Lịch sử gìn gữ giang sơn của người Việt cũng ghi nhận nhiều lần quân Việt tiến đánh Trung Quốc. Nhưng khác với các cuộc xâm lược của Trung Quốc, các cuộc tiến đánh của quân Việt đa phần là nhằm tiêu diệt bớt binh lực Trung Quốc và thị uy, rồi lại rút về.
Lý Thường Kiệt tiến đánh Ung Châu
Năm 1072 vua Lý Thánh Tông qua đời, vua Lý Nhân Tông lên ngôi mới 7 tuổi, nhà Tống nhân cơ hội này muốn thôn tính Đại Việt.
Năm 1073 nhà Tống chuẩn bị quân sang xâm chiếm Đại Việt, lập căn cứ luyện tập binh mã, chuẩn bị quân lương ở Ung Châu, quân số ở đây là 10 vạn. Nhà Tống chuẩn bị huy động thêm 45.000 cấm binh thiện chiến từ phương Bắc xuống làm quân chủ lực.
Quân Đại Việt biết được tình hình chuẩn bị của Tống, Thái hậu Ỷ Lan quyết định phải đưa quân tiến sang đất Tống đánh trước. Thái hậu bàn với Thái úy Lý Thường Kiệt và giao cho ông chỉ huy việc đưa quân đánh Ung Châu nhằm tiêu diệt bớt quân lương và nhuệ khí của Tống. 10 vạn quân binh bao gồm quân triều đình và quân của thủ lĩnh các dân tục thiểu số miền biên giới được huy động để chuẩn bị tiến đánh.
Quân Đại Việt chia làm 2 cánh: Phía Đông do Lý Thường Kiệt chỉ huy quân triều đình từ Móng Cái theo hai đường thủy bộ tiến đánh Khâm Châu của Tống (tỉnh Quảng Tây ngày nay). Phía Tây quân của thủ lĩnh dân tộc thiểu số do Nùng Tông Đản chỉ huy chia làm 4 mũi tiến đánh đến Ung Châu. Quân hướng Tây có nhiệm vụ nghi binh thu hút quân Tống.
Tháng 10/1075 quân phía Tây của các thủ lĩnh dân tộc thiểu số tiến đánh trước lần lượt chiếm các trại Cổ Vạn, Vĩnh Bình, Thái Bình, Hoành Sơn, cùng các châu Lộc, Tây Bình.
Khi quân Tống bị hút sang phía Tây, thì quân triều đình do Lý Thường Kiệt chỉ huy bất ngờ đánh thẳng vào Khâm Châu. Quân Tống hoàn toàn bị bất ngờ không chống đỡ nổi. Các tướng giữ thành của Tống đều bị bắt hoặc bị tiêu diệt.
Thừa thắng quân Đại Việt đánh tiếp vào Liêm Châu, quân Tống đại bại. Sau đó cánh quân Việt chiếm được Khâm Châu tiến đánh Ung Châu, cánh quân chiếm được Liêm Châu tiến đánh Bạch Châu.
Hai cánh quân Đông Tây của Bách Việt hợp sức đi sâu vào đất Tống đánh thẳng vào Ung Châu, trên đường tiến quân Lý Thường Kiệt viết “Phạt Tống lộ bố văn” để dán và phát cho dân Tống nêu rõ mục đính tiến binh là chính nghĩa nhằm tiêu diệt quân lương của Tống chuẩn bị đánh Đại Việt, xong sẽ lui binh.
Học giả Hoàng Xuân Hãn tìm hiểu từ sách sử Trung Quốc có ghi rằng: Dân Tống hiểu rõ mục đích tiến quân cũng vui mừng đồng tình, còn mang cả rượu thịt ra thết đãi quân Việt. Dân Tống thấy cờ hiệu quân nhà Lý đến thì cùng nhau bày án bái phục trên đường, từ đó uy danh quân Việt lan rất nhanh.
Tin dữ lan truyền đến kinh thành khiến vua Tống lo lắng, lệnh cố gắng di chuyển tiền, vải vóc, lương thực để tránh khỏi bị rơi vào tay quân Đại Việt, đồng thời đưa binh đến ứng cứu.
Tháng 1/1076 Lý Thường Kiệt cho quân bao vây kín thành Ung Châu, tướng giữ thành là Tô Giam cố thủ chờ viện bình. Lý Thường Kiệt cho quân công thành, nhiều tướng tâu với vua Tống rằng thành Ung Châu rất kiên cố với thành cao, hào sâu có thể trụ được. Quan giữ thành là Tô Giam cùng quân binh liều chết giữ thành.
Ban đầu quân Việt dùng máy bắn đá bắn vào thành khiến quân Tống thiệt hại nhiều, sau đó dùng thang vân thê (thang lắp trên xe đẩy) trèo lên tường thành. Quân Tống trên thành dùng đuốc và hỏa tiễn đốt thang khiến quân Việt không leo lên thành được.
Tô Giam cho 100 quân cảm tử tinh nhuệ chèo thuyền nhỏ men theo sông Ung Giang tập kích bất ngờ khiến quân Đại Việt có 2 tướng cùng 10 voi chiến tử trận, 100 quân cảm tử của Tống cũng thiệt mạng.
Quân Việt dùng tên có tẩm thuốc độc nhắm lên thành mà bắn khiến quân Tống trên mặt thành chết nhiều. Quân Tống dùng nỏ Thần Tý (một loại nỏ bắn cũng lúc được nhiều mũi tên với sức công phá lớn) để bắn trả khiến quân Đại Việt thương vong nhiều.
Quân Đại Việt không giáp chiến được, lại lui ra xa dùng máy bắn đá bắn vào thành, bao vây không cho quân trong thành Ung Châu ra ngoài thành lấy nước.
Quân Tống ở Quế Châu đến giải nguy cho Ung Châu. Tướng chỉ huy quân viện binh là Trương Thủ Tiết thấy khí thế quân Nam nên không dám sang ngay mà dẫn quân đi đường vòng từ Quế Châu tới Tân Châu, đóng quân ở trại Khang Hòa theo dõi động tĩnh, chuẩn bị tiến quân sang đường vòng nhằm gây bất ngờ.
Lý Thường Kiệt đã tính trước nên cẩn thận cho quân do thám viện binh Tống. Khi quân do thám báo có viện binh đang kéo đến, Lý Thường Kiệt chia quân mai phục ở nơi rất hiểm trở là ải Côn Lôn. Viện binh nhà Tống đến ải Côn Lôn thì bị quân mai phục của Đại Việt tiến đánh úp, quân Tống thua to, Trương Thủ Tiết bị chém ngay giữa trận tiền, các tướng Tống đều bị tử trận.
Quân Đại Việt dùng máy bắn đá và hỏa tiễn bắn vào khiến thành bốc cháy. Nhưng tường thành Ung Châu vững chắc, máy bắn đá không phá hủy được
Quân Tống dựa vào thành cao và chắc khiến quân Đại Việt công phá 40 ngày vẫn chưa hạ được. Cuối cùng Lý Thường Kiệt cho quân mang bao đất đắp dưới chân thành cho cao lên đến tới mặt thành. Quân Việt đi theo bao đất tràn vào thành, quân Tống bại trận.
Sau 42 ngày công phá quân Đại Việt mới chiếm được Ung Châu, thiệt hại 15.000 quân. Chiếm được Ung Châu. Lý Thường Kiệt cho quân phá hết các kho tàng lương thảo, cùng quân nhu của Tống, dùng đá lấp sông Ung Giang, một tuyến đường thủy huyết mạch quan trọng.
Để đánh lạc hướng quân Tống khi rút về nước, tránh bị đuổi theo, Lý Thường Kiệt phao tin đang chuẩn bị quân tiến đánh Tân Châu. Quan giữ Tân Châu là Cổ Cắn Lạc nghe tin sợ hãi bỏ thành mà chạy. Tháng 3/1076 Lý Thường Kiệt cho quân rút về.
Sau cuộc chiến này quân tướng nhà Tống mất hết tinh thần, quân lương bị thiệt hại, không còn lực mạnh mà đánh Đại Việt nữa. Vì thế mà khi vua Tống tiến đánh Đại Việt nhằm phục thù thì lại tiếp tục bại trận phải rút quân về nước.
3. Những đợt tiến quân sang Trung Quốc thời nhà Trần
Năm 1241 dân Thổ, Mán từ Tống kéo sang biên giới Đại Việt cướp phá. Vua Trần Thái Tông sai đốc tướng Phạm Kính Ân mang quân dẹp loạn, phá được quân Thổ, Mán, đồng thời vượt biên sang đất Tống đánh thẳng vào hang ổ rồi rút về.
Cuối năm 1241 vua Trần Thái Tông thân chinh vượt qua Khâm Châu, Liêm Châu đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình của nước Tống. Đại Việt Sử ký Toàn thư ghi chép lại như sau: “Vua thân hành cầm quân đi đánh các trại Vĩnh An, Vĩnh Bình của nước Tống phía đường bộ, vượt qua châu Khâm, châu Liêm, tự xưng là Trai Lang, bỏ thuyền lớn ở trong cõi, chỉ đi bằng các thuyền nhỏ Kim Phụng, Nhật Quang, Nguyệt Quang. Người châu ấy không biết là vua, đều sợ hãi chạy trốn. Đến sau biết là vua mới chăng xích sắt giữa sông để chặn đường thủy. Khi trở về, vua sai nhổ lấy vài chục cái neo đem về.”
Năm 1266, vua Trần Thánh Tông chỉ huy thủy binh tiến đánh đến tận núi Ô Lôi (huyện Khâm thuộc tỉnh Quảng Đông ngày nay). Thời gian này đang xảy ra cuộc chiến giữa quân Mông Thát và nhà Tống, tình cờ trong cuộc tiến binh này, quân nhà Trần biết được âm mưu chuẩn bị tiến đánh Đại Việt của quân Nguyên. Sau đó nhà Vua củng cố xây dựng quân đội sẵn sàng chống giặc.
Quân Mông Cổ đánh bại nhà Tống, lập ra triều Nguyên. Năm 1285 hoàng tử Thoát Hoan đưa hơn 50 vạn đại quân tiến đánh Đại Việt. Nhưng khi đi hung hăng bao nhiêu thì lúc bỏ chạy trở về nhục nhã bấy nhiêu, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng để tránh tên của quân Đại Việt.
Quân Nguyên chạy trối chết qua được biên giới đến châu Tư Minh tưởng đã yên, nào ngờ bị Hưng Võ Vương Nghiễn và Hưng Hiếu Vương Úy đã vượt biên giới từ trước chở sẵn tiến đánh. Quân Đại Việt tiến sâu vào châu U Minh để đánh đuổi khiến quân tướng nhà Nguyên phải tháo chạy thoát thân.
Năm 1313 quan lại nhà Nguyên cho lấn đất và cướp bóc. Vua Trần Anh Tông cho 3 vạn binh vượt biên giới tiến đánh vào Vân Động, châu Trấn Yên, sau đó tấn công các xứ Lôi Động, Tri Động và châu Quy Thuận, cuối cùng là châu Dưỡng Lợi (nay thuộc Quảng Tây).
Sự kiện này “Nguyên sử loại biên” của Trung Quốc và “Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục ” có ghi chép như sau:
Lúc ấy, viên Tri châu Trấn An nhà Nguyên là Triệu Giác bắt người châu Tư Lang nước ta, lấy mất một lọ vàng, và lấn hơn một nghìn khoảng ruộng. Nhà vua bèn sai quân sang đánh châu Quy Thuận và châu Dưỡng Lợi nhà Nguyên, nói rõ là cốt sang đánh để báo thù. Nhà Nguyên sai viên thiên hộ Lưu Nguyên Hanh sang dò xét… rồi đưa công điệp sang ta nói: “Trước kia, nhà Hán đặt ra chín quận, danh giáo hóa của Trung Quốc đã tràn lan tới. Huống chi, An Nam đối với Trung Quốc, nào là dâng địa đồ, nào là nộp lệ cống, danh phận trên dưới đã phân minh, Trung Quốc đối với An Nam, thì ban cho một cách đầy đặn không kể đến việc đáp lại đơn sơ, cái ơn huệ yên ủy người phương xa thật là hết sức. Như thế thánh triều có phụ bạc gì quý quốc đâu! Thế mà bây giờ sao lại tự nhiên gây ra sự không yên lành, dùng sức ngông cuồng để mở rộng bờ cõi…”
Vua Trần Anh Tông hồi đáp rằng: “Đấy là những người nhỏ mọn ở ngoài biên giới tự làm việc không yên lành, nước tôi biết thế nào được việc ấy”. Đồng thời sứ giả mang thư cũng nói thêm rằng: “Định lại bờ cõi và nghiêm sức quan lại ở biên giới không được xâm phạm lẫn nhau như thế mới giữ được sự yên ổn lâu dài ở ngoài biên giới”.
Vua Nguyên đồng ý, sai người đem sắc thư đến dụ bảo, quân Đại Việt mới đồng ý lui binh.
4. Những đợt tiến quân sang Trung Quốc thời hậu Lê
Tranh chấp đầu tiên giữa nhà Minh và Đại Việt thời hậu Lê diễn ra vào năm 1438 tại châu An Bình, Tư Lăng (nay thuộc Quảng Tây của Trung Quốc) và châu Tư Lang Hạ (nay thuộc Cao Bằng, Viêt Nam). Hai bên đưa quân vượt biên tiến đánh lẫn nhau.
Theo “Minh sử” và “Minh thực lục” có ghi chép rằng: Vùng châu An Bình, huyện Long Châu, phủ Thái Bình (Quảng Tây) và châu Tư Lăng bị thổ quan châu Tư Lang của Đại Việt là Nông Nguyên Hồng xâm lấn, chiếm 2 động và 21 thôn.
Sách “Bang giao chí” của Phan Huy Chú có ghi lại nội dung thư của Lê Thái Tông gửi Tu Bố chính Quảng Tây cho rằng do chính thổ quan châu An Bình và châu Tư Lăng bên Trung Quốc đánh lấn châu Tư Lang của Đại Việt trước.
Hai nước đã có nghị đàm giải quyết nhưng không có kết quả. Đến năm 1447 hai nước mới thống nhất 11 thôn thuộc về Long Châu của nhà Minh, 6 thôn thuộc về Hạ Tư Lang của Đại Việt.
Năm 1479 giặc cướp từ biên giới nhà Minh hay lấn qua cướp phá của người Việt. Vua Lê Thánh Tông cho 800 quân đánh đuổi giặc cướp rồi đuổi theo sang tận huyện Mông Tự (Vân Nam) dựng doanh trại ở đó. Các quan địa phương nhà Minh phải đến thương thảo, quân Việt mới rút trở về.
Năm 1480, tình hình biên giới có chiều hướng căng thẳng khi rất nhiều quân cướp từ biên giới nhà Minh hay kéo sang tàn phá làng xóm người Việt, tổng binh tri Bắc Bình của Đại Việt là Trần Ao sai Đào Phu Hoán đem 600 quân đánh vào Cảm Quả, chiếm được ải Thông Quang (thuộc Quang Lang, Ôn Châu, Trung Quốc) rồi tiến vào Ban Động dựng rào chắn, rồi tâu rõ sự việc cho triều đình. Sau khi hai bên thương thảo với nhau, quân Việt mới rút quân trở về.
Trước những động thái cương quyết bảo vệ lãnh thổ trước những động thái xâm lấn từ phương Bắc, thậm chí sẵn sàng vượt biên tiến đánh khi cần thiết, vùng biên giới phía Bắc từ năm 1480 trở đi trở nên yên ổn hơn. Các toán cướp cùng quân nhà Minh không còn dám tùy ý tràn sang lấn chiếm cướp phá như trước đây nữa.
Trần Hưng