Ông Ethan Epstein, Phó Tổng biên tập tờ Washington Times bình luận, tựa đề cuốn hồi ký ‘Những cách để mất đi những người bạn và khiến đồng minh xa lánh’ của Toby Young là sự mô tả thích hợp về chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Vào đầu thế kỷ này, Trung Quốc đã không ngừng theo đuổi ‘sự trỗi dậy hòa bình’ thúc đẩy mối quan hệ gần gũi hơn với nhiều cường quốc trên thế giới, thông qua việc xây dựng các mạng lưới kinh tế sâu rộng, khắp Đông Nam Á, Châu Phi và thậm chí ở cả Nam Mỹ xa xôi.
Chính quyền Bắc Kinh đề ra các sáng kiến quyền lực mềm, như việc thành lập các cơ sở của ‘Học viện Khổng Tử’ trên khắp các trường đại học và trung học trên toàn thế giới, với mục tiêu thúc đẩy một thế giới quan thân thiện với Trung Quốc, chứng minh rằng chính quyền nước này rất coi trọng việc gây ảnh hưởng đến dư luận thế giới, không chỉ qua các màn diễu binh trên truyền hình phô diễn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), mà còn qua việc tổ chức những lớp học tiếng Trung và làm bánh bao, một loại ẩm thực rất được ưa chuộng ở Trung Quốc.
Kể từ khi ông Tập lên nắm quyền lực từ năm 2012, các chính sách đối nội đối ngoại của Trung Quốc đã thay đổi. Ở trong nước, Bắc Kinh bắt đầu tiến hành một cuộc đàn áp dữ dội, bắt giữ những người bất đồng chính kiến, và nhấn mạnh kỷ luật đảng. Còn ở nước ngoài, Trung Quốc đã thực hiện một chính sách đối ngoại gây hấn, như đe dọa Đài Loan, mở rộng phạm vi hoạt động ở Biển Đông, trừng phạt các nền dân chủ láng giềng như Hàn Quốc vì đã đưa ra các quyết định mà Bắc Kinh không chấp thuận … chính sách này đã làm tổn hại nặng nề đến hình ảnh của Trung Quốc.
Theo một cuộc thăm dò dư luận đầu năm nay của Trung tâm Nghiên cứu Pew, Trung Quốc ngày càng trở nên không được ưa thích giữa các nước láng giềng và các nước dân chủ phương Tây.
85% người Nhật có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc. 63% người Hàn Quốc, 57% người Úc và 54% người Philippines cũng có quan điểm như vậy. 70% người Thụy Điển có đánh giá thiếu thiện cảm về Trung Quốc, cũng như 62% người Pháp, 58% người Hà Lan và 57% người Ý. Trong khi đó, ở Canada, Trung Quốc bị 2/3 dân số nhìn nhận một cách tiêu cực.
Có lẽ không cần phải nói, ngày nay, Bắc Kinh cũng không được ưa thích ở Hồng Kông. Mỹ cũng không nằm ngoài xu hướng toàn cầu này.
60% người Mỹ có cái nhìn hoài nghi về Trung Quốc. Hiện Bắc Kinh không được ưa thích trong toàn bộ hệ thống chính trị của Mỹ.
Xung quanh cuộc tranh cãi gần đây giữa Bắc Kinh và Hiệp hội Bóng rổ Quốc gia Hoa Kỳ (NBA) liên quan đến các cuộc biểu tình vì dân chủ ở Hồng Kông, Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz và Hạ Nghị sĩ tiểu bang New York, bà Alexandria Ocasio-Cortez đã ký một lá thư lưỡng đảng, than phiền rằng chính quyền Trung Quốc đang sử dụng quyền lực kinh tế để ngăn chặn tiếng nói của người dân Mỹ bên trong nước Mỹ.
Cả 2 đảng Cộng hòa và Dân chủ đều lên án sự ngược đãi của Trung Quốc đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi. Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio, tiểu bang Florida, đã đề xuất ‘Dự luật Nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019’ và Thượng Viện Mỹ đã thông qua. Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren thuộc đảng Dân chủ, đã viết trong một bài đăng trên Twitter rằng: “Sự đối xử tàn nhẫn, tàn bạo của chính phủ Trung Quốc đối với người Hồi giáo và dân tộc thiểu số, là vi phạm nhân quyền kinh hoàng”.
Ngoài ra, Bắc Kinh vẫn sử dụng chiêu bài kinh tế đối với các quốc gia láng giềng yếu thế hơn để ngăn cản các nước này lên án họ. Với những chính sách đối ngoại mà chính quyền Bắc Kinh vận dụng đã khiến hình ảnh của đất nước Trung Quốc ngày càng suy giảm trong lòng cộng đồng quốc tế.
PV