-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
- Phan Đăng Media
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
Trực giác và linh cảm là hai hình thức tư duy phi lôgic vô cùng đặc biệt, là những trợ thủ đắc lực cho hoạt động sáng tạo. Nếu loài người không có hai khả năng này thì thế giới của chúng ta sẽ lạc hậu so với hiện tại không biết bao nhiêu thế kỉ.
Trực giác là “công cụ nhạy bén” giúp con người phán đoán sự vật, khiến chúng ta không cần phải nắm bắt đầy đủ sự thật, cũng không cần phải thông qua suy luận lôgic nghiêm ngặt mà vẫn có thể có được sự đánh giá, phán đoán và chọn lựa, thậm chí có thể có được những dự kiến tinh tế đối với bất kì chủ đề lớn lao nào.
Linh cảm, giống như một dòng điện phóng ra từ trong não bộ, có ánh sáng chiếu mạnh và sáng rõ, khiến người ta có thể bất ngờ nhìn thấy con đường trước mặt một cách rõ ràng mà vốn trước đó rất mơ hồ, đen tối. Trong rất nhiều sáng tạo phát minh đều có một phần công lao của linh cảm.
Để chứng minh làm sáng tỏ một định lí, Nhà toán học Gauss đã từng khổ luyện nghiên cứu tìm tòi trong nhiều năm nhưng vẫn chưa thành công. Ông quyết định tạm thời gác lại vấn đề nan giải đó và đi du lịch thư giãn. Không ai ngờ rằng giây phút ông vừa đặt một bàn chân lên chiếc xe ngựa cũng chính là giây phút lịch sử, vì khi ấy trong đầu ông bỗng lóe lên cách chứng minh cho định lý hóc búa kia. Nhưng ngay cả đến chính bản thân ông cũng không biết rằng mối dây liên hệ nào đã kết hợp kiến thức vốn có của ông và những thứ khiến ông thành công”.
Trạng thái tư duy kì diệu đã giúp Gauss thành công chính là linh cảm.
Trong lịch sử sáng tạo của nhân loại, trực giác và linh cảm đã liên tục kiến tạo nên các thành công. Vô số những thành quả sáng tạo lớn nhỏ đều liên quan gắn kết mật thiết với trực giác và linh cảm.
Mỗi người đều có sự khác nhau về linh cảm và trực giác. Cho dù là cùng một con người thì trong những lĩnh vực khác nhau cũng có “hàm lượng” trực giác khác nhau. Một bác sĩ có nhiều năm kinh nghiệm phong phú so với một bác sĩ thực tập, khi cùng đối diện với một chứng bệnh nan y thì trình độ phán đoán bằng trực giác của họ cũng hoàn toàn khác nhau; nhưng nếu chúng ta để vị bác sĩ này đi “khám bệnh” cho một doanh nghiệp đang phá sản thì khả năng “chẩn đoán” của ông sẽ bị hạ thấp đi rất nhiều. Từ đó có thể thấy rằng, linh cảm và khả năng mà trực giác của chúng ta có được đều liên quan mật thiết với kiến thức và kinh nghiệm đã được tích lũy.
Ngoài những kết cấu tri thức cần thiết, một điều kiện cần thiết khác để có linh cảm và trực giác chính là suy nghĩ thật nhập tâm, say sưa. Tương truyền rằng Newton trong khi nghiên cứu về vấn đề lực học thì ngay cả đến việc bản thân đã dùng bữa hay chưa ông cũng không biết. Rất nhiều nhà văn nếu đã tập trung vào việc sáng tác thì ngay cả khi nằm mơ họ cũng thấy mình đang đi lạc trong thế giới của nhân vật. Suy xét về mức độ thì việc nhập tâm sẽ giúp bạn dễ dàng đạt được trực giác nhạy bén, linh cảm liên tục xuất hiện. Ngược lại, đối với những người lười tư duy sẽ khó đạt được trực giác và linh cảm tốt.
Phương pháp kích thích khơi dậy linh cảm
Linh cảm thường đột nhiên xuất hiện trong quá trình sáng tạo mà không hề có dấu hiệu báo trước. Sau đó quá trình sinh ra linh cảm này lại thường có quy luật và có thể tuần hoàn. Có rất nhiều những ví dụ về thành công trước đây đã chứng minh rằng linh cảm thường xuất hiện vào thời điểm não bộ có được thời khắc thư giãn sau một thời gian dài khổ công suy nghĩ về một vấn đề nào đó. Khi biết được quy luật này, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động tái tạo nên những điều kiện để nâng cao “sản lượng” của những linh cảm sắp đến.
Dưới đây chúng tôi xin nêu ra một số phương pháp để khơi dậy nhiều linh cảm hơn, căn cứ vào những kinh nghiệm của những người đi trước cùng với những cảm nhận của mình:
1) Trước khi đi ngủ nên suy nghĩ. Linh cảm có thể xuất hiện trong những giấc mơ hoặc sáng sớm khi bạn mới vừa tỉnh dậy.
Thế giới của những giấc mơ chính là “cánh đồng tạo ra nhiều linh cảm phong phú” của không ít nhà Khoa học. Trường Đại học Cambrigbe của Anh đã thực hiện một điều tra chuyên đề và phát hiện ra rằng hơn 70% số học giả cho rằng họ có thể giải quyết các vấn đề toán học trong những giấc mơ. Giấc mơ chính là mảnh đất màu mỡ cho linh cảm.
Khi bạn khổ công suy nghĩ một vấn đề nan giải nào đó trong một thời gian dài nhưng lại chưa tìm được cách giải quyết thì hãy thử suy nghĩ về nó hoặc đọc chút tài liệu có thông tin liên quan đến vấn đề đó trước khi bạn ngủ. Đại não của bạn trước khi đi vào giấc ngủ sẽ xác lập một khu vực hưng phấn vừa phải và dễ dàng đưa đến một suy nghĩ mới trong giấc mơ hoặc vào sáng sớm hôm sau, khiến cho những thông tin không có trình tự “tự động” xuất hiện những tổ hợp mới, thúc đẩy sự sản sinh linh cảm.
2) Lúc nào cũng để tâm, ở đâu cũng lưu ý, thường vô tình kích thích làm nảy sinh linh cảm.
Dunlop là một bác sĩ người Anh. Con trai của ông rất thích chơi xe đạp. Nhưng vào thời đó, những chiếc xe đạp chỉ có bánh bằng gỗ và rất có thể gây thương tích cho người đi xe. Lo lắng rằng con trai mình có thể gây bị thương khi chơi đùa trên đường nên tâm trí của Dunlop không thể rời khỏi được những chiếc xe đạp. Một lần, khi đang tưới vườn, ông nhận thấy rằng những ống nước bằng cao su có tính đàn hồi rất tốt và ý tưởng về một chiếc bánh xe làm bằng ống cao su tròn có bơm hơi đã được hình thành. Sau này, ông đã trở thành người dẫn đầu trong ngành công nghiệp sản xuất săm lốp cao su ở nước Anh.
3) Căn cứ vào thói quen tư duy để chủ động sắp xếp “thời gian của linh cảm”. Điều này rất có lợi cho sự xuất hiện của những linh cảm mới.
Có những người khi vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ đã có nhiều ý tưởng mới đến như nước chảy. Có người khi đi tản bộ thì tư duy lại cực kì linh hoạt. Có người khi đang vùi đầu trong thư viện lại có những linh cảm mới ập tới. Có người thì tư duy lại trở nên vô cùng nhạy bén trong khi đang lái xe một mình,…Chỉ cần bạn nắm chắc quy luật tư duy của mình thì sẽ có thể thể hiện tất cả trên nhật trình của bạn, cố gắng dành cho mình một khoảng thời gian có thể thông suốt tư tưởng, suy nghĩ thấu đáo vấn đề. Tất cả mọi người trong gia đình tôi đều chủ động suy nghĩ, tìm tòi về vấn đề mình đang suy nghĩ trong những “thời khắc linh cảm” tốt, vì thời khắc đó thường giúp chúng tôi nảy sinh nhiều ý tưởng mới.
4) Tích cực thảo luận, trao đổi với những người khác cũng dễ dàng nảy sinh nhiều linh cảm mới.
Tư duy của một người có thể có rất nhiều “điểm hạn chế”; nhưng khi ba người hợp sức lại với nhau thì rất có thể tạo thành một “Gia Cát Lượng” thông thái vô cùng. Vấn đề đau đầu mà bạn đang gặp phải có thể được dẫn đường chỉ bằng một câu nói của một người nào đó và nhờ vậy mà bạn có được phương hướng giải quyết tốt nhất. Rất nhiều thành quả khoa học trên thế giới cũng có được từ những gợi ý bất ngờ như thế.
5) Linh cảm đến và đi không để lại tung tích, những ý tưởng có giá trị cần được ghi lại kịp thời.
Khi linh cảm đến, nhất định phải nắm bắt kịp thời, vì linh cảm giống như cơn gió, chợt đến rồi chợt đi trong chốc lát. Những người có kinh nghiệm thường đem theo bút giấy bên mình để tiện ghi chép lại những linh cảm có giá trị. Thói quen của tôi là mang một chiếc máy ghi âm nhỏ bên mình, một khi nảy sinh một linh cảm mới thì cho dù là ngày hay đêm, tôi chỉ cần nhấn nút play đã có thể “nắm bắt” lấy nó.
Nếu bạn giỏi vận dụng phương pháp này, bạn sẽ có được một trực giác tốt, sinh ra những linh cảm kì diệu. Những linh cảm đó không những có thể dùng để sáng tạo mà còn có thể dùng để giải quyết những vấn đề khác, khiến cuộc sống của bạn thêm phần thi vị, học tập hứng thú và hiệu quả hơn.
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
- Phan Đăng Media
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
-
(Nguồn: Sách “Em muốn đến Harvard học kinh tế”)