Gần đây, ở nước ta có nhiều dấu hiệu cho thấy văn hóa đọc đã được quan tâm hơn và có sự tiến triển nhất định. Đấy là tín hiệu đáng mừng. Nó cho thấy, sau một thời gian “ngủ quên” và mải mê với các giá trị vật chất ăn mặc ở, người Việt đã giật mình nhận ra giá trị đích thực của văn hóa đọc.
Văn hóa đọc ở Việt Nam – Bức tranh nhiều mảng màu sáng tối đan xen
Nhìn một cách tổng quát, tình hình văn hóa đọc ở Việt Nam hiện tại giống như một bức tranh có cả các mảng màu sáng và tối. Ở đây có cả những dấu hiệu thể hiện sự tiến bộ theo thời gian và cả những mặt hạn chế, những vấn đề đang đặt ra thách thức những ai quan tâm, muốn phát triển văn hóa đọc. Cần có một cuộc tổng điều tra chính thức trên toàn quốc về văn hóa đọc để có dữ liệu khách quan, khoa học phục vụ việc đề ra chính sách. Tuy nhiên, ở đây dựa trên các thông tin mà báo chí cung cấp và quan sát từ thực tế, chúng ta cũng có thể thấy một vài con số, thông tin về thực trạng của văn hóa đọc ở Việt Nam hiện nay.
Ở khía cạnh tích cực, chúng ta thấy số lượng đầu sách xuất bản ở Việt Nam trong vài thập kỉ gần đây tăng vượt bậc. Trong một bài viết đăng trên trang web của Thư viện quốc gia Việt Nam gần đây, tác giả Nguyễn Hữu Viêm cho biết, trước năm 1975 cả hai miền Nam Bắc xuất bản được khoảng 4000 đầu sách/năm nhưng hiện nay mỗi năm ngành xuất bản cho ra đời khoảng 25.000 tựa sách mới và tốc độ gia tăng đầu sách hàng năm là 10%. Cũng tác giả này cho biết, hệ thống thư viện công cộng đã phát triển mạnh trên toàn quốc với 64 thư viện tỉnh, 587 thư viện huyện và khoảng 10.000 thư viện và tủ sách cơ sở ở xã.
Các nhóm dân sự nằm trong phong trào sách hóa nông thôn do anh Nguyễn Quang Thạch khởi xướng, lãnh đạo và các câu lạc bộ, các nhóm yêu đọc sách khác như “Không gian đọc” trong nhiều năm qua đã hoạt động không mệt mỏi để phát triển các “Tủ sách dòng họ”, “Tủ sách gia đình”, “Tủ sách giáo xứ”, “Tủ sách trường học”… Gần đây, các nhóm còn phối hợp với các cơ quan có liên quan để đưa sách tới tận các trại giam phục vụ những người đang thụ án. Những kết quả mà phong trào sách hóa nông thôn đạt được đã được quốc tế ghi nhận với giải thưởng mang tên vua Sejong của UNESCO (1/9/2016).
Tuy nhiên, nhìn trên bình diện rộng cũng như phân tích sâu ta sẽ thấy, những thành tựu mà chúng ta có được từ văn hóa đọc còn rất nhỏ bé so với các vấn đề đặt ra.
Số lượng đầu sách tăng, hệ thống thư viện mở rộng, gia tăng về số lượng là điều tốt nhưng vấn đề đặt ra là số lượng độc giả có tăng và tỉ lệ người đọc sách trên tổng số dân số có tăng mạnh không? Những ai đã từng đến đọc sách ở các thư viện công lập ở các tỉnh, địa phương hẳn đều chứng kiến cảnh tượng “đìu hiu” ở đây. Lượng bạn đọc đến với các thư viện này không nhiều và hoạt động phát triển văn hóa đọc ở đây chưa sôi nổi. Số liệu thống kê năm 2016 cho biết tính trung bình ở Việt Nam mỗi người dân chỉ đọc khoảng 1 quyển sách/năm. Một con số nói lên rất nhiều vấn đề. Chúng ta có trên 90% dân số biết chữ mà chỉ có rất ít người đọc sách! Một nghịch lý rất đáng suy ngẫm.
Nếu chúng ta kĩ tính hơn khi so sánh văn hóa đọc ở đô thị với nông thôn, miền núi thì sẽ thấy vấn đề còn trầm trọng hơn nữa. Ở nông thôn, miền núi, chuyện người ta biết đọc nhưng sau khi nghỉ học cả đời không bao giờ cầm quyển sách không phải là chuyện hiếm.
Nhìn ra sinh hoạt xã hội chúng ta cũng thấy đọc sách chưa trở thành sinh hoạt tự nhiên thường ngày của người dân. Chúng ta hiếm nhìn thấy cảnh người dân đọc sách trong công viên, trên xe buýt, nhà ga hay ở các không gian công cộng, vui chơi giải trí khác. Sự hiện diện của tủ sách, giá sách trong các gia đình cũng không phổ biến bằng sự có mặt của các phương tiện nghe nhìn như tivi hay… tủ rượu.
Ngay chính trong trường học, nơi lẽ ra văn hóa đọc phải đóng vai trò thống soái thì sự hiện diện của văn hóa đọc ở đây cũng rơi vào tình trạng cầm chừng. Ngoại trừ những trường đặc biệt, đa phần các trường học chưa khuyến khích được học sinh và giáo viên đọc sách vì lối dạy và học lệ thuộc và sách giáo khoa, thi cử đã làm triệt tiêu động lực đọc sách. Giáo viên không đọc sách – một nghịch lý khó chấp nhận trên thực tế đang tồn tại. Không ít giáo viên quanh năm không đọc gì ngoài các cuốn sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ luyện thi hay thiết kế bài giảng.
Ở vĩ mô, Việt Nam vẫn chưa có một bộ luật phát triển văn hóa đọc làm cơ sở pháp lý và nền tảng cho tất cả các hoạt động khác có liên quan. Chính điều này là một hạn chế cản trở sự phối hợp giữa các hoạt động của nhà nước và những tổ chức quần chúng phát triển văn hóa đọc.
Phải làm gì để phát triển văn hóa đọc?
Để khắc phục tình trạng yếu kếm nói trên và phát triển mạnh văn hóa đọc ở cả chiều rộng lẫn bề sâu thì cần đến cả chính sách vĩ mô lẫn vi mô. Nó cũng cần đến sự cố gắng của cả nhà nước và các công dân cũng như các tổ chức tập hợp họ.
Ở tầm vĩ mô, nhà nước cần phải sớm có bộ luật phát triển văn hóa đọc để tạo cơ sở pháp lý cũng như ràng buộc nghĩa vụ, trách nhiệm của các bên có liên quan trong phát triển văn hóa đọc. Chẳng hạn luật này sẽ quy định rõ chính quyền địa phương các cấp phải quan tâm thích đáng đến văn hóa đọc bằng cách dành ngân sách cho phát triển văn hóa đọc và có các kế hoạch chính sách cụ thể đối với văn hóa đọc trong chính sách chiến lược phát triển địa phương. Các địa phương cũng phải có nghĩa vụ phải hợp tác và trợ giúp các tổ chức, cá nhân muốn phát triển văn hóa đọc. Đạo luật này một khi ra đời cũng sẽ có tác dụng làm thay đổi tư duy đối với văn hóa học của các cán bộ, công chức từ trung ương tới địa phương.
Các bộ ngành có liên quan phải cơ cấu, sắp xếp lại hệ thống thư viện công và đặc biệt là phải đổi mới tư duy về vai trò, phương thức hoạt động của nó để biến thư viện thành trung tâm sinh hoạt văn hóa hấp dẫn, đa dạng thay vì cách thức phục vụ cứng nhắc nặng tính hành chính hiện thời.
Trường học sẽ là nơi thể hiện rõ nhất chức năng, sức mạnh của văn hóa đọc vì thế cùng với đẩy mạnh cải cách giáo dục hướng đến nền giáo dục hiện đại, tôn trọng tự do học thuật và nhu cầu truy tìm chân lý, các trường học cần coi việc xây dựng văn hóa đọc là công việc quan trọng đầu tiên để hình thành sinh hoạt trường học.
Đối với những người làm công tác phát triển văn hóa đọc như cán bộ văn hóa, thủ thư, giáo viên, những người say mê văn hóa đọc… cần phải tích cực và chủ động mở rộng phạm vi hoạt động của mình, tận dụng mọi cơ hội về không gian và thời gian để biến hoạt động đọc sách thành sinh hoạt thường ngày của bản thân, của cộng đồng nơi mình thuộc về.
Sự chuyển dịch của văn hóa đọc theo hướng tích cực và bền vững sẽ phải là sự chuyển dịch của chủ thể đọc. Nếu như trước kia chỉ có một nhóm nhỏ thuộc giới “tinh hoa” đọc thì giờ phải biến đại chúng thành chủ thể của việc đọc sách. Muốn vậy, phải đưa sách lại gần đại chúng thông qua thể tài, nội dung sách và gia tăng các cơ hội cho đại chúng đọc sách. Chẳng hạn như nên tặng sách cho người thân, thầy cô, bạn bè trong những ngày lễ, Tết thay cho hoa và các món quà khác. Đây là một cách thiết thực để khuyến khích người khác đọc sách và lan tỏa các giá trị mà nội dung cuốn sách đem lại.
Nhà nước và người dân cũng cần tận dụng tối đa các không gian công cộng để xác lập sự tồn tại của sách và văn hóa đọc. Chẳng hạn các quán nước, quán cà phê, quán ăn, bệnh viện, phòng khám, thẩm mĩ viện… có thể đặt thêm giá sách để cho khác đọc “giết thời gian” khi phải chờ. Ở Nhật Bản người Nhật làm điều này rất tốt. Đọc sách lúc rỗi rãi hay cần giết thời gian khi chờ đợi sẽ là một cơ hội tốt để dẫn dắt người dân vào văn hóa đọc và hình thành thói quen đọc sách.
Nguyễn Quốc Vương