Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam sẽ phối hợp với đơn vị tư vấn ADPi (Pháp) để lựa chọn phương án quy hoạch sân bay Nội Bài đảm bảo công suất phục vụ 100 triệu hành khách/năm.
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay quốc tế Nội Bài.
Theo văn bản, năm 2018, sản lượng khai thác của sân bay Nội Bài là 25,9 triệu hành khách/năm, trong khi dự báo cũ là 13,1 triệu hành khách/năm. Vì vậy, việc điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài là cần thiết.
Do đó, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam phối hợp với Công ty tư vấn thiết kế kiến trúc và kỹ thuật sân bay ADPi (Pháp) tiếp tục hoàn thiện các phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài để lựa chọn phương án quy hoạch đảm bảo công suất phục vụ 100 triệu hành khách/năm.
Phó thủ tướng cũng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng Chính phủ quy hoạch điều chỉnh trước khi phê duyệt làm cơ sở lập kế hoạch đầu tư, triển khai đầu tư xây dựng để đưa các công trình vào sử dụng đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không, phục vụ phát triển các tỉnh khu vực phía Bắc nói chung và Hà Nội nói riêng.
Đồng thời, Bộ này được yêu cầu giao Tư vấn nghiên cứu, đề xuất phương án quy hoạch tổng thể hệ thống giao thông kết nối (đường bộ, đường sắt) và tổ chức giao thông khu vực quanh Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; giao Cục Hàng không Việt Nam và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án dự phòng cho sân bay Nội Bài khi nhu cầu vận tải hàng không khu vực vượt 100 triệu hành khách/năm.
UBND TP. Hà Nội được giao phối hợp với Bộ Xây dựng, Bộ GTVT và các cơ quan, đơn vị liên quan rà soát, cập nhật, điều chỉnh quy hoạch đô thị khu vực sân bay,…
Trước đó, Tư vấn ADPi đã trình Bộ GTVT bảy phương án điều chỉnh quy hoạch sân bay Nội Bài. Theo đó, hầu hết phương án đều đề xuất giữ nguyên nhà ga T2, phá dỡ nhà ga T1 và xây mới hai nhà ga hành khách ở phía Nam đường Võ Văn Kiệt.
Các phương án xoay quanh ba nhóm đường cất, hạ cánh. Thứ nhất, ba đường cất, hạ cánh độc lập (máy bay lên xuống cùng lúc) ở phía Nam và phía Bắc. Thứ hai, xây dựng một đường băng độc lập và hai đường cất, hạ cánh phụ thuộc (máy bay không lên xuống cùng lúc). Thứ ba, hai cặp đường cất, hạ cánh song song phụ thuộc. Trong mỗi phương án đều có phân kỳ đầu tư đường cất hạ, cánh và nhà ga hành khách theo hai giai đoạn.
Theo đại diện ADPi, trong giai đoạn đến năm 2030, khả thi nhất là xây đường cất hạ cánh ở phía Nam sân bay Nội Bài. Về dài hạn, đến năm 2050, để đạt công suất 100 triệu khách mỗi năm thì cần có thêm đường cất hạ cánh ở phía Bắc.
“Với Nội Bài, quan trọng nhất là việc xây dựng mới ảnh hưởng đến khu dân cư như thế nào, thu hồi đất ra sao. Những phương án đòi hỏi phải thu hồi đất rất lớn hoặc ảnh hưởng quá nhiều đến đất quốc phòng sẽ không được lựa chọn” – đại diện ADPi cho hay.
Kim Long