Một đời của người ta chỉ lo tích tiền không tích đức, sinh con phá của cuối cùng cũng về tay không.
Dưới đây là hai câu chuyện chân thật được Uông Đạo Đỉnh, học giả đời nhà Thanh ghi chép lại trong cuốn “Tọa Hoa Chí Quả”:
Khương Nguyên Long người vùng Trương Yển huyện Kim Sơn, làm giàu bằng nghề nông. Ruộng đất mà ông mua được phần lớn đều là có được nhờ tâm kế. Ông lại nâng cao lợi tức bằng cách thấy ai có ruộng tốt nhà đẹp thì sẽ thừa lúc người ta túng quẫn mà cho họ vay nặng lại. Bởi lợi tức quá cao, lãi mẹ đẻ lãi con, chỉ một thời gian không lâu đối phương sẽ khó mà hoàn trả được. Lúc này, Khương Nguyên Long sẽ tịch thu ruộng đất của người ta. Mua bán, tịch thu một cách hèn hạ như vậy suốt 20 năm, ông đã có được mấy nghìn mẫu ruộng.
Về sau, Khương Nguyên Long sinh được một cậu con trai, đặt tên là Khương Đức Chương. Khương Đức Chương chơi bời lêu lổng, không màng đến việc nhà, cũng không theo nghiệp làm ăn, mới 20 tuổi đã sa đà vào cờ bạc, rượu chè, gái gú. Mỗi lần đi ra ngoài đều cầm theo giấy tờ đất đổi 10 lạng bạc lãi suất cao của người ta, rồi chơi đến khi thua trắng hết số bạc mới chịu ngưng. Đợi đến hôm sau khi cậu đi viết giấy nợ, người ta lại cố tình dối gạt cậu rằng: “Rõ ràng hôm qua cậu mượn 50 lạng bạc, sao chỉ sau một đêm lại quên mất rồi?”. Khương Đức Chương cũng không tranh biện, liền viết giấy nợ 50 lạng bạc đưa cho người ta, trước sau chưa từng nghĩ sẽ trả tiền để lấy lại giấy tờ nhà đất. Người khác thấy cậu dễ bị lừa như vậy, đều xúm lại bày trò dối gạt. Chưa đến 10 năm, Khương Đức Chương đã hoang phí hết toàn bộ gia sản, sau cùng nghèo đói mà chết.
***
Chu Thánh Chương, người huyện Đan Dương, gia cảnh vốn chỉ thường thường bậc trung. Một năm nọ thời vua Càn Long, lúa mạch bội thu lớn, một thạch lúa mạch mới chỉ 200 tiền. Chu Thánh Chương có trên trăm mẫu lúa mạch, thu hoạch lại nhiều hơn người khác, kho lương tích được rất nhiều lúa mạch. Cùng năm, Chu Thánh Chương lại liên tục xoay sở được mấy khoản tiền, toàn bộ dùng vào việc thu mua lúa mạch. Tổng cộng ông tích trữ được gần bốn nghìn thạch lúa mạch.
Năm sau mùa màng thất thu khiến giá cả lúa mạch đều trở nên đắt đỏ. Chu Thánh Chương vẫn đóng chặt kho lương không chịu bán. Đợi đến mùa đông nước kênh đào khô cạn, tàu thuyền thương lái không thể đi vào được, thành ra nguồn cung lương thực bị cắt đứt. Lúc này chỉ Chu Thánh Chương có lúa mạch tích tồn, cư dân lân cận đều tìm đến hỏi mua. Chu Thánh Chương lúc đầu còn không nhận lời, đợi đến khi người khác hết lời năn nỉ mới cho phép người ta dùng một mẫu ruộng đổi lấy một thạch lúa mạch, trong lúa mạch còn trộn lẫn thêm chút vỏ trấu. Cứ như vậy, Chu Thánh Chương đã nhờ vào kho lúa mạch tích trữ đổi được cả một rương giấy tờ đất, có được hơn năm nghìn mẫu ruộng. Chu Thánh Chương vốn hà tiện keo kiệt, lại giỏi tích cóp vơ vét, không đến mấy năm đã có hơn vạn mẫu ruộng, tiền bạc chất cao như núi.
Có điều Chu Thánh Chương không có con cái. Ông cầu nguyện đủ điều, đến lúc tuổi già mới sinh được một mụn con trai. Bởi khi đứa con chào đời, ông cũng đã được 68 tuổi, nên đặt tên là Lục Bát. Chu Lục Bát chưa được 10 tuổi, thì Chu Thánh Chương đã lìa đời. Sau khi Chu Lục Bát lớn lên, xem tiền bạc như phân rác, mỗi lần ra ngoài thường luôn mang theo rất nhiều tiền, tiêu sạch rồi mới về nhà. Có lúc tiền tiêu không hết liền ném xuống dải đất bên đường.
Khi đó, triều đình có luật mỗi một địa phương chọn ra một hộ giàu có làm kho lương của vùng, không ngờ vụ việc này lại rơi xuống đầu Chu Lục Bát. Người trong làng khinh cậu trẻ người non dạ, dễ bắt nạt, phàm là những người mượn gạo của kho lương đều không trả lại. Chu Lục Bát mỗi năm phải bù lỗ rất nhiều lương thực. Chu Lục Bát lại ham mê cờ bạc, tiêu tiền như nước, bởi vậy gia đạo ngày càng suy vi, đành phải bán dần sản nghiệp lấy tiền sống qua ngày. Khi Chu Lục Bát bán sản nghiệp, khế ước chưa kịp viết đã vội đóng dấu, khiến đại gia sản trong phút chốc bị lừa bán hết sạch. Khi Chu Lục Bát chết, toàn bộ gia sản của cha ông là Chu Thánh Chương chẳng còn lại gì, một gian nhà, một mẫu ruộng đều đã không còn.
Uông Đạo Đỉnh nói: “Phụ thân tôi khi nhậm chức chủ bộ (chức quan trông coi sổ sách, giấy tờ) của huyện Đan Dương, con cái của Chu Lục Bát sống cảnh nghèo rớt mùng tơi, phải làm người gác cổng sống qua ngày. Đến nay huyện Đan Dương, người ta thường dùng cái tên “Chu Lục Bát” để mắng chửi đứa con phá của.
***
Có câu: “Đừng vơ vét của cải dưới đất, hãy tích luỹ của cải trên trời”. Người có đức độ, hành động đứng đắn, phẩm hạnh đoan chính thì há còn sợ không có phúc báo sao? Ngược lại, kẻ tham tàn, vơ vét, dùng mọi thủ đoạn mà tích luỹ của cải, cuối cùng cũng trở thành trắng tay. Bởi vì đơn giản là họ không có đức. Ông cha ta nói: “Có đức mặc sức mà ăn”, quả nhiên là như vậy. Không có đức mà vẫn vơ vét tài vật thì nào có khác chi “giỏ tre đựng nước”, mèo lại hoàn mèo?
Vũ Dương – Theo Soundofhope