: “Cuộc đời đôi khi cũng giống như con suối này vậy, nổi trội hơn người chưa chắc đã là việc tốt nếu không biết nương theo dòng nước. Cậu càng phô diễn sự sắc bén của mình thì sớm muộn cũng bị dòng nước cuốn trôi. Do đó, bên cạnh việc rèn luyện tài năng cậu còn cần phải tu dưỡng đạo đức. Khiêm nhường hơn, cẩn thận hơn, khéo léo hơn và chân thành hơn với mọi người xung quanh”.
Thật vậy, câu chuyện trên đã diễn giải cho chúng ta mà đặc biệt là dân công sở hai bài học với hai thông điệp sâu sắc:
Bài học thứ 1: Muốn trở thành bậc anh tài trong công ty được sếp quý trọng, đồng nghiệp nể nang, dân công sở phải biết rèn luyện mình. Tư chất bẩm sinh là thứ khó thay đổi, nếu trót sinh ra là một cá nhân bình thường thì phải nỗ lực hết sức mình bằng cách dám đương đầu với thử thách trong công việc, khi thất bại tuyệt đối không được chán nản mà hãy ngẩng mặt lên tiếp tục tiến về phía trước. Đồng thời còn phải biết học hỏi mọi người xung quanh, tích cực góp nhặt kiến thức bổ ích để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp.
Bài học thứ 2: Môi trường công sở thực chất cũng như cuộc đời, đầy rẫy sự đố kỵ và thị phi không hồi kết. Do đó, khi trở thành một người tài, ai cũng khó tránh khỏi việc bản thân mình trở thành cái gai trong mắt đồng nghiệp xung quanh. Từ đố kỵ, ghen ghét, họ có thể hãm hại và tìm mọi cách ngăn cản con đường thăng tiến của mình.
Vậy nên, tốt nhất là trong quá trình rèn luyện bản thân để trở nên tài giỏi hơn, dân công sở còn phải biết tu dưỡng đạo đức. Xem đạo đức làm trọng trong việc đối đãi với mọi người xung quanh. Không cho phép mình ngạo mạn, tự cao tự đại và phô diễn thể hiện tài năng, trái lại, hãy biết khiêm nhường, tôn trọng và chân thành.
(Tổng hợp) Theo Old Fashioned – Helino