George Smith Patton còn được gọi là George Patton III, là một vị tướng, nhà chỉ huy quân sự nổi tiếng trong Lục quân Hoa Kỳ thời kỳ Thế chiến 2. Có người nói Patton sinh ra là để chiến đấu, bản thân Patton cũng đồng thuận về điểm này bởi ông có thể nhớ được tiền kiếp.
George Patton tin vào luân hồi chuyển thế
Khi còn trẻ Patton đã cho rằng tương lai mình chắc chắn sẽ là một anh hùng thiện chiến. Ông rất tin vào chuyện luân hồi chuyển thế, ông cho rằng trong những đời trước mình nhiều lần từng là danh tướng: Tướng Hannibal Barca thành Carthage, từng là chiến sĩ thời La Mã cổ, từng là thuộc hạ của Napoléon Bonaparte, kỵ binh của tướng quân Flavius Belisarius thời La Mã cổ… Tóm lại trong lịch sử ông từng nhiều lần đảm nhiệm vai chiến binh.
Có vẻ niềm tin của ông là có lý. Bởi vì năng lực của ông trên chiến trường là vô cùng xuất chúng, khiến ông trở thành một trong những vị tướng được nể sợ nhất của quân Đồng minh trong mắt các viên chức phe Phát-xít (theo lời kể của tù binh chiến tranh người Đức tên Lt. Col. Freiherr von Wangenheim). Chính sĩ quan tình báo của Patton cũng kinh ngạc trước giác quan thứ sáu của ông – thường biết phải làm gì trước khi tin tức tình báo chuyển đến. Có lẽ kỹ năng của ông đã tích lũy qua nhiều đời xông pha trận mạc.
Vào năm 1942, trong Đại thế chiến thứ II, nhiệm vụ hàng đầu của tướng quân Patton là tới vùng Tunisia Bắc Phi, vực lại tinh thần quân đoàn Hai vừa mới bị quân Đức đánh bại, chuẩn bị phản công.
Một hôm, tướng quân Patton và tướng quân Bradley đi khảo sát chiến trường, Patton đột nhiên yêu cầu lái xe rẽ sang phải. Lái xe không hiểu, bèn hỏi lại: “Thưa ngài, chiến trường nằm ở phía trước”. Patton nói: “Xin đừng tranh cãi với tôi, tôi đã ngửi thấy mùi của chiến trường.”
Lái xe quay đầu sang bên phải, một đống tàn tích đổ nát giống như thành La Mã cổ đột nhiên xuất hiện trước mắt. Họ xuống xe, Patton ngồi xuống tự tin nói rằng: “Chiến trường chính là ở đây, người Carthage từng bị ba quân đoàn La Mã bao vây, công phá. Những người Carthage dũng cảm đã không thể chống đỡ, không thể giữ được thành trì này. Toàn bộ họ đã bị thảm sát, thi thể bị phơi giữa nắng gắt, 2000 năm trước ta đã ở nơi này.”
George Patton quay người lại mỉm cười, hỏi: “Các anh có tin lời ta nói không?” Tướng quân Bradley và lái xe vẫn còn đang ngơ ngác. Patton mới lần đầu tiên tới Bắc Phi sao có thể biết được chiến trường xưa nơi xảy ra cuộc chiến giữa người Carthage và đội quân La Mã?
Tướng quân Patton rất tin vào luân hồi và vô cùng kính ngưỡng Thần. Xưa nay ông không hề kỵ húy khi nhắc tới vấn đề luân hồi. Cháu ngoại của Patton từng hỏi ông rằng: “Ông có thực sự tin vào luân hồi chuyển thế không?” Patton nói: “Ta biết rất nhiều nơi ta từng đi qua, nhưng không phải ở trong đời này.”
Patton kể lại cho cháu ngoại của mình trải nghiệm lần đầu khi tới một thành phố nhỏ của Pháp để chấp hành nhiệm vụ, một cán bộ nhiệt tình người Pháp muốn dẫn Patton đi dạo loanh quanh. Patton đáp: “Không cần, ta rất quen thuộc nơi này.” Đương nhiên là vị cán bộ đó không tin, Patton bèn dẫn ông ta đi xem tàn tích kiến trúc cổ đại khắp nơi trong thành phố nhỏ ấy.
Patton nói: “Như thể có một giọng nói thì thầm bên tai ta, chúng ta đã tới sân đấu lộ thiên, thao trường của binh sỹ, nơi tập trung công cộng của La Mã cổ, chiến thần Mars và cung điện của thần Apollo. Tôi không hề quặt sai một ngã rẽ. Ông biết không, kiếp trước ta đã từng đi qua những nơi này.”
Ngàn năm luân hồi
Vào năm 1944, khi Patton thống lĩnh quân đoàn 3 ngang dọc trên đất Pháp, ông đã viết bài thơ “Mảnh gương trong tịch mịch” (“Through a glass,darkly”). Bài thơ kể lại những vai diễn của ông suốt ngàn năm luân hồi. Ông từng là chiến binh tại thành Carthage, một cổ quốc thuộc Bắc Phi, từng là chiến binh La Mã chiến đấu vì Caesar.
Patton từng viết trong một câu thơ “cưỡi ngựa bên cạnh Murat”. Mà Joachim Murat là một trong những nguyên soái của Napoleon, cũng là tướng quân kỵ binh và lãnh đạo xuất sắc nhất dưới trướng vị hoàng đế Pháp. Tuy Patton không nói rõ ông giữ chức vụ gì, nhưng Murat đã đóng vai trò cốt yếu xoay chuyển các trận chiến như Jena và xâm chiếm Nga năm 1812.
Khi quân Đồng minh rời khỏi Bắc Phi để đánh Sicily, tướng Anh là Sir Harold Alexander nói đùa với Patton rằng nếu ông sống trong thế kỷ 19 thì hẳn Napoleon đã phong chức nguyên soái cho ông. Patton đáp rằng: “Nhưng tôi đã từng được vậy mà” (“But I did”)
Ông kể từng là một kỵ binh của Pháp trong chiến dịch Battle of Crécy (1346) khi Anh – Pháp giao tranh cả trăm năm. Cũng như nhiều hiệp sĩ của Pháp khi đó, ông đã chết dưới ngọn giáo của quân Anh.
Ông từng là dũng sỹ dưới trướng Alexander Đại Đế chiến đấu với người Phoenicia trong Cuộc bao vây đảo Tyre (Siege of Tyre) năm 332 trước Công nguyên.
Những cảnh tượng xa xưa hơn dẫu đã mờ nhạt nhưng ông vẫn nhìn thấy những thanh giáo dài, những khuôn mặt méo mó đang săn bắt dã thú.
Patton cảm thán trong bài thơ rằng:
“Trải nhọc nhằn bao kiếp,
Qua bao chiến trận gian khổ và phù hoa
Ta chiến, tiến rồi lại diệt
Vô số lần dưới số mệnh này
Ngó qua mảnh gương nơi tịch mịch,
Nhìn thấy bao tháng năm loạn thế,
Ta chiến đấu dưới nhiều hình tượng,
Với nhiều danh xưng, nhưng đều là ta.” (tạm dịch)
Trong bài thơ, Patton còn biểu đạt những suy ngẫm của mình về những lần tham dự chiến tranh trong đời đời kiếp kiếp:
“Dẫu không biết trong bao kiếp
Ta nỗ lực chiến đấu vì điều gì,
Nhưng ý chỉ của Thần cao hơn những xích mích nơi con người,
Theo ý nguyện của Ngài mà ta đã chiến đấu.” (tạm dịch)
Gia tộc Patton có truyền thống thiện chiến. Rất nhiều thành viên trong gia tộc, bao gồm bản thân Patton đều tuyên bố rằng mình đã từng tận mắt nhìn thấy linh hồn của tổ tiên một cách minh xác. Những cảm ngộ của Patton về chiến tranh, rốt cuộc đến từ sự bảo vệ, chở che, linh cảm với tổ tông hay quả là từ những trải nghiệm tiền kiếp?
Lê Minh