Ô nhiễm không khí, ngập lụt, hạ tầng đô thị quá tải v..v.., nhiều lắm những vấn nạn đang làm đau đầu các nhà quản lý đô thị nước Việt. Nhưng có lẽ, đau đầu nhất là vấn nạn kẹt xe, là văn hóa giao thông đang biến đô thị VN thành một bức tranh hỗn độn đầy…xấu hổ
Làm gì? Phải làm gì? Làm như thế nào trước bức tranh u ám ấy là một câu hỏi nhiều năm rồi người dân chờ đợi nhưng lời giải là chưa hề thấy. Quanh đi quẩn lại vẫn là xe buýt, là các cuộc “ra quân” của công an giao thông, là mít tinh hô hào và…chấm hết. Đường kẹt vẫn kẹt hơn và “bức tranh hỗn độn” ấy vẫn…đầy xấu hổ.
Là một cư dân đô thị, sau nhiều chục năm sống cùng nỗi xấu hổ ấy, tôi xin được , tạm gọi là hiến kế, 3 điều như sau:
Thứ nhất, dẫu rất quan trọng cho tương lai của một nền kinh tế nhưng chưa phải là nỗi ám ảnh thường trực, 4.0 vẫn trở thành một cuộc cách mạng (cuộc cách mạng công nghiệp 4.0), được phát động và hưởng ứng khắp nơi, mọi chỗ. Khẩn thiết hơn rất nhiều lần, lẽ nào văn hóa giao thông của chúng ta lại không được xem là một cuộc cách mạng, một cuộc cách mạng nhằm thay đổi đến tận gốc rễ thứ văn hóa giao thông hỗn độn, đáng xấu hổ này?
Cách mạng là sự nghiệp của quần chúng – Chúng ta thường bảo thế! Và thưc tế trong các cuộc cách mang giải phóng dân tộc trước đây, quần chúng nhân dân luôn là lực lượng quan trọng góp phần làm nên thắng lợi. Cuộc cách mạng về văn hóa giao thông hiện tại, quần chúng nhân dân cũng phải có, và phải được đóng một vai trò như thế. Vâng, phải được, nhưng một câu hỏi đặt ra là: Họ sẽ làm gì?
Phạt nguội, đó là một cụm từ khá quen thuộc trong những tháng gần đây khi đề cập đến nỗ lực của lực lượng cảnh sát giao thông trong việc tìm giải pháp cho trật tự giao thông đô thị. Tuy nhiên, “phát” thì có nhưng “động” không nhiều, hình ảnh dùng để phạt nguội cũng chỉ là việc nội bộ của cảnh sát giao thông nên kết quả cũng không nhiều lắm. “Sự nghiệp của quần chúng” nhưng quần chúng đứng ở đâu không rõ.
Không, không thể là như thế. Năm 1946, trước thực trạng “chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta lần nữa!”, Bác Hồ kinh yêu của chúng ta, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến đã nhấn mạnh “Ai có súng dùng súng, ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc”. Chữ “ai” của Bác là “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ, không chia tôn giáo, đảng phái, dân tộc. Hễ là người Việt Nam thì phải đứng lên đánh thực dân Pháp để cứu Tổ quốc”. 73 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, nguy cơ mất nước không còn, nhưng với thực trạng văn hóa giao thông hiện tại, sao lại không có thể là một lời kêu gọi “ai có máy quay phim dùng máy, ai không có thì dùng smartphone hay tự tổ chức các nhóm quay phim để thực hiện các clip tố cáo người, phương tiện vi phạm luật giao thông. Ai cũng phải ra sức vì văn minh đô thị”. Các clip này được chuyển tới cảnh sát giao thông để thưc hiện theo quy trình phạt nguội.
Thì cũng vậy, đâu có khác bao nhiêu so với quy trình hiện tại – Chắc chắn sẽ có người nghĩ thế! Không, khác nhau nhiều lắm: Đó là sự tham gia của “Bất kỳ đàn ông, đàn bà, bất kỳ người già, người trẻ...”, và quần chúng này sẽ giám sát quy trình phạt nguội bởi họ có quyền lợi thiết thân trong đó. 73 năm trước, với lời kêu gọi của Bác Hồ, quyền lợi của người dân là “nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Còn hôm nay, với lời kêu gọi kể trên, không chỉ quần chúng được một đô thị văn minh hơn mà hơn hết, họ được “chia phần” trong khoản phạt nguội mà chính quyền thu giữ.
Một “Lời kêu gọi” có tính pháp lý rõ ràng, một mức phạt đủ sức răn đe cương quyết, một khoản “chia phần” đủ hấp dẫn, trật tự đô thị sẽ nhanh chóng được lập lại như cách “làng chài” Singapore của cố Thủ tướng Lý Quang Diệu đã từng làm hơn nửa thế kỷ trước. Để hôm nay, họ có một Singapore như ta đã biết.
Thứ hai, là người tham gia giao thông ai cũng biết đèn vàng đi chậm lại, đèn đỏ dừng hẳn và đèn xanh thì chạy. Tuy nhiên, chẳng biết từ bao giờ, văn hóa giao thông của chúng ta là: Đèn vàng vẫn chạy, đèn đỏ vẫn cố một chút. Bởi vậy, chỉ cần một, hai người “cố”, xung đột giao thông nhỏ, ban đầu sẽ xẩy ra. Cứ vậy, xung đột lớn tiếp sau, ngã 3, ngã 4 ùn tắc.
Phải làm gì? Là một người quan sát, tôi nhận thấy, người tham gia giao thông thường chỉ “cố” trong 1, 2 giây đầu tiên, từ giây thứ 3 trở đi, có lẽ nhờ chút văn hóa giao thông còn lại một ít trong người, họ không dám “cố” nữa. Vậy thì, “dĩ bất biến, ứng vạn biến”, sao chúng ta lại không chịu thay đổi cách lập trình đèn tín hiệu giao thông đi một chút? Theo đó, sau đèn vàng là đèn đỏ bật lên, phía xung đột kia, thay vì đèn xanh, vẫn tiếp tục là…đèn đỏ 2 giây. Như vậy, chúng ta có một khoảng trống 2 giây 2 bên cùng đỏ, giúp “cắt cái đuôi con nòng nọc” những kẻ thích “cố” kia. Những xung đột nhỏ ban đầu sẽ không còn nữa. Xung đột lớn, nhờ thế cũng bớt đi nhiều.
Vẫn biết, thiên hạ không ai làm thế, nhưng thiên hạ cũng có mấy ai có thứ văn hóa đi lại giống chúng ta đâu. “Trời không nghe đất thì đất phải nghe trời”, chờ tới ngày “trời” tử tế hơn, ta thay đổi lại cũng đâu có muộn. Đó là chưa kể, với sự thay đổi này, việc xác định đúng sai trong các clip vi phạm giao thông vượt đèn đỏ sẽ dễ hơn rất nhiều, cũng là động lực kích thích “quần chúng tham gia cách mạng” tích cực hơn nữa.
Thứ ba, cổ nhân dạy: “Thương bất chính. Hạ tắc loạn”. Xin đừng thêm một lần nữa như vài năm trước, khi đoàn xe lừng lững chở những gốc cây cổ thụ vượt hàng chục tỉnh thành từ Tây Nguyên ra miền Trung nhưng…không ai biết. Khi bị công luận rồi lãnh đạo cấp trên tra hỏi, câu trả lời từ lực lượng chức năng mà người ta nhận được là “họ hoạt động…TINH VI lắm nên” thua! Trời ạ, cả chục khối nhà di động vậy mà…tinh vi, quá bằng “chửi vào mặt” cụ Hoàng Phê và những học giả công trình Từ điển tiếng Việt ai đi học cũng biết. Và hơn hết, họ làm mất lòng tin, vốn đã mất rất nhiều, của người dân vào lực lượng chấp pháp về giao thông trên cả nước.
Đã quá đủ rồi cho những điều gây mất lòng tin như thế. Đã quá đủ rồi cho một nền văn hóa giao thông đáng xấu hổ như hiện tại. Xin hãy bắt đầu “làm gì đó” trước khi quá muộn.
Phan Đăng