Theo khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố ngày 5/11, người dân trên thế giới thật sự xem sức mạnh của chính quyền Bắc Kinh và cụ thể là Chủ tịch Tập Cận Bình là mối đe dọa, mặc dù nhìn nhận tích cực về nền kinh tế của Trung Quốc.
Pew đã khảo sát gần 39.000 người tại 34 quốc gia trên toàn cầu từ tháng 5 đến tháng 10/2019. Kết quả cho thấy thế giới có cái nhìn đặc biệt tiêu cực về ông Tập. Chỉ 29% người trả lời cho biết họ tin tưởng ông sẽ làm điều đúng đắn.
Ông Tập bị ‘ghét’ nhiều nhất ở Nhật (81%), Hàn Quốc (74%), Pháp (69%), Thụy Điển (67%). Còn ở Mỹ, mặc dù hai nước đang tranh chấp trên nhiều vấn đề, tỷ lệ không thích ông Tập là 50% so với 37% ủng hộ cách hành xử của nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Sức mạnh quân sự đang lớn dần của chính quyền Trung Quốc cũng nhận cái nhìn tiêu cực từ 58% số người tham gia từ 18 quốc gia khác nhau.
Các nước châu Á-Thái Bình Dương đặc biệt có cái nhìn tiêu cực về sức mạnh quân sự Trung Quốc với tỷ lệ trung điểm là 79%. Họ cho rằng việc Trung Quốc ngày càng mạnh về quân sự là điều không tốt cho đất nước họ.
Trong khi đó, khoảng 58% người tham gia khảo sát đến từ 16 quốc gia nhìn nhận nền kinh tế mạnh của Trung Quốc có thể đem lại lợi ích cho đất nước của mình. 52% có cái nhìn tích cực về các khoản đầu tư của Trung Quốc, theo Pew
Thế nhưng, không phải ai cũng xem cường quốc Đông Á này là bạn vì những tăng trưởng kinh tế của họ. Những khu vực có lòng tin dành cho chủ tịch Trung Quốc lung lay nhất là châu Á – Thái Bình Dương, Bắc Mỹ và Tây Âu.
Khảo sát của Pew chỉ ra rằng các đánh giá tích cực dành cho Trung Quốc đang ngày một giảm tại Philippines, Úc, Indonesia, Ấn Độ, Hàn Quốc và Nhật Bản, từ năm 2002 đến 2019.
Cả 6 quốc gia này đều tỏ ra nghi ngại đối với các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Hơn một nửa số người của họ khẳng định những khoản đầu tư đó là xấu vì chúng tạo ra cho Bắc Kinh quá nhiều sức ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, kể từ năm 2005, tỉ lệ người Canada và Mỹ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc ngày một cao, tăng lần lượt 22% và 13%. Trong khi chiến tranh thương mại Mỹ – Trung kéo dài, quan hệ giữa Canada và Trung Quốc cũng trở nên căng thẳng sau vụ Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, giám đốc tài chính Tập đoàn viễn thông Huawei hồi tháng 12 năm ngoái và việc Trung Quốc bắt giam 2 công dân Canada để trả đũa.
Báo cáo của Pew giải thích hiện tượng “nửa yêu, nửa ghét” này là do ở các nước giàu, người dân được hưởng quyền tự do chính trị nhiều hơn nên họ sẽ có cái nhìn khắc khe và không có thái độ thiện cảm với tình trạng vi phạm nhân quyền của Trung Quốc. Ngoài ra, những nước có thái độ thân Bắc Kinh hơn cũng là những nước có nạn tham nhũng tệ nhất, chẳng hạn như Nigeria.
Thiện Thành (t/h)