Trong suốt nhiều thập kỷ, General Electric vẫn được coi là nơi ươm mầm các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Nhưng trong kỷ nguyên của các ông lớn công nghệ, Amazon đang nổi lên là lò đào tạo các CEO và doanh nhân khởi nghiệp.
Latchel Inc. là một startup mới chỉ 3 năm tuổi với 20 nhân viên, có trụ sở ở Seattle và cung cấp dịch vụ sửa chữa bảo trì nhà cửa. Latchel có một điểm chung với người hàng xóm Amazon: Danh sách 14 quy tắc lãnh đạo của công ty có nhiều điểm giống hệt với quy tắc của gã khổng lồ thương mại điện tử.
Đó không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Will Gordon, nhà đồng sáng lập của Latchel, đã có gần 3 năm làm việc tại Amazon. Và giống như nhiều cựu lãnh đạo của Amazon, Gordon vẫn mang đậm phong cách quản lý của công ty cũ, ví dụ như những quy tắc “bị ám ảnh bởi khách hàng” và “thiên kiến hành động”. Gordon cũng là một phần trong mạng lưới các cựu nhân viên Amazon đang góp phần lan tỏa những triết lý kinh doanh của Jeff Bezos trong cộng đồng doanh nghiệp.
Trong suốt nhiều thập kỷ, General Electric vẫn được coi là nơi ươm mầm các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ. Những người đã thăng tiến ở GE trong những ngày huy hoàng và “tốt nghiệp” từ chương trình đào tạo quản lý khắt khe của hãng sau này trở thành những người lãnh đạo các ông lớn khác như Home Depot và 3M.
Nhưng trong kỷ nguyên của các ông lớn công nghệ, Amazon đang nổi lên là lò đào tạo các CEO và doanh nhân khởi nghiệp. Nét đặc biệt nhất của Amazon chính là tinh thần khởi nghiệp vượt trội, luôn khuyến khích nhân viên tìm tòi sáng tạo và thách thức những cách làm thông thường.
Tuy nhiên cũng có 1 điều mà các cựu nhân viên Amazon bỏ lại phía sau: Sự khắc nghiệt trong văn hóa của Amazon, ví dụ như khi tuyển dụng sẽ ưu tiên kỹ năng cá nhân hơn là khả năng làm việc nhóm.
Amazon không coi trọng khả năng kết nối xã hội của ứng viên, mà chú trọng đến các phẩm chất khác nhiều hơn là khả năng phối hợp với đồng nghiệp. Ban đầu Gordon cũng suy nghĩ như vậy, nhưng nhanh chóng phát hiện ra rằng đó là 1 sai lầm lớn. Anh đã phải sa thải 1 nhân viên rất có năng lực nhưng không thể làm việc nhóm. “Chúng tôi cần đến khả năng kết nối xã hội bởi vì đây là 1 startup”.
Người phát ngôn của Amazon cho rằng ở Amazon điều này được bù đắp bằng quy tắc “tìm kiếm lòng tin”, tức là các lãnh đạo sẽ phải “chăm chú lắng nghe, nói chuyện 1 cách thẳng thắn và kính trọng những người khác”.
Những nhân viên cũ của Amazon – hiện có hơn 750.000 nhân viên – đang dẫn dắt rất nhiều công ty, từ Tableau Software, Zulily, Groupon đến Simple, mảng ngân hàng online của Banco Bilbao Vizcaya Argentaria SA.
Công ty mà Bezos thành lập cách đây 25 năm cũng sản sinh ra nhiều nhà sáng lập startup, từ website streaming Hulu, nền tảng thương mại điện tử Verishop đến Leafly Holdings và Convoy Inc. Và khi WeWork “hất cẳng” nhà sáng lập ra khỏi ghế CEO, họ đã tìm tới 1 cựu lãnh đạo của Amazon để tìm cách ổn định tình hình.
Các nhà lãnh đạo doanh nghiệp thường áp dụng những bài học đã có được ở Amazon vào các công ty khác. Văn hóa lãnh đạo của Amazon được đình hình khá rõ nét và liên tục được khắc sâu vào các lãnh đạo cấp cao.
Ngoài 14 quy tắc quản lý nổi tiếng, ở Amazon còn có những quy tắc rộng hơn hướng đến mục đích đảm bảo dữ liệu sẽ dẫn dắt các quyết định kinh doanh. Các nhóm đa chức năng có thể nhỏ đến mức chỉ cần 2 chiếc pizza là đủ cho bữa tối. Nhiều cuộc họp bắt đầu bằng 30 phút im lặng để mọi người đọc tài liệu.
Một số nhân viên cũ cho biết họ còn bỏ lại văn hóa làm việc điên cuồng và những cuộc tranh cãi nảy lửa có thể khiến mọi người cảm thấy kiệt sức. Amazon còn bị một số khách hàng và người bán chỉ trích là cho phép hàng giả hàng nhái hay thậm chí là những thứ nguy hiểm xuất hiện trên nền tảng vì muốn tăng trưởng nhanh chóng.
Jeff Yurcisin, người đã làm việc 14 năm ở Amazon và mới ra đi năm ngoái để trở thành chủ tịch của nền tảng thương mại điện tử chuyên tập trung vào flash sale. Zuily cho biết cô áp dụng phương thức tiếp cận của Amazon khi tuyển dụng, tức là đòi hỏi ứng viên phải có kỹ năng đặc biệt, nhưng cô cố gắng làm cho văn hóa làm việc tại Zulily mang tính đồng cảm nhiều hơn.
Trong khi Amazon lớn mạnh thành một trong những công ty lớn nhất thế giới thì Bezos cũng trở thành 1 huyền thoại về quản lý. Các sinh viên ngành quản trị nghiền ngẫm lá thư gửi cổ đông hàng năm của ông cũng giống như cách các nhà đầu tư đón đọc thư của Warren Buffett.
Bezos đã nêu cao triết lý “ngày nào cũng là ngày khởi đầu ở Amazon“, khuyến khích nhân viên không bao giờ ngừng sáng tạo vì nếu không họ sẽ bị tự mãn. Mong muốn của Bezos là dù Amazon nay đã trở thành công ty 870 tỷ USD, là nhà tuyển dụng lớn thứ 2 ở Mỹ, vẫn luôn hành động như 1 startup.
Đầu những năm 2000, Bezos khởi xướng một trong những công cụ quản lý nổi tiếng của Amazon: bản tường thuật dài 6 trang mà các nhân viên ở Amazon sẽ phải chuẩn bị để mọi thành viên tham dự cuộc họp nghiền ngẫm trong 30 phút đầu tiên. Giờ những bài thuyết trình bằng PowerPoint đã bị cấm tiệt ở Amazon, và những bản tường thuật đảm bảo mọi người phải chuẩn bị kỹ càng trước khi đề xuất 1 ý kiến, cũng như đảm bảo các thành viên khác nghiên cứu kỹ vấn đề trước khi phản biện.
Adam Selipsky, CEO của công ty phần mềm Tableau, cho biết những bản tường thuật này là thứ ông ấn tượng nhất và vẫn áp dụng sau khi rời Amazon. “Sử dụng công cụ này mọi người sẽ tham gia thảo luận hiệu quả hơn rất nhiều”, ông nói.
Giống như GE ở thời hoàng kim, hiện nay Amazon được coi là 1 học viện dành cho nhà quản lý. Một số người rời Amazon chỉ bởi vì họ đã leo lên đến nấc thang cuối cùng, theo Nada Usina, lãnh đạo của công ty tuyển dụng Russell Reynolds Associates. Các lãnh đạo cấp cao ở Amazon thường có nhiệm kỳ rất dài. Ví dụ, người đứng đầu mảng Amazon Web Services đã làm việc cho Amazon hơn 22 năm.
Tham khảo Wall Street Journal