Đó là chàng trai trẻ dân tộc Tày Trần Thế Ân. Ngoài chăn nuôi lợn, gà, cá bình thường, hiện Trần Thế Ân đang nuôi loài cá đặc sản của miền núi-cá bỗng. Đây là loài cá đặc sản hiếm có và có tuổi thọ tới 50 năm.
Với cách chăn nuôi, trồng những loại cây của địa phương và được cung cấp theo mùa đã giúp Ân (sinh 1991, thôn Lúp, xã Phương Độ, thành phố Hà Giang (Hà Giang) thành công trong mô hình phát triển kinh tế của mình. Các sản phẩm của gia đình thường được bán ở chợ phiên vào thứ 7 hàng tuần bằng việc tự mổ lợn, mang gà, rau, hoa quả bán trực tiếp. Qua đó, giúp giảm được khâu trung gian và thu lợi trực tiếp.
Đặc biệt, Ân còn thực hiện nuôi cá ruộng, bên cạnh 2 ao cá với các loại, như: bỗng, trắm, trôi…Ân đã tận dụng những diện tích ruộng để nuôi cá trê và cá rô đồng. Đây được xem là cách nuôi thích hợp, tận dụng diện tích ruộng bỏ không, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Cá được nuôi ở ruộng lớn nhanh tốn ít thức ăn; bởi, ruộng luôn sẵn có nguồn thức ăn là côn trùng. Loài cá bỗng là loài cá đặc sản, tuy chúng lớn chậm nhưng bán với giá rất cao, trong khi đó nguồn thức ăn cho loài cá này có thể tận dụng và sản xuất tại chổ. Giá bán 1 kg cá bỗng đặc sản tại chỗ lên tới vài trăm ngàn đồng.
Cá bỗng được mệnh danh là một trong số 5 loài “cá vua” của miền núi phía Bắc. Cá bỗng có sức đề kháng tốt hơn những loài cá khác, thịt ngon, giá trị dinh dưỡng cao. Trong điều kiện sống lý tưởng, cá bỗng có thể sống tới 50 năm. Cá bỗng ăn ít, dễ nuôi nhưng nhất thiết phải cần nguồn nước sạch và có nước chảy ra vào hàng ngày thì mới có thể sống. Cá bỗng lớn khá chậm. Một con cá bỗng có tuổi thọ chục năm tuổi cũng chỉ có trọng lượng trung bình khoảng 5-6kg…
Học chuyên ngành Y, nhưng sau khi ra trường, Ân đã chọn cho mình hướng đi riêng với mô hình chăn nuôi được anh hình thành và xây dựng từ năm 2016.
Trần Thế Ân giới thiệu về ao nuôi loài cá bỗng đặc sản của gia đình.
Ân cho biết: “Ban đầu lấy những vật nuôi trong gia đình có sẵn, như lợn, gà để tập chăn nuôi; cùng với đó, anh học hỏi thêm trên mạng và nhiều mô hình khác về cách nuôi và chọn giống; dần tích lũy được kinh nghiệm và mở rộng quy mô. Hiện tại, anh luôn duy trì nuôi từ 50 – 60 con lợn đen, hơn trăm con gà ta và 5 con trâu…, cùng đó, kết hợp trồng cây ăn quả như: Bưởi, mít và trồng các loại rau màu…”.
Ân tâm sự: “Có lần hụt hẫng về những chú gà không rõ lý do mà lăn ra chết, hay làm sao để đỡ đẻ những chú lợn, có lúc nuôi lợn mãi không lớn và phải điều chỉnh thường xuyên liều lượng, cách cho ăn để tìm ra chế độ ăn phù hợp cho từng độ tuổi của lợn..”. Từ một chàng trai học Y, nay lại là một anh nông dân với việc đỡ đẻ cho lợn, chăm sóc cá và theo dõi từng ổ trứng gà ấp. Nhưng trên hết, đây là công việc mà Ân yêu thích nên luôn toàn tâm, toàn ý.
Từ trục đường đôi của thành phố có thể nhìn thấy căn nhà nhỏ với các chòi xung quanh, đó là trang trại Ân đã tự tay gây dựng trong những năm qua. Tuy quy mô chưa lớn, nhưng được Ân quy hoạch rất khoa học; trước cửa nhà, anh trồng cây ngắn ngày; tiếp theo là ao nuôi cá, cách xa nhà là chuồng nuôi lợn, gà; phía sau mảnh đồi là không gian trồng cây ăn quả.
Tại khu vực chăn nuôi, Ân xây dựng hệ thống bể biogas để tận dụng chất thải, tạo chất đốt và đảm bảo vệ sinh môi trường. Trong chuồng nuôi, Ân chia thành các ô để tiện cho việc tách đàn và những lứa lợn được sắp xếp theo từng độ tuổi để dễ chăm sóc. Hiện, Ân đang xây dựng thêm một khoảnh vườn để tạo sân chơi cho lợn, cùng với đó là tận dụng những nông sản gia đình trồng được để làm thức ăn cho đàn lợn; bởi vậy, đàn lợn luôn phát triển nhanh, béo tốt và ít bệnh.
Dám nghĩ, dám làm và linh hoạt trong cách chăn nuôi cũng như kinh doanh; trang trại nhỏ mà Ân nỗ lực xây dựng đã giúp gia đình anh luôn có nguồn thu từ 150 – 200 triệu/năm. Trong năm 2019, Ân tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi với việc nuôi lợn nái, gà Đông Tảo, gà sao để cung cấp các sản phẩm sạch cho người tiêu dùng.
Cá bỗng sông Gâm nhà giàu vẫn khó mua
Cá bỗng nướng thơm ngon được nhiều thực khách thích thú
Loại cá bỗng chục năm tuổi, với trọng lượng trên 3kg được người dân tộc Tày nuôi ở trên Hà Giang có giá 750.000 đồng/kg đang được rất nhiều người lùng mua, đặc biệt là giới sành ăn ở Hà thành.
Anh Nguyễn Hoàng Quân ở Trung Kính (Cầu Giấy, Hà Nội) rất thích ăn món cá bỗng nướng, hấp. Nhưng, để mua được một con cá bỗng chục năm tuổi hay hơn thế là vô cùng khó.
Anh Quân kể, khoảng 6 năm về trước, trong một chuyến công tác lên Hà Giang, anh được mấy người bạn người dân tộc Tày chiêu đãi món cá nướng thơm phức tại một quán ăn trên thị xã Hà Giang, đến giờ anh vẫn không thể quên mùi vị của nó.
Lúc đó, anh tò mò hỏi chủ quán thì được biết, con cá được tẩm ướp lá chanh rồi kẹp vào thanh nứa nướng trên than củi.
Khi nướng, nứa non sẽ tứa nước ra, ngấm vào cá, tạo nên hương vị độc đáo. Thịt cá ngọt thơm, săn chắc, nước mỡ dính như keo bên ngoài khiến vảy cá vàng ươm, ăn giòn tan.
“Kể từ đó, cứ mỗi lần có dịp lên Hà Giang, tôi đều qua thị xã Hà Giang tìm cách mua bằng được loại cá bỗng này. Song, không phải lần nào cũng mua được, bởi loại cá bỗng sông Gâm ngày càng hiếm, nhất là với cá hơn chục năm tuổi. Còn cá bỗng vài chục năm cho đến gần 100 tuổi thì tôi mới nghe nói chứ chưa thấy ai mua được bao giờ”, anh Quân chia sẻ.
Chị Phan Thị Hà Lê ở Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, do đặc thù công việc nên mỗi năm, chị thường phải lên Hà Giang vài lần. Mỗi lần đi, chị đều tìm cách mua được 1-2 con cá bỗng đem về Hà Nội.
Theo chị Lê, cá bỗng có ở khá nhiều nơi ở các tỉnh Tây Bắc, nhưng nổi tiếng nhất vẫn là cá bỗng ở Hà Giang. Ai đã từng được thưởng thức loại cá bỗng này một lần thì sẽ không thể quên được hương vị đặc biệt của nó.
“Trước kia cá bỗng rẻ lắm, chỉ 300.000-400.000 đồng/kg, nhưng nay cá trở nên khan hiếm. Cá ngoài sông bị người dân đánh bắt hết nên giờ chỉ có cá của dân nuôi.
Đặc biệt, loại cá lâu năm lại càng hiếm hơn nên giá càng đắt. Giờ một con cá bỗng giá phải trên 2 triệu đồng chứ không ít”, chị nói.
Trao đổi với PV VietNamNet, anh Hòa Tuấn, một đầu mối chuyên buôn cá bỗng sông Gâm về Hà Nội, cho hay, cá bỗng Hà Giang được rất nhiều người tìm mua nhưng số lượng thường có hạn, không phải muốn mua là có.
Giá của loại cá bỗng hơn chục năm tuổi lên đến 750.000 đồng/kg, vẫn không đủ hàng bán
Theo anh Tuấn, cá bỗng trước thường được người dân đánh bắt rất nhiều ở sông Gâm nhưng giờ đã khan hiếm. Người dân tộc Tày ở Hà Giang phải tìm cách dẫn nước sông suối về ao nhà để nuôi. Ngoài ra, họ cũng thường bắt cá bỗng về nuôi làm cảnh.
“Người Tày coi cá bỗng là một loại đặc sản quý, chỉ dùng để tiếp khách quý hoặc làm cỗ cúng”, anh nói.
Anh Tuấn nói thêm, cá có đặc điểm là từ nhỏ đến khi đạt trọng lượng 1-2kg lớn rất nhanh. Sau thời gian đó, nó bắt đầu lớn chậm dần.
Do đó, một chú cá nuôi khoảng chục năm tuổi cũng chỉ có trọng lượng khoảng trên 3kg, còn những “ông cá” có tuổi đời gần 100 năm cũng chỉ đạt trọng lượng 15-16kg.
Loại cá này càng nuôi lâu năm thịt càng ngon ngọt bởi thức ăn chủ yếu của nó là rau và rong rêu, vì thế cá bỗng nuôi trong ao hay bắt ở sông chất lượng thịt tương đương nhau, anh Tuấn cho hay.
Giá cá khi về tới Hà Nội là 750.000 đồng/kg. Thế nhưng, mỗi lần vận chuyển cũng chỉ được vài con loại chục năm tuổi nên không đủ bán cho khách.
“Nguồn cung hạn chế trong khi vận chuyển cá sống lại rất vất vả, không cẩn thận là cá chết ngay, do đó, giá cá bỗng thuộc diện đắt đỏ.
Những con có tuổi đời lên đến vài chục năm hay thuộc diện “cá ông, cá bà” thì siêu hiếm nên chỉ dân sành ăn mới mua”, anh Tuấn nói. Sắp tới, anh sẽ đưa giống cá này về Hà Nội nuôi thử.
Theo Hoàng Yến (Báo Hà Giang)