Chuyên gia Mỹ nói mặc dù là cường quốc cả về kinh tế lẫn quân sự, Trung Quốc có nhiều điểm yếu, nhiều yếu tố dễ bị tổn thương.
Milton Ezrati, biên tập viên National Interest, cho rằng Trung Quốc ít có khả năng phục hồi được tốc độ tăng trưởng cao như trong vài thập kỷ qua. Cuộc chiến thương mại Mỹ -Trung đã làm phơi lộ sự phụ thuộc của Bắc Kinh vào xuất khẩu, một chính sách mang tính chiến lược vốn mang lại cho Trung Quốc thành công vượt bậc nhưng nay lại là điểm yếu chí mạng của nền kinh tế nước này.
Tệ hơn, chính sách “từ trên xuống” trong quản lý kinh tế ngày càng trở nên kém hiệu quả khi Trung Quốc đã bước qua một giai đoạn phát triển mới. Các vấn đề của Hong Kong đang làm tắc nghẽn nguồn đầu tư, trong khi về lâu dài, dân số ngày càng già của Trung Quốc sẽ cản trở tăng trưởng, gây ra các điểm nghẽn tài chính.
Cuộc chiến thương mại mà tổng thống Mỹ Donald Trump phát động còn làm lộ ra những điểm yếu cấp bách của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trung Quốc, vốn biến xuất khẩu thành động lực của tăng trưởng, đã đưa nền kinh tế của họ vào thế “phải trông chờ ân huệ” từ nước ngoài. Trước khi nổ ra cuộc chiến thương mại, Mỹ nhập khẩu ¼ số hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc. Trong khi doanh số xuất khẩu chiếm 20% GDP Trung Quốc, 5% GDP của nước này chịu rủi ro lớn trước cuộc chiến thương mại với Mỹ.
Trong khi đó, chỉ 12% GDP Mỹ phụ thuộc vào xuất khẩu, và xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ chiếm 8% trong số đó, nên chỉ 1% GDP của Mỹ chịu rủi ro trước Trung Quốc. Do vậy, dùng thuế để trả đũa nhau, Mỹ rõ ràng là chiếm thế thượng phong trước Trung Quốc.
Và vẫn còn đó “quả bom nổ chậm” trong xã hội Trung Quốc: dân số. Đây chính là một trong các yếu tố làm suy yếu tham vọng bá chủ của Bắc Kinh. Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc thi hành chính sách một con, với lo ngại dân số tăng nhanh gây sức ép về lương thực thực phẩm, nhu yếu phẩm, nhà cửa… Nhưng khi ít con, khi xã hội giàu có thêm, y tế phát triển khiến tuổi thọ trung bình tăng. Kết quả là ngày nay, Trung Quốc có lượng người về hưu ngày càng khổng lồ, trong khi số người trong độ tuổi lao động giảm đi.
Sức ép về dân số vẫn chưa thực sự lộ rõ, nhưng chắc chắn sẽ tới lúc đó và đây là điều không thể cưỡng lại. Theo các con số của LHQ, số người trong độ tuổi lao động ở Trung Quốc sẽ giảm từ mức 70% hiện nay xuống 60% vào năm 2030 và 57% vào năm 2040. Thiếu lao động sẽ hạn chế tăng trưởng, thiếu hụt nguồn thuế để nuôi những người về hưu ngày càng tăng lên về số lượng. Thay đổi chính sách một con đã được thực hiện, nhưng ít nhất cần mất 20 năm mới bắt đầu phát huy tác dụng, trong khi đó, bao nhiêu vấn đề khác đã tác động vào nền kinh tế, xã hội.
Theo Tiền phong