Tại một ngôi chùa nọ, các đệ tử luôn xảy ra tranh chấp, tật đố mà không hề biết nghĩ cho nhau, làm vị sư trụ trì rất phiền lòng. Một hôm các đệ tử đang tranh cãi đến mức đánh nhau, họ muốn so tài cao thấp để tự tìm ra người xứng đáng được truyền thụ võ công.
Thấy vậy, vị sư trụ trì liền gọi tất cả các đệ tử lại và nói: “Hôm nay ta sẽ chính thức lựa chọn người được vào Tàng Kinh Các để học kinh thư nâng cao công lực, ai là người hiểu đúng 4 câu này của ta sẽ được chọn.”
Tất cả các đệ tử liền vội vàng tập trung lại quanh vị sư trụ trì để nghe câu hỏi, duy chỉ có chú tiểu hay bị các vị sư huynh bắt nạt vẫn khoan thai đứng quét rác như không biết chuyện gì xảy ra. Vị sư phụ quan sát chúng đệ tử rồi gọi chú tiểu ấy lại cùng nghe. Sau đó ông hỏi: “Câu thứ nhất, xem mình là người khác. Các con có thể nói thử xem các con hiểu thế nào về câu nói này không?”
Trong khi các vị sư huynh đang trầm ngâm suy nghĩ để tìm câu trả lời thì chú tiểu nói: “Câu này có phải nghĩa là khi con buồn khổ, nếu xem mình là người khác, như vậy thì nỗi khổ của con sẽ giảm đi. Khi con quá vui vẻ, xem mình là người khác thì sự kích thích đó sẽ được trung hòa lại. Khi con sân hận, xem mình là người khác thì con sẽ hòa ái hơn.”
Vị sư nhẹ nhàng gật đầu và nói: “Câu thứ hai, xem người khác là mình.” Nói xong, ông yên lặng chờ đợi các đệ tử tìm ra câu trả lời.
Chú tiểu trầm ngâm một lúc rồi nói: “Có phải là xem người khác là mình thì có thể cảm nhận được niềm vui hoặc nỗi buồn của người khác, hiểu được họ cần gì và giúp đỡ khi họ cần, khi ấy làm bất cứ việc gì mình đều nghĩ cho người khác trước.”
Vị sư rất vừa lòng và lại hỏi tiếp: “Câu thứ ba, xem người khác là người khác.”
Lúc này các vị sư huynh đều ngơ ngác chưa hiểu được thì chú tiểu liền trả lời: “Có phải câu này có nghĩa là chúng ta phải tôn trọng sự độc lập của mỗi cá nhân, trong bất kì tình huống nào cũng không được can dự vào không gian riêng của người khác. Ai cũng có duyên nghiệp riêng không thể tự ý can thiệp được.”
Vị sư nghe xong rất vừa ý và nói: “Ta sẽ nói cho các con biết câu hỏi cuối cùng: Tự xem mình là mình.”
Chú tiểu vừa nghe xong thì lập tức trả lời: “Câu nói này có nghĩa là phải tôn trọng nội tâm của chính mình, luôn luôn nhìn lại mình không được để bị tác động bởi môi trường bên ngoài hoặc thành kiến của người khác. Không bị làm phiền thì mới có thể sống là chính mình, có được sự tự do tự tại.”
Vị sư cười lớn: “Quả nhiên là một người có căn cơ, chỉ vài lời mà con đã giải được những câu hỏi cô đọng về kiếp nhân sinh của thầy. Chỉ là mấy câu này tuy hiểu thì rất dễ, nhưng các con phải vận dụng vào thực tế cả đời đấy.”
Lúc này các vị sư huynh cảm thấy xấu hổ không nói nên lời và mỗi người ai nấy đều lầm lũi đi về phòng thiền, nghiền ngẫm lại những câu hỏi và câu trả lời của vị sư đệ, tuy hay bị coi thường và bắt nạt nhất nhưng lại có sự hiểu biết uyên thâm nhất.
Vị sư trụ trì gọi chú tiểu lại ân cần hỏi: “ Vì sao con chỉ thích quét rác mà không thích luyện võ công?”
Chú tiểu đáp: “Vì con thấy lúc quét rác chính là lúc con quét đi những thứ dơ bẩn trong tâm mình, nếu vẫn còn sân si trong lòng thì khi luyện võ công mình sẽ vô tình đả thương người khác thôi ạ.”
Sư trụ trì cảm thấy rất vừa lòng vì có được tiểu đệ tử ngộ tính cao như vậy liền hỏi tiếp: “Vậy giờ ta cho con vào Tàng Kinh Các để học các kinh thư con có muốn không?”
Chú tiểu liền đáp: “Con rất thích nhưng e giờ chưa thích hợp vì con chưa đủ trưởng thành, với lại các sư huynh sẽ không bằng lòng mà sẽ gây thêm chuyện phiền phức cho sư phụ.”
Sư phụ gật gù đồng ý và dặn dò: “Sau này cuộc sống của con có thể sẽ gặp nhiều khổ nạn nếu con biết xem mình là người khác, như vậy thì khổ nạn cũng sẽ dễ vượt qua. Khi con muốn xuống núi giúp người giúp đời, thì trước hết con phải hiểu thật rõ chính mình, biết cách cân bằng nội tâm bất động trước các tác tác động tiêu cực bên ngoài. Hãy sống tùy kỳ tự nhiên không được vô cớ can thiêp đời sống riêng của bất kỳ ai. Làm bất kỳ việc gì cũng phải nghĩ cho người khác trước, lúc ấy mình mới là người có ích được.”
Thiên Cầm biên dịch