Áp lực thất bại quả là đáng sợ, nó có thể bào mòn ý chí hay phá tan viễn cảnh tươi đẹp mà chúng ta theo đuổi. Không để nỗi sợ đó nuốt chửng mà bình tĩnh, tập trung vượt qua nó chính là thể hiện bản lĩnh để bước lên đẳng cấp cao hơn.
Trận đấu với đội tuyển bóng đá U22 Thái Lan tại sân Binan ngày 5/12 có tính quyết định không chỉ với con đường đi tiếp của U22 Việt Nam tại SEA Games lần này, mà còn được nhiều người hâm mộ xem như trận đấu quyết định ngôi vương bóng đá khu vực và niềm tự tôn dân tộc.
Trước kỳ vọng quá lớn của người hâm mộ, chịu hai bàn thua liên tiếp ngay ở 11 phút thi đấu đầu tiên của trận đấu rất đáng mong chờ này, là bất lợi rất lớn cho các cầu thủ trẻ Việt Nam. Nhưng một lần nữa, tinh thần của các cầu thủ lại cho thấy sự thay đổi lớn của bóng đá nước nhà. Đó là một sự trưởng thành, đĩnh đạc, không yếm thế mất tinh thần khi đứng trước nguy cơ thất bại.
Có câu rằng: “Phá sản lớn nhất của đời người là tuyệt vọng, vốn liếng lớn nhất của đời người là hy vọng”. Quả thật, qua trận hòa với U22 Thái Lan, các cầu thủ trẻ Việt Nam đã truyền đi cảm hứng về tinh thần nỗ lực đến phút cuối cùng mà chắc hẳn ai trong chúng ta cũng nên lĩnh ngộ thấu đáo một lần trong đời.
Khi còn nhỏ, ta chập chững tập đi, trong lòng hoàn toàn không có khái niệm của thành công hay thất bại. Học cách bước đi cũng chỉ là một hành động bình thường mà ta phải làm và muốn làm mà thôi. Đáng tiếc là khi lớn lên, bị ý thức tranh đấu, được mất, thành bại lèo lái, trái tim thuần khiết thuở xưa đã chứa nhiều hơn những truy cầu và lo sợ.
Những nỗi lo sợ vì tổn hại tới danh, lợi, tình đã tạo ra gánh nặng rất lớn trên vai, trong đó đáng sợ nhất có lẽ là miệng lưỡi người đời. Chấp vào danh tiếng của mình, vào sự mến mộ của người, thì sẽ phải chạy theo lời người khác, dòm ánh mắt người khác, từ đó mất đi sự tự tại, đường đường chính chính của bản thân, cũng lại mất đi sự vô tư mà tận tâm làm các việc trong đời.
Có người nói xem nhẹ thành bại cũng là một loại trí tuệ, có lẽ cũng không ngoa. Bởi khi xem nhẹ nó, mới tĩnh tâm để nhìn xa, nhìn rộng, mới thanh thản mà tiếp tục làm được việc, làm được việc mới có thể thành công.
Tĩnh tại mới có thể thờ ơ với danh, lợi, tình, không vì tiến lui mà phiền toái, không vì bị sỉ nhục mà thất kinh, uất hận.
Tĩnh tại mới có thể nhìn được những mục tiêu cao xa, từ đó dũng cảm từ bỏ danh, lợi, tình, theo đuổi sự cống hiến, xuất chúng. Lúc đó dù có thành cũng không kiêu ngạo mình là nhất, dù có bại cũng không tự ti từ bỏ.
Tĩnh tại mới hiểu được vinh nhục không nên để trong tâm.
Nhưng bất động tâm, xem nhẹ thành bại, không có nghĩa là không nỗ lực. Chỉ là khi đã cố hết sức rồi thì kết quả ra sao cũng không quan trọng nữa. Chỉ là khi không cẩu thả, gấp gáp, không tự ti, cao ngạo thì dù kết quả ra sao cũng không phải hối hận.
Xem nhẹ thành bại, lúc này không còn chỉ là một loại trí tuệ, mà là một loại khí chất, một loại tu luyện nhân tâm.
Gia Cát Lượng xưa từng viết thư cho con trai rằng: “Nết người quân tử, tĩnh để tu thân, kiệm dùng dưỡng đức. Không đạm bạc, thì chí chẳng sáng soi, không tĩnh tâm, thì tiến xa chẳng nổi”.
Hưng phấn, cao hứng khi thành công thì sẽ bàng hoàng, vỡ vụn khi thất bại. Khi quá say mê ở trên đỉnh cao sẽ đánh mất sự khiêm nhường và tầm nhìn, khi quá tủi nhục ở vực sâu sẽ đánh mất niềm tin và sức mạnh. Chỉ có tĩnh tại thì mới đĩnh đạc bước qua cả hai mà chẳng đánh mất điều gì.
Muốn có thể tĩnh tại và mạnh mẽ vượt qua thất bại, thì đầu tiên phải có thể điềm nhiên, khiêm tốn trước thành công.
Để có thể giúp các cầu thủ trẻ tôi thành nên mỹ đức câu toàn mà vượt qua mọi cám dỗ, thử thách và khó khăn của con đường thi đấu đỉnh cao, thì chính người hâm mộ cũng phải có trách nhiệm trong lời nói và kỳ vọng của mình. Một trận cầu diễn ra xong, điều ở lại không chỉ là thắng thua, thành bại.
Thuần Dương