Công ty Cricket One chuyển giao công nghệ nuôi dế mèn bằng lá sắn cho nông dân, giúp họ đạt thu nhập cao hơn hẳn các mô hình nông nghiệp truyền thống và bao tiêu dế mèn để sản xuất bột protein.
Năm 2016, Đặng Cao Nam vô tình đọc một báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO). Trong báo cáo đó FAO đề cập tới các thách thức mà nhân loại đối mặt khi dân số thế giới đạt 9,5 tỷ người vào năm 2050, bao gồm an ninh lương thực và nạn đói.
FAO nhấn mạnh vai trò của dế mèn trong nỗ lực giải quyết các vấn đề lớn nhờ các đặc tính năng suất cao, tạo ra lượng khí thải nhỏ, đòi hỏi lượng thức ăn thấp. Ngay lúc đó, Nam đã nảy ra ý tưởng khởi nghiệp với dế mèn.
Phương pháp nuôi dế mèn bằng công nghệ tự động
Sau khi tham quan nhiều trại dế ở Việt Nam, chàng trai kết luận: Đất nước có đầy đủ điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng, con giống để nuôi và chế biến các sản phẩm từ dế – một ngành công nghiệp xanh của tương lai. Kết luận của Nam dẫn tới sự ra đời của Cricket One.
Mô hình trang trại nuôi dế mèn ở Việt Nam đã xuất hiện từ 20 năm trước nhưng vẫn chưa thể trở thành một ngành công nghiệp bởi quy mô nhỏ, sản lượng thấp và chưa tạo ra sản phẩm có giá trị cao.
Để khắc phục nhược điểm của những mô hình trước, Cricket One áp dụng phương pháp chăn nuôi dế mèn trong container cũ. Sau đó, họ chế biến dế để sản xuất protein cho người và thú nuôi.
Các container cũ được cách nhiệt và chia thành những ô nhỏ nuôi dế. Công ty mua các cảm biến theo dõi nhiệt độ, độ ẩm thông qua internet, và lắp hệ thống tự động điều khiển các thiết bị thông gió, đèn hồng ngoại (để sưởi ấm cho dế).
Với cách nuôi như thế, mỗi tháng công ty có thể thu hoạch 500 kg dế từ mỗi container. Sản lượng dế hàng năm trên mỗi hecta là 12 tấn, có giá trị trên 300 triệu VND. Đây là mức giá trị cao hơn nhiều so với các mô hình sản xuất nông nghiệp truyền thống.
Liên kết chặt chẽ với nông dân để nhân rộng quy mô
Dế ăn ngọn cây sắn và lá sắn. Quy trình chế biến thức ăn cho dế rất đơn giản, nên chi phí nuôi chúng khá thấp. Cách nuôi của Cricket One còn giúp cho nhiều nông dân hưởng lợi từ việc chăm sóc dế và tiêu thụ thân cây sắn – thứ mà họ thường đốt sau khi thu hoạch sắn.
Cricket One phối hợp chặt chẽ với các trường đại học để chế biến thức ăn chuyên biệt cho dế từ các phụ phẩm nông nghiệp. Công ty hợp tác với nông dân từ khâu đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp vật tư chính và con giống tới bao tiêu sản phẩm.
“Hiện tại chúng tôi triển khai mô hình nuôi dế trên quy mô 200 m2, cho phép sản xuất 2-2.5 tấn dế mỗi tháng. Bột dế là chỉ sản phẩm đầu tiên. Chúng tôi sẽ đưa ra các sản phẩm thực phẩm công nghệ từ dế trong thời gian tới”, Nam nói.
Bột protein từ dế là dạng thực phẩm bổ sung đạm. Hiện tại công ty mới cung ứng bột protein dưới dạng nguyên liệu sản xuất cho các công ty thực phẩm sản xuất thanh năng lượng, mì ống, mì Nhật, bánh kẹp thịt, xúc xích.
“Dế có thể là thực phẩm tương lai của con người, vì nó giàu dinh dưỡng hơn, thân thiện môi trường hơn, và giúp nông dân giàu hơn”, Nam nhận định.
Hồi cuối tháng 10 năm ngoái, Cricket One là một trong 7 mô hình doanh nghiệp xã hội giành giải thưởng và gọi vốn thành công trong vòng chung kết Chương trình Doanh nhân Xã hội Trẻ (YSE) do Quỹ Quốc tế Singapore (SIF) tổ chức.
Hiện tại, Cricket One đang là chuỗi cung cấp dế lớn nhất thế giới và vừa dành được Quán quân Blue Venture Award 2019. Cricket One đã chính thức trở thành đại diện Việt Nam tiếp theo tham gia thi đấu tại cuộc thi The Venture 2020 – diễn ra vào tháng 6 tại Canada, để có cơ hội giành giải thưởng cao nhất trong tổng giải thưởng 1 triệu USD.
Luân Thường