Chàng là Phạm Văn Duy Phương, quê Châu Phú, An Giang. Mặc dù có bằng kỹ sư xây dựng nhưng ước mơ cháy bỏng của chàng là làm nông nghiệp sạch. Và việc làm đầu tiên của chàng là bắt tay vào canh tác giống bắp nữ hoàng đỏ, một giống bắp khá mới lạ tại địa phương
Bắp nữ hoàng đỏ có thời gian trồng ngắn hơn so các loại bắp khác, khoảng 58 ngày là thu hoạch. Sở dĩ bắp nữ hoàng đỏ thu hút người tiêu dùng vì trái bắp có màu đỏ thẩm từ hạt đến lõi, rất khác so các loại bắp thông thường, thịt bắp rất dẻo, ngọt và thơm, đặc biệt loại bắp này có thể ăn ngay khi còn sống, không cần phải nấu chín.
Đây được xem là giống bắp khá đặc biệt, tuy nhiên vẫn chưa được trồng phổ biến tại địa phương, nên Duy Phương quyết định chọn bắp nữ hoàng đỏ để khởi đầu cho hành trình khởi nghiệp của bản thân.
Duy Phương cho biết: “Đến nay, tôi đã trồng và thu hoạch được 2 vụ bắp với năng suất khá cao. Quy trình canh tác cây bắp nữ hoàng đỏ đơn giản, quan trọng là phải làm tốt khâu cải tạo đất như: bón phân, dùng rơm che mát cho đất để tạo độ tơi xốp và hạn chế cỏ phát triển.
Không nên trồng bắp đỏ trên đất úng, có nguy cơ ngập nước trong mùa mưa, cần phân lô, rạch hàng, làm mương tưới hoặc tiêu nước để thoát úng. Khâu quan trọng tiếp theo là đắp đất vào gốc để giữ cho cây vững, bám đất, không đổ ngã. Nếu thực hiện tốt các bước ban đầu này thì cây bắp sẽ phát triển tốt”.
Bắt tay vào trồng bắp nữ hoàng đỏ, Duy Phương đặt mục tiêu phải tạo ra sản phẩm sạch để đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, trong suốt quá trình canh tác cây bắp từ khâu cải tạo đất cho đến quá trình chăm bón, phòng trừ sâu bệnh, Duy Phương đều dùng chế phẩm sinh học để đảm bảo an toàn cho sản phẩm.
Ngoài ra, để ngăn thuốc bảo vệ thực vật từ các ruộng lúa lân cận lây lan, Duy Phương còn trồng giàn khổ qua hoặc những cây cà chua xung quanh mảnh đất trồng bắp để che chắn, nhằm đảm bảo sản phẩm an toàn ngay cả khi dùng để ăn sống.
Duy Phương cho biết: “Nếu các loại bắp thông thường có giá từ 3.000-5.000 đồng/trái thì bắp nữ hoàng đỏ có giá cao gấp 3-4 lần.
Chính vì có giá thành cao nên khi thu mua, bạn hàng cũng phân loại rất kỹ càng. Thông thường, bắp nữ hoàng đỏ khi bán được chia thành 2 loại: loại 1 từ 270-350gr, có giá bán sỉ 12.000 đồng/trái, bán lẻ 20.000 đồng/trái; loại 2 từ 230-270gr, bán sỉ 9.000 đồng/trái, bán lẻ 15.000 đồng/trái. 2 vụ thu hoạch vừa qua, mỗi vụ sau khi trừ chi phí: hạt giống, phân bón, thuốc trừ sâu, tiền thuê nhân công… lợi nhuận tôi thu được hơn 10 triệu đồng/1.000m2”.
Hôm chúng tôi ghé thăm, ruộng bắp của Duy Phương đã được xuống giống vụ mới để chuẩn bị thu hoạch đúng vào dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020. Duy Phương cho biết: “Bắp thu hoạch vào dịp Tết không chỉ cung cấp cho bạn hàng, mà còn dùng để gói thành giỏ quà chưng Tết. Mùa Tết năm vừa rồi, tôi dùng bắp nữ hoàng đỏ gói thành giỏ quà bán với giá từ 120.000-350.000 đồng/giỏ, tùy vào số lượng bắp trong giỏ nhiều hay ít”.
Mặc dù bắp nữ hoàng đỏ mang lại giá trị kinh tế cao, nhưng Duy Phương vẫn đang cân nhắc đối với việc mở rộng diện tích. “Nếu muốn mở rộng diện tích trồng bắp phải kết nối được với doanh nghiệp phân phối để tạo đầu ra cho sản phẩm, có như vậy việc canh tác bắp nữ hoàng đỏ mới thành công. Do đó, thời gian tới, tôi sẽ tăng cường kết nối, tìm kiếm thêm các đầu ra cho sản phẩm, khi đó mở rộng diện tích mới đảm bảo sản xuất bền vững” – Duy Phương cho biết.
Sắc tố đỏ thẩm của bắp nữ hoàng đỏ là hợp chất hữu cơ có hoạt tính chống ô-xy hóa và kháng khuẩn, có tác dụng tốt đối với cơ thể. Do đó, để màu đỏ không bị phai, giảm dưỡng chất, người dùng không nên chế biến bắp nữ hoàng đỏ bằng cách luộc, chỉ nên hấp cách thủy, nướng hoặc ăn tươi, làm salad, sinh tố, súp…
Theo Mỹ Linh (Báo An Giang)