Từ một cô bé Tày nghèo, ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Cao Bằng, Lương Ngân, với ý chí và bản lĩnh phi thường đã vượt qua hành trình gian nan vất vả, trở thành một trong những nữ tiến sỹ, giám đốc khoa trẻ nhất Đại học danh tiếng của nước Anh.
Cô gái người dân tộc thiểu số ham học
Lương Ngân sinh ra và bắt đầu đến trường ở xóm Dẻ Gà, xã Lương Thông, huyện Thông Nông – huyện nghèo nhất của tỉnh nghèo Cao Bằng.
Thời Ngân vào tiểu học, lớp học mái tranh, vách đất, mưa dột, gió lùa, bàn ghế làm bằng tre, nứa đóng tạm. Hằng ngày, “Ngân còi” phải vượt qua nhiều km đường rừng núi để đến trường nhưng đêm về dù phải thắp đèn dầu, Ngân vẫn say sưa học.
Thấy con chăm chỉ sáng dạ, đến năm học lớp 3, mẹ Ngân quyết định xin chuyển con ra thị xã Cao Bằng học khi cô bé còn chưa biết nói tiếng phổ thông.
Chị Lương Ngân – Ảnh: NVCC
Dù là học sinh giỏi ở quê nhưng ra khi thị xã, học kỳ đầu điểm số của Ngân vẫn bị đứng cuối lớp. Thế nhưng, từ học kỳ 2 cho đến hết cấp trung học phổ thông, năm nào, Ngân cũng được xếp loại học sinh giỏi, đứng đầu lớp.
Nhà nghèo, những năm học Đại học Ngoại thương, Ngân đều cố gắng vừa học vừa làm thêm để tự trang trải cuộc sống. Tốt nghiệp đại học, Ngân vừa đi làm vừa ôn luyện tiếng Anh nuôi ước mơ du học.
Một mình bươn trải nơi đất khách quê người
Năm 2011, Ngân thi đậu thạc sỹ tại Trường Đại học Strathclyde, thành phố Glasgow (University Strathclyde), Vương quốc Anh.
Du học tự túc tại nước Anh, giá sinh hoạt và học phí rất cao, gia đình không đủ điều kiện hỗ trợ khiến cô gặp nhiều khó khăn. Ngân một mình xoay xở tìm đủ mọi việc để làm thêm như phục vụ quán ăn, cửa hàng, phiên dịch…
Thời gian đầu, việc làm chưa ổn định, thu nhập eo hẹp, chi phí đắt đỏ, việc học căng thẳng khiến Ngân như kiệt sức. Thế nhưng, đó cũng chính là lúc Ngân thể hiện bản lĩnh phi thường của mình.
Gần như không cần nhờ đến sự giúp đỡ về tài chính của gia đình, một mình Ngân tự cố gắng làm thêm, tiết kiệm tiền và hoàn thành chương trình học thạc sỹ.
Năm 2012, luận văn thạc sỹ của Ngân được Trường Đại học Strathclyde đánh giá cao, là nghiên cứu mẫu trong lĩnh vực nhà hàng tại Việt Nam và Vương Quốc Anh vì đã làm nổi bật vai trò của mạng xã hội đối với quản lý nhà hàng trong ứng dụng thực tiễn marketing.
Kết thúc chương trình thạc sỹ, Ngân quyết định thi và hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tại Đại học Birmingham (University of Birmingham).
Những khoản chi phí học tập khổng lồ của chương trình đào tạo tiến sỹ ở một đất nước có chi phí đắt đỏ bậc nhất thế giới cùng với đòi hỏi cực kỳ khắt khe từ chương trình đào tạo khiến Ngân nhiều lần tưởng chừng gục ngã.
Cũng may, lúc này vốn tiếng Anh đã tốt, mối quan hệ mở rộng, Ngân tìm được việc làm cho thu nhập cao hơn, đủ sức chi trả những khoản học phí “khủng” từ chương trình đào tạo.
Ngoài việc làm phiên dịch, Ngân cũng được mời tham gia trợ giảng tại London South Bank University.
Năm 2017, Ngân bảo vệ xuất sắc luận án tiến sỹ trước Hội đồng gồm nhiều nhà khoa học danh tiếng về lĩnh vực kinh doanh, marketing
Tiến sỹ Lương Ngân trong trang phục cô gái Tày nhận bằng tiến sỹ tại Đại học Birmingham.
Ảnh: Quốc Đạt – PvTTXVN tại Anh
Ngân được phong tiến sỹ ngay sau khi bảo vệ luận án và xuất sắc vượt qua hàng trăm ứng cử viên đến từ nhiều quốc gia, được Hội đồng nhà trường chọn làm giảng viên của London South Bank University.
Đây là trường đại học danh tiếng có chất lượng giảng dạy hàng đầu thế giới. Chỉ sau một thời gian ngắn, Ngân được Hội đồng nhà trường bổ nhiệm làm Giám đốc quản lý Khoa cao học Marketing, Đai học Kinh tế Nam London.
TS Lương Ngân chia sẻ từng chia sẻ trên báo Tuổi Trẻ: “Tôi vừa thấy vinh dự vừa rất bất ngờ lẫn lo lắng. Nhưng tôi vẫn rất tin tưởng vào bản thân và năng lực của mình, cứ cố gắng nỗ lực hết mình thì không gì là không thể”
PV (t/h)