Tại một sự kiện do Trung tâm Chính sách Châu Âu tổ chức, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nêu những lí do khiến nước này chưa thể được coi là “quốc gia phát triển”.
Trung Quốc vẫn là một quốc gia “đang phát triển”, và thật không công bằng khi so sánh một quốc gia chỉ mới phát triển trong vài thập kỷ với những quốc gia đã phát triển mạnh trong nhiều thế kỷ, hãng tin Tân Hoa Xã trích dẫn phát biểu hôm thứ 2 (16/12) của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị.
Cụ thể, phát biểu tại một sự kiện do Trung tâm Chính sách Châu Âu tổ chức, ông Vương cho biết trong những năm gần đây, do nền kinh tế của Trung Quốc phát triển nhanh chóng, một số quốc gia châu Âu liên cho rằng Trung Quốc đã gia nhập nhóm các nước phát triển, và bắt đầu đánh giá Trung Quốc theo các tiêu chuẩn tương ứng của nhóm này. Thậm chí một số quốc gia còn đòi hỏi những đặc quyền trong nhiều lĩnh vực.
“Tôi xin lấy ví dụ về cuộc chạy thi 100m”, ông Vương nói. “Một người xuất phát sớm đã chạy trước 50m lại đòi có cuộc đua công bằng với một đối thủ vẫn đang đứng trên vạch xuất phát. Rõ ràng yêu cầu đó chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng tất nhiên nếu đó là một cuộc đua marathon dài hơi, thì người đến muộn vẫn có cơ hội bắt kịp bằng cách chạy thật nhanh”.
Từ ví dụ trên, Ngoại trưởng Trung Quốc khẳng định rằng nước này vẫn là một quốc gia đang phát triển. Ông Vương lập luận rằng mặc dù nền kinh tế Trung Quốc hiện lớn thứ hai trên thế giới, nhưng GDP bình quân đầu người của nước này chỉ bằng 1/6 so với Mỹ, và bằng 1/4 so với Liên minh Châu Âu (EU).
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc còn trích dẫn nhiều số liệu khác về việc Trung Quốc vẫn xếp dưới vị trí thứ 80 trong bảng xếp hạng về Chỉ số Phát triển Con người; và cũng thua xa nhiều nước phát triển trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và giáo dục.
Ông Vương thừa nhận rằng sự phát triển thiếu cân bằng và nhiều bất cập vẫn là một thách thức lớn đối với Trung Quốc, trong khi quá trình công nghiệp hóa vẫn chưa hoàn thành. Do đó, ông này cho rằng việc so sánh Trung Quốc và các quốc gia đã phát triển trong nhiều thế kỷ là không công bằng.
Ngoài ra, trong bài phát biểu của mình, ông Vương cũng không quên nói về những thành tựu và đóng góp của Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực như tăng trưởng kinh tế toàn cầu, cam kết mở cửa, giảm phát thải và bảo vệ môi trường và hợp tác quốc tế, đồng thời nhấn mạnh rằng châu Âu và cộng đồng quốc tế nên “hoan nghênh và đánh giá cao” những thành tựu và đóng góp của nước này cho thế giới.
Mỹ bức xúc vì Trung Quốc mãi vẫn chưa được coi là nước phát triển
Hồi tháng 7 năm nay, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng gay gắt chỉ trích Trung Quốc trên Twitter cá nhân rằng nước này “dối lừa” để trục lợi từ các tổ chức quốc tế như tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) bằng cách giả nghèo giả khổ, và dọa sẽ can thiệp và thu hồi những quy chế đặc biệt mà Trung Quốc được hưởng dưới cái mác “quốc gia đang phát triển”.
Nhiều chính trị gia Mỹ cũng tỏ ra bất bình khi thấy Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới nhưng vẫn được hưởng đặc quyền của nhóm nước đang phát triển. Tới đầu tháng 12, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin lại một lần nữa đề cập đến vấn đề này trong quá trình trong quá trình soạn thảo dự luật ngăn WB cho Trung Quốc vay ưu đãi.
Cựu cố vấn thương mại của Nhà Trắng Clete Willems đã bình luận: “Những gì đang diễn ra, về cơ bản là Mỹ và các quốc gia khác đang gián tiếp góp vốn cho tham vọng ‘Vành đai và Con đường’ của Trung Quốc – một trong những bàn đạp giúp nước này đạt được các mục tiêu địa chính trị của mình”.
“Trung Quốc nói rằng họ muốn đứng ngang hàng với Mỹ trên thị trường kinh tế thế giới. Nếu họ muốn vậy, thì họ phải chấp nhận được đối xử giống như Mỹ. Họ không thể tiếp tục làm một quốc gia đang phát triển được nữa”, ông Willems nói.