5 năm trước, gặp một người bỏ công việc chính để làm streamer hay game thủ, liệu ánh nhìn của bạn có giống như bây giờ?
Từng giây từng phút trôi qua của thời đại cách mạng công nghệ hiện nay, trên thế giới lại có thêm hàng loạt những ý tưởng, phát minh mới hiện hữu. Thành công có nhiều, thất bại cũng chẳng ít, nhưng chắc chắn dòng chảy vật đổi sao dời của cuộc sống hiện đại sẽ luôn tiếp diễn. Đó cũng là cội nguồn lý do khiến cho hàng loạt những “nghề nghiệp 4.0” được sinh ra và trở nên thịnh hành hơn bao giờ hết chỉ trong một thời gian ngắn trở lại đây, phục vụ tất thảy các nhu cầu xem-ăn-chơi của cư dân mạng thuộc kỷ nguyên Internet thống trị.
Từ “lũ lông bông” cho tới nghề nghiệp hấp dẫn hàng đầu, ngồi một chỗ kiếm trăm triệu cũng có
Trở lại 5 năm về trước, có lẽ những cụm từ như vlogger, streamer hay YouTuber sẽ chẳng có nổi một chỗ đứng trong tâm trí nhiều người khi nói về một nghề nghiệp ổn định. Chúng hầu hết đều được coi như một từ ngữ phái sinh đơn thuần theo ngôn ngữ tiếng lóng tự phát: “vlogger” xuất phát từ “video-blog” và hậu tố “er” để chỉ người thực hiện, tương tự như “YouTuber” cũng vậy. Cộng thêm định kiến “nhàn cư vi bất thiện” luôn thường trực trong suy nghĩ ở nhiều nước, rõ ràng việc một người dành mười mấy tiếng đồng hồ chỉ cắm mặt vào máy tính mỗi ngày sẽ nhận không ít những lời đàm tiếu và soi mói, thậm chí chỉ trích và phản đối từ phía người thân vì nghi ngại chỉ dính vào những thứ vô bổ, tốn thì giờ.
Thế nhưng, thấm thoắt vài năm ngắn ngủi trôi qua, những con số và bằng chứng rành rành về xu hướng phát triển của thế giới đã khiến những cái nhìn chế giễu đó bốc hơi ngay lập tức. Điểm qua một chút sương sương, lĩnh vực livestream không chỉ vượt lên trở thành chức danh nghề nghiệp chính thống toàn thời gian, mà còn là một trong những ngành kinh tế hàng đầu của nhiều cường quốc. Game thủ giờ không còn là cái mác gán cho những số phận tạm phất lên từ quán net, mà nay họ đã có thể tự hào mình là một trong số các triệu phú USD hiếm hoi ở độ tuổi còn rất trẻ.
Chẳng nói đâu xa, bản thân Việt Nam cũng là quốc gia dẫn đầu về trào lưu livestream với sự dẫn đầu của hàng loạt các tên tuổi streamer đình đám như Viruss, Pewpew, Misthy hay đến những cái tên khác nổi tiếng không kém như Độ Mixi, Xemesis… Những streamer có thu nhập hàng chục cho tới hàng trăm triệu đồng/tháng không còn hiếm nữa.
Vậy còn ngành thể thao điện tử thì sao? Hãy cùng đến với sự kiện The International của tựa game e-sports Dota 2, nơi chứng kiến giải đấu với số tiền thưởng khổng lồ lên tới hơn 34 triệu USD năm nay. Khoản tiền này không bao gồm chi phí tổ chức và sản xuất, đồng nghĩa với việc một nhóm game thủ sẽ ẵm toàn bộ chúng về nhà tùy theo cấp giải thưởng. Chiến thắng chung cuộc cao nhất dành cho các chàng trai thuộc team OG, bảo vệ thành công chức vô địch 2 năm liền, mang về tổng tiền thưởng 26 triệu USD. Nhờ đó, cả 5 thành viên này đang chễm chệ đứng top các game thủ giàu nhất thế giới, tổng tài sản từng người hiện xếp sát nhau lần lượt dao động từ 5,4-6,8 triệu USD (tương đương 124-157 tỷ đồng).
Đó mới chỉ là số ít tiêu biểu thuộc danh sách nghề nghiệp sinh ra từ nhu cầu thời đại 4.0. Vẫn còn những streamer, vlogger làm giàu từ việc xây dựng hình ảnh cá nhân, chứng minh tài năng và kiến thức sâu rộng, được hàng triệu người follow trên các kênh mạng xã hội, theo sau là cả những ê-kíp hỗ trợ chạy quảng cáo và phân phối nội dung… Họ thường được gọi chung bằng thuật ngữ “influencer” – người mang tầm ảnh hưởng lớn – và tất nhiên, số tiền họ kiếm được qua nhiều giờ nghiền ngẫm sáng tạo trước màn hình máy tính, máy quay cũng có sức nặng mơ ước miễn bàn.
Dĩ nhiên, thành công của họ không phải lúc nào cũng mang một màu hồng suôn sẻ từ giây phút khởi đầu. Không phủ nhận việc có những influencer đang thực sự thành công hơn phần đông dân số thế giới, nhưng ít ai hiểu được cái giá phải trả khi theo đuổi con đường này. Áp lực hiện hữu thường ngày đến từ yêu cầu bắt buộc nỗ lực mọi lúc mọi nơi nếu muốn thành công hơn, từ giây phút ngủ dậy cho tới khi đi ngủ đêm tiếp theo, lúc nào cũng phải nghĩ xem sẽ đăng gì lên Internet, làm gì với cái điện thoại…
Có lẽ phải được cho cơ hội thử đóng vai vào làm một streamer/vlogger đối mặt với sự bế tắc ý tưởng, hay một game thủ bất lực vì chưa tìm ra cách vực dậy phong độ bản thân, tới lúc đó chúng ta mới hiểu được hết vì sao đó thực sự là những công việc xứng đáng được công nhận như mọi chức danh và nghề nghiệp chính đáng khác. Nhưng phải khẳng định, một thế hệ dám làm những điều khác biệt, đi ngược định kiến xã hội, như thông điệp #DoWhatYouCant hãng điện tử Hàn Quốc Samsung từng khởi xướng đang bắt đầu nổi lên từ chính bản thân những người trẻ.
Theo Hà Thu – Trí thức trẻ