Mỹ đang có bước thay đổi trong chiến lược của Mỹ ở biển Đông, chuyển từ quan sát và ngăn chặn sang tăng cường khả năng tấn công.
Hải quân Mỹ vừa có động thái triển khai một tàu khu trục và hai tàu tác chiến duyên hải đến biển Đông, nơi Trung Quốc (TQ) đang hung hăng bành trướng .
TQ thời gian qua rất hung hăng mở rộng hiện diện quân sự ở biển Đông. Các hành động bành trướng trái phép của TQ gặp thách thức lớn từ Mỹ . Thời gian qua, Mỹ luôn tích cực tuần tra hàng hải ở biển Đông, đặc biệt ở các khu vực TQ mở rộng hiện diện quân sự bằng cách xây nhiều tiền đồn quân sự với nhiều sân bay, radar, vị trí tên lửa, cảng hải quân trên các đảo nhân tạo nước này chiếm đóng và cải tạo trái phép.
Mỹ thay đổi chiến lược?
Gặp Bộ trưởng Quốc phòng TQ Ngụy Phượng Hòa tại Bangkok (Thái Lan) đầu tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cáo buộc TQ “tăng cường viện trợ tới cưỡng ép và dọa dẫm để đạt được các mục tiêu chiến lược của mình” ở khu vực.
Bỏ qua đề nghị của ông Ngụy rằng Mỹ phải “chấm dứt thể hiện sức mạnh, không khiêu khích và leo thang căng thẳng ở biển Đông”, trong chuyến công du châu Á tuần rồi ông Esper vẫn đưa ra thông điệp thời gian tới Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa tuần tra ở biển Đông.
Theo phát biểu của ông Esper tại Philippines ngày 19-11, “tất cả chúng ta đều phải tôn trọng quy định và luật pháp quốc tế và chúng tôi nghĩ TQ cũng phải tôn trọng những điều này”. Ông Esper cũng đề nghị các nước có tranh chấp biển Đông khẳng định quyền chủ quyền của mình để đưa TQ “về con đường đúng”.
Việc Mỹ triển khai hai tàu tác chiến duyên hải USS Gabrielle Giffords và USS Montgomery đến biển Đông mới đây cho thấy Mỹ có dấu hiệu thay đổi chiến lược ở biển Đông. Báo SCMP cho rằng Mỹ đi bước này nhằm tăng cường sức mạnh tấn công ở biển Đông, nơi TQ ngày càng gia tăng quân sự hóa. Trong khi đó, báo IBT Times nhận xét động thái triển khai hai tàu tác chiến duyên hải là một sự phô diễn sức mạnh rất rõ ràng của Mỹ với TQ.
Từ ngăn chặn sang tấn công
Phần lớn tàu chiến mà Mỹ triển khai tuần tra ở biển Đông lâu nay là tàu khu trục và tàu tuần dương và đều có trang bị tên lửa. So với những tàu này thì các tàu tác chiến duyên hải như USS Gabrielle Giffords và USS Montgomery lại có những lợi thế đặc biệt ở khu vực, theo nhận xét trong một báo cáo của tổ chức Sáng kiến điều tra tình hình chiến lược biển Đông (SCS-SSPI) thuộc Viện Nghiên cứu hải dương của ĐH Bắc Kinh.
“Không chấp nhận bất kỳ nước nào dùng sự ép buộc và hăm dọa để giành quyền lợi quốc tế trong sự thiệt thòi của các nước khác” – Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ MARK ESPER nói tại Philippines ngày 19-11
Theo đánh giá trong báo cáo, khả năng di chuyển ở khu vực nước nông giúp các tàu tác chiến duyên hải thực hiện tốt các chiến dịch trinh sát ở các khu vực đá ngầm ở quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam, đang bị TQ chiếm đóng trái phép). Tốc độ di chuyển nhanh của tàu – có thể lên đến 50 hải lý (gần 100 km) mỗi giờ – cũng là một lợi thế khi thực hiện các chiến dịch tự do hàng hải. Thiết kế có thể tháo rời bộ phận giúp tàu có thể nhanh chóng chuyển đổi từ đang thực hiện chiến dịch chiến đấu sang chiến dịch chống mìn, chống tàu ngầm.
Đặc biệt, tàu USS Gabrielle Giffords vốn được trang bị tên lửa chống tàu tiên tiến có thể tham gia vào các chiến dịch của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ. Đầu tháng 10, tàu USS Gabrielle Giffords thử một tên lửa tàng hình có tầm bắn 185 km – vụ thử tên lửa tàng hình đầu tiên ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Bên cạnh đó, theo tổ chức (SCS-SSPI), việc triển khai hai tàu tác chiến duyên hải này cho thấy Mỹ có dấu hiệu chuyển chiến lược từ quan sát và ngăn chặn sang tăng cường khả năng tấn công ở biển Đông.Báo cáo dự đoán các chỉ huy Mỹ sẽ bắt đầu tập trung cải thiện năng lực tấn công của mình trong khu vực, bằng cách chủ động tìm kiếm, phát hiện và ngăn chặn nguy cơ bị tấn công quân sự và chuẩn bị cho khả năng có xung đột quân sự.
Tuy nhiên, theo chuyên gia quân sự Song Zhongping (Hong Kong), hai tàu tác chiến duyên hải Gabrielle Giffords và Montgomery chưa đủ sức đe dọa đáng kể các đảo, đá TQ đang chiếm giữ và kiểm soát trái phép ở biển Đông, vì các tàu này thiếu khả năng tàng hình và lại nhỏ, yếu. Theo ông Song, “để đối phó, phía TQ có thể tăng cường thêm tên lửa mặt đất và tên lửa phóng từ tàu cũng như thêm máy bay, thậm chí triển khai cả tàu sân bay”. Tất nhiên, hải quân Mỹ thừa sức hiểu vấn đề này và thực tế cho thấy Washington có thể sẽ huy động thêm nguồn lực khi TQ không có ý hoặc không có thiện chí giảm leo thang “không thể chấp nhận” ở khu vực.
Mỹ đưa 3 tàu đến Trường Sa, Hoàng Sa
Một số nguồn tin quân sự Mỹ nói với Reuters ngày 22-11 rằng Hải quân Mỹ vừa có động thái triển khai một tàu khu trục đến quần đảo Hoàng Sa và hai tàu tác chiến duyên hải lớp Independence đến quần đảo Trường Sa (cả hai quần đảo thuộc chủ quyền Việt Nam, hiện bị TQ chiếm đóng trái phép).
Nữ phát ngôn của Hạm đội 7 Hải quân Mỹ Reann Mommsen nói với Reutersrằng ngày 21-11 Mỹ triển khai tàu khu trục Wayne E. Meyer đến thách thức các giới hạn mà TQ đặt ra cho các tàu di chuyển qua quần đảo Hoàng Sa. Ngày 20-11, Mỹ đưa hai tàu tác chiến duyên hải USS Gabrielle Giffords và USS Montgomery đến quần đảo Trường Sa để thực thi luật hàng hải quốc tế và đảm bảo an toàn lưu thông tàu ở khu vực.Tàu USS Gabrielle Giffords đã di chuyển trong vùng 12 hải lý từ Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa.
Trước đó SCMP dẫn thông tin theo dõi sự di chuyển của tàu thuyền cho biết tàu USS Gabrielle Giffords rời căn cứ hải quân Changi của Singapore ngày 15-11. Tàu USS Montgomery thực hiện một chiến dịch chung với hai tàu chiến Úc trong thời gian từ ngày 6 đến 12-11. Hai tàu này hoạt động tích cực ở biển Đông.
Theo PLO